Phiên điều trần đầu tiên về vụ án gian lận tuyển sinh ĐH ở Mỹ: Một số bậc cha mẹ nhận tội

GD&TĐ - Trong phiên điều trần tại tòa án Boston hôm 3/4, lần đầu tiên được mở để thẩm vấn các đối tượng liên quan tới vụ bê bối gian lận tuyển sinh ĐH lớn nhất lịch sử nước Mỹ, một thẩm phán liên bang đã cảnh báo các bậc cha mẹ bị buộc tội hãy cân nhắc khi thảo luận về vụ việc với con cái mình, bởi các em được coi là những nhân chứng tiềm năng trong các phiên tòa xét xử.

Minh tinh Loughlin xuất hiện tại tòa với người hâm mộ vây quanh, còn Huffman thì kín đáo hơn khi chỉ có người thân tháp tùng. Ảnh:US Magazine
Minh tinh Loughlin xuất hiện tại tòa với người hâm mộ vây quanh, còn Huffman thì kín đáo hơn khi chỉ có người thân tháp tùng. Ảnh:US Magazine

Lời khuyên về “quyền được im lặng”

Cụ thể trong phiên điều trần này, các công tố viên đã đề xuất thẩm phán liên bang, bà M. Page Kelley, với tư cách chủ tọa, ra lệnh hạn chế đi lại đối với 12 phụ huynh hiện diện tại tòa - bao gồm hai nữ diễn viên tên tuổi của Hollywood là Felicity Huffman và Lori Loughlin, đồng thời cấm họ trao đổi về vụ án với con cái mình mà không có sự hiện diện của luật sư.

Tuy vậy, thẩm phán Kelley chỉ đưa ra lời khuyên rằng, các bậc cha mẹ này hãy cân nhắc tìm kiếm tư vấn pháp lý, trước khi thảo luận về vụ việc với con cái, để tránh phơi bày sự cản trở của các cáo buộc công lý (một dạng của quyền được im lặng). Theo thẩm phán Kelly, bà không nghĩ rằng các điều kiện đề xuất ngăn chặn của công tố viên đối với sự trao đổi thông tin của các bậc cha mẹ này có thể mang lại hiệu quả. “Tôi không nghĩ điều đó là thực tế”, thẩm phán Kelly nói.

Hai nữ minh tinh Huffman và Loughlin đã nói rất ít trong phiên điều trần này, ngoài việc nói rằng họ hiểu các cáo buộc mà các công tố viên đưa ra chống lại họ. Hai ngôi sao này nằm trong số 50 người, bao gồm một số huấn luyện viên thể thao, bị buộc tội tham gia các kế hoạch lừa đảo và hối lộ để gian lận tuyển sinh.

Theo cáo buộc của các công tố viên, một đường dây lớn với nhiều hoạt động tinh vi đã can thiệp vào kết quả trong kỳ tuyển sinh ĐH; với 25 triệu đô la được hối lộ để giúp con cái một số gia đình giàu có được nhận vào các trường ĐH nổi tiếng của Mỹ, bao gồm ĐH Yale và ĐH Nam California (USC). Kẻ điều hành đường dây là ca sĩ William Rick, nhà tư vấn tuyển sinh của ĐH California. Ông này thừa nhận đã tạo điều kiện cho các trò lừa đảo gian lận bài thi và mua chuộc các huấn luyện viên thể thao, để giới thiệu con cái của những người giàu có là những nhà thể thao tiềm năng - một yếu tố rất quan trọng để được ưu tiên tuyển vào ĐH ở Mỹ, mà không cần quá quan tâm tới kết quả học tập.

Một số phụ huynh thỏa thuận nhận tội

Cũng tại phiên điều trần hôm 3/4, một số trong 33 phụ huynh bị buộc tội liên quan đến đường dây gian lận tuyển sinh, đã bắt đầu các cuộc đàm phán bào chữa với các công tố viên. Doanh nhân Peter Sartorio, một tên tuổi trong lĩnh vực thực phẩm đóng gói, trở thành người đầu tiên tiết lộ rằng ông dự định sẽ nhận tội (theo luật pháp Mỹ, khi đương sự thỏa thuận nhận tội trước tòa, các phiên xét xử sẽ diễn ra rất nhanh và bản án cũng thường nhẹ hơn rất nhiều so với tội danh của họ - ND). Hai người khác cho biết, họ cũng đang đàm phán để có thể đi đến thỏa thuận nhận tội.

Theo các công tố viên, án phạt nặng nhất cho các bị cáo có thể lên đến 20 năm tù, ba năm quản thúc và khoản tiền phạt 250.000 USD. Mặc dù truyền thông Mỹ nhận định nữ hai diễn viên Loughlin và Huffman sẽ chỉ phải nhận mức án từ 6 - 21 tháng tù; nhưng mức án có thể thay đổi dựa trên các chi tiết của vụ án. Công tố viên cũng khẳng định việc điều tra vẫn đang tiếp tục, không loại trừ quy mô và đối tượng liên quan đến vụ gian lận còn lớn hơn hiện tại rất nhiều. 

Một trong những tai tiếng trong phiên điều trần này là cách cư xử bị đánh giá “không đúng mực” của diễn viên Loughlin. Cô xuất hiện trước tòa với đám đông người hâm mộ vây quanh, la hét và căng hình ảnh bày tỏ sự ủng hộ. Đáp lại, nữ ngôi sao tươi cười vẫy tay chào, thậm chí ký tặng cho một số người. Trái lại, diễn viên Huffman kín đáo hơn, khi đến và rời tòa án trong lặng lẽ cùng anh trai mình.

Các công tố viên cho rằng diễn viên Loughlin và chồng cô, nhà thiết kế thời trang nổi tiếng ở Los Angeles, Mossimo Giannulli, đã trả 500.000 đô la để đưa hai cô con gái của họ trở thành tân binh cho đội đua thuyền của USC, mặc dù thực tế hai cô gái chưa từng thi đấu môn thể thao này.

Còn diễn viên Huffman cùng chồng là nam diễn viên William H. Macy, bị cáo buộc đã đóng góp 15.000 đô la cho quỹ của ông Rick, để đổi lấy việc ca sĩ này cho người bí mật sửa các câu trả lời trong bài kiểm tra SAT (cùng với ACT, là hai bài thi thường được sử dụng kiểm tra đầu vào ĐH ở Mỹ) của cô con gái lớn, tại một trung tâm kiểm tra mà các công tố viên tiết lộ do ông Rick kiểm soát. Diễn viên Huffman sau đó đã thu xếp để tham gia vào đường dây gian lận một lần nữa, nhằm tìm cách đưa cô con gái nhỏ vào ĐH.

Đối với doanh nhân Sartorio, người dự kiến sẽ nhận tội vào cuối tháng này, cũng đã trả 15.000 đô la để ông Rick cho người bí mật sửa bài thi ACT của con gái ông Sartorio, các công tố viên cho biết.

Các công tố viên không buộc tội bất kỳ ai trong số con cái của các bậc cha mẹ tham gia đường dây gian lận tuyển sinh. Họ nói rằng trong một số trường hợp, các bậc cha mẹ có liên quan đã tìm mọi cách che giấu, không cho con cái nhận ra rằng cha mẹ đã gian lận để mình vào được ĐH.

Đối với các bậc cha mẹ cũng như những người tham gia đường dây gian lận, câu chuyện lại khác. Chắc chắn sẽ có những mức án nghiêm khắc. Sau phiên điều trần nói trên, các đương sự đều được tại ngoại, nhưng phải chịu chế độ quản thúc nghiêm ngặt và không được xuất ngoại nếu chưa có ý kiến của tòa án. Thời gian mở phiên tòa tiếp theo cũng chưa được công bố.

Theo Reuters

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ