Quản lý Nhà nước đối với giáo dục đại học: Kinh nghiệm từ Trung Quốc

GD&TĐ - Hiện nay, hệ thống giáo dục đại học ở Trung Quốc được chia thành 4 tầng: Đại học nghiên cứu (trường 985 thuộc top 40 trường hàng đầu), đại học nghiên cứu - giảng dạy (trường 211 và các trường trọng điểm địa phương), đại học giảng dạy và cao đẳng. Chính sách phát triển giáo dục đại học của Trung Quốc gắn liền với chính sách phát triển kinh tế xã hội theo từng thời kỳ.  

Các trường đại học Trung Quốc chủ động hội nhập quốc tế
Các trường đại học Trung Quốc chủ động hội nhập quốc tế

Chiến lược phát triển giáo dục đại học

Theo kết quả nghiên cứu ban đầu của đề tài “Quản lý Nhà nước đối với giáo dục đại học: Một số kinh nghiệm của Trung Quốc và khuyến nghị cho Việt Nam” do PGS Mai Ngọc Anh làm chủ nhiệm, sau thời kỳ cách mạng văn hoá, hệ thống thi tuyển sinh đại học được tái lập cùng với giai đoạn Trung Quốc thực hiện cải cách chính sách hội nhập quốc tế; các bộ ngành ở Trung ương chuyển giao quyền quản lý trường đại học về các chính quyền tỉnh, thành phố và khu tự trị, nhiều trường đại học trên địa bàn do chính quyền địa phương quản lý.

Cùng với các trường đại học công lập, các trường đại học ngoài công lập cũng tham gia đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển thời kỳ hội nhập trong đào tạo nghiên cứu sinh (bao gồm thạc sĩ và tiến sĩ); đào tạo trình độ đại học; đào tạo trình độ cao đẳng.

Chính sách phân tầng phát triển hệ thống giáo dục đại học được thực hiện từ những năm 1986 và tiếp tục duy trì sau khi Trung Quốc theo đuổi chiến lược đại chúng hoá giáo dục đại học. Hệ thống giáo dục đại học ở Trung Quốc hiện nay được chia thành 4 tầng: Đại học nghiên cứu (trường 985 thuộc top 40 trường hàng đầu), đại học nghiên cứu - giảng dạy (trường 211 và các trường trọng điểm địa phương), đại học giảng dạy và cao đẳng.

Mặc dù 31 tỉnh thành và khu tự trị ở Trung Quốc đại lục đều có trường đại học được tham gia Chương trình 211, tuy nhiên sự phân bố trường đại học giữa các tỉnh, các vùng là không đồng đều. Khu vực phát triển miền Đông không chỉ tập trung nhiều trường đại học, mà còn tập trung 7/9 trường thuộc hệ thống C9 League (9 trường đại học hàng đầu thuộc Chương trình 985).

Hiện nay, kinh phí cho giáo dục của Trung Quốc là hơn 4% GDP, giáo dục đại học chiếm 25% trong tổng số chi tiêu cho giáo dục của Trung Quốc.

Về xây dựng đội ngũ giáo viên ngành sư phạm, vào tháng 1/2018, Quốc Vụ viện ra văn bản quy định về đào tạo đội ngũ giáo viên (quyền, nghĩa vụ và ưu đãi đối với giáo viên).

Mục tiêu đặt ra là giáo dục trở thành ngành ưu tiên hàng đầu và nghề giáo là nghề được coi trọng nhất trong xã hội với mức lương cao nhất. Từ 2007, Quốc Vụ viện ra văn bản quy định toàn bộ sinh viên vào ngành sư phạm được miễn học phí và ban hành nhiều hỗ trợ nhằm khuyến khích giảng viên về dạy ở các vùng khó khăn.

Sinh viên Đại học Vũ Hán
Sinh viên Đại học Vũ Hán

Quản lý Nhà nước với thực hiện tự chủ đại học, hỗ trợ sinh viên

Nhóm nghiên cứu cho biết: Đối với việc thực hiện tự chủ về bộ máy, nhân sự của các trường, Trung Quốc chưa có quy định bắt buộc các trường phải có hội đồng trường, nhiều trường đại học thuộc các dự án 985, dự án 211 chưa thành lập hội đồng trường như Đại học Vũ Hán. Một số trường đại học công lập đã thành lập hội đồng trường từ năm 1985, tuy nhiên hội đồng trường đảm nhận vai trò tư vấn và huy động tài trợ cho trường.

Tại các đại học mà đoàn khảo sát, bí thư trường không kiêm hiệu trưởng trường. Các trường đại học công lập được Quốc Vụ viện giao chỉ tiêu biên chế, tuy nhiên các trường thường không sử dụng hết chỉ tiêu được giao, mà tiến hành ký hợp đồng lao động và sử dụng biên chế còn lại để thu hút nhân tài với những hợp đồng có thời hạn.

Nhà nước đảm bảo lương cơ bản cho đội ngũ cán bộ thuộc biên chế, ngoài ra nhà trường còn trả thêm lương cho đội ngũ giảng viên dựa trên kết quả thực hiện công việc và nguồn tài chính mà nhà trường huy động được. Chính quyền Trung ương, chính quyền địa phương có những ưu đãi về nhà ở, việc làm cho người thân và học hành cho con cái giảng viên cùng những hỗ trợ về tài chính cho nhân tài Hoa kiều hồi hương về làm việc tại các trường đại học ở Trung Quốc.

Hiệu trưởng được quyền tự chủ trong điều hành nhà trường dưới định hướng của đảng ủy trường. Việc phong giáo sư, phó giáo sư do trường thực hiện theo những tiêu chuẩn được ban hành bởi nhà nước. Quá trình bổ nhiệm thông qua 3 hội đồng: Cấp cơ sở, cấp ngành (thuộc trường) và cấp trường. Đội ngũ lãnh đạo nhà trường (hiệu trưởng, hiệu phó, thường vụ Đảng ủy) do đơn vị chủ quản bổ nhiệm.

Đối với nguồn thu chi tài chính của các trường công lập, nguồn tài chính của nhà trường bao gồm: Ngân sách Nhà nước cấp cho chi thường xuyên, ngân sách Nhà nước cấp cho chi đầu tư phát triển thông qua các dự án xây dựng trường, nghiên cứu khoa học.

Đối với các dự án nghiên cứu khoa học, chính phủ Trung Quốc đầu tư tiền ngân sách để nhà trường nghiên cứu tạo ra sản phẩm. Sau khi sản phẩm khoa học được tạo ra, tiền thu được từ bán sáng chế sẽ trả cho nhóm nghiên cứu 70%, nhà trường giữ 30% còn lại. Nhà nước không thu hồi vốn đầu tư đối với hoạt động nghiên cứu.

Học phí sinh viên được chính phủ hỗ trợ, khoảng 12.000 NDT/sinh viên/năm, và các trường thuộc dự án 985, 211 có mức học phí thấp hơn các trường công lập khác. Nhà trường được toàn quyền sử dụng mức học phí này.

Nhà trường được phép cho thuê cơ sở vật chất (ngân hàng, cửa hàng ăn, canteen ...) để bổ sung nguồn thu và tăng chất lượng dịch vụ của nhà trường. Không cổ phần hoá các trường đại học.

Đối với hoạt động đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học công lập: Các trường được tự chủ về học thuật và trong thực hiện đào tạo các chương trình quốc tế trong khuôn khổ chính sách chung của Nhà nước.

Các trường đại học trọng điểm ngày càng chú trọng đào tạo sau đại học với số sinh viên đại học chiếm khoảng 50%, số còn lại là cao học viên, nghiên cứu sinh bao gồm cả trong nước và quốc tế.

Việc đào tạo tiến sĩ chỉ được thực hiện theo hình thức tập trung, không đào tạo theo hình thức phi tập trung. Các trường thực hiện kiểm định theo chu kỳ 5 năm.

Việc cấp bằng do Ủy ban Quản lý học vị của Quốc Vụ viện quản lý. Ủy ban uỷ quyền cho các trường trực thuộc Bộ Giáo dục cấp bằng nhưng phải báo cáo. Đối với các trường còn lại phải báo cáo lên Sở Giáo dục, Sở Giáo dục báo cáo lên Bộ Giáo dục và Bộ Giáo dục báo cáo lên Ủy ban Quản lý học vị, Ủy ban Quản lý học vị sẽ quyết định.

Chính phủ Trung Quốc yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học hình thành trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và tiến hành tổ chức các lớp bồi dưỡng khởi nghiệp, tạo cơ hội cho sinh viên đi thực tiễn.

Kiểm định và đảm bảo chất lượng giáo dục đại học

Hiện nay, hệ thống giáo dục đại học của Trung Quốc bao gồm 2.880 các trường cao đẳng và đại học với gần 37 triệu sinh viên, đạt khoảng 42,7% sinh viên trong độ tuổi ở năm 2017. Hệ thống đảm bảo chất lượng quốc gia gồm có 1 hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia duy nhất để giám sát chất lượng.

Có hai trụ cột để đánh giá cơ sở đào tạo (5 năm 1 lần) và đánh giá chương trình đào tạo (6 năm 1 lần) với 3 cấp độ: Đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng cơ bản, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

Hệ thống này cũng đáp ứng 3 yêu cầu, 3 đảm bảo: Đảm bảo chất lượng bên trong (tự đánh giá); Đảm bảo chất lượng bên ngoài (đánh giá bên ngoài) và Đảm bảo chất lượng quốc tế (đáp ứng yêu cầu và tham gia đánh giá theo tiêu chuẩn quốc tế).

Đánh giá giáo dục đại học được thực hiện dựa trên 3 nguyên tắc: Kết hợp hệ thống trách nhiệm giải trình và định hướng rõ ràng; Kết hợp giữa tự đánh giá và đánh giá ngoài; Nguyên tắc công bằng và không thiên vị.

Năm điểm mới được coi là sáng tạo trong đảm bảo chất lượng giáo dục của Trung Quốc gồm: Triết lý mới; Tiêu chuẩn mới; Phương pháp mới, Kỹ thuật mới; Công nghệ mới. Chính phủ chỉ kiểm định chứ không xếp hạng các cơ sở giáo dục.

Việc thực hiện kiểm định trường trực thuộc bộ ngành ở Trung ương do Trung tâm Đánh giá giáo dục đại học của Bộ Giáo dục thực hiện; đối với các trường trực thuộc tỉnh, việc kiểm định do trung tâm đánh giá giáo dục của chính quyền địa phương thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ