Sống chung với virus

GD&TĐ - Hành trình chống dịch tại Anh được coi như diễn biến thu nhỏ của cuộc chiến chống dịch trên toàn thế giới, bao gồm những bước đi mà hầu như nước nào cũng phải trải qua.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 5/7 công bố kế hoạch chi tiết về việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế chống Covid-19, trong đó khẳng định cốt lõi của vấn đề là người dân “phải học cách sống chung với virus” ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng đạt tới mức miễn dịch cộng đồng với đại dịch.

Hành trình chống dịch tại Anh được coi như diễn biến thu nhỏ của cuộc chiến chống dịch trên toàn thế giới, bao gồm những bước đi mà hầu như nước nào cũng phải trải qua. Ban đầu, quốc gia này là một trong những ổ dịch lớn nhất hành tinh, trở thành nước có số người tử vong vì Covid-19 lớn thứ hai châu Âu sau Nga với hơn 128 nghìn người chết.

Sau đó, ngay từ tháng 12/2020 Anh là một trong những quốc gia đầu tiên triển khai tiêm chủng ngừa Covid-19 và coi đây như vũ khí quan trọng nhất chống lại đại dịch. Tính đến đầu tháng 7/2021 đã có khoảng 64% số người trưởng thành tại Anh được tiêm hai liều vắc-xin, đạt tỷ lệ cao hàng đầu thế giới và tiệm cận ngưỡng miễn dịch cộng đồng.

Nhờ có vắc-xin, số ca nhiễm mới và tử vong tại Anh giảm mạnh trong những tháng gần đây. Tín hiệu này khiến London lên kế hoạch mở cửa trở lại hoàn toàn từ ngày 21/6. Tuy nhiên, sự hoành hành của biến chủng Delta có nguồn gốc từ Ấn Độ đã khiến Anh phải lùi kế hoạch mở cửa tới ngày 19/7.

Trước thềm thời điểm này, giới chức Anh liên tục lưu ý rằng Covid-19 chưa chấm dứt và kêu gọi người dân phải học cách sống chung với virus lâu dài.

Những bước đi chống dịch tại Anh và quan điểm phải sống chung với virus cũng đang diễn ra tương tự tại Mỹ, một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về tốc độ tiêm chủng. Trong bài phát biểu mừng quốc khánh 4/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo rằng nước này vẫn chưa thể đánh bại Covid-19 dù đã giành được những ưu thế nhờ chiến dịch tiêm phòng vắc-xin.

Tính đến trước ngày quốc khánh đã có 67% người trưởng thành tại Mỹ được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, thấp hơn một chút so với mục tiêu 70% mà Tổng thống Biden đã đề ra trước đó. Lời cảnh báo của ông Biden trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng đang diễn ra hiệu quả nhằm mục đích nhắc nhở người dân không được chủ quan và phải học cách sống chung với virus.

Đây cũng là thông điệp đang được phổ biến tại Singapore, quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tỷ lệ tiêm chủng đại trà cho người dân. Cách tiếp cận chống dịch này được các chuyên gia y tế ủng hộ vì sự khó lường của virus. Theo đó, việc tiêm vắc-xin tỷ lệ cao cũng không thể giúp chiến thắng hoàn toàn đại dịch nếu có tâm lý chủ quan của người dân.

Trong khi đó, các biến chủng mới liên tục xuất hiện và ngày càng nguy hiểm hơn, có khả năng thách thức vắc-xin. Mới đây nhất, biến chủng mang tên Lambda được phát hiện lần đầu tại Peru được thông báo có khả năng dễ lây lan hơn so với các biến chủng phổ biến hiện nay là Alpha, Gamma và Delta lần lượt được phát hiện lần đầu tại Anh, Brazil và Ấn Độ vốn đang khuynh đảo cả thế giới.

Sự xuất hiện liên tục của các biến chủng mới là điều đã được các nhà khoa học và tổ chức WHO cảnh báo từ trước, do sự tồn tại trong thời gian dài của Covid-19 đã tạo điều kiện cho chúng được sinh sôi.

Do đó, việc phải học cách sống chung với virus không chỉ là cách tiếp cận hiệu quả tại những nước đang bị đại dịch hoành hành, mà còn là yêu cầu đặt ra với các quốc gia đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao.    

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.