Pakistan: Phát triển nhân lực gắn liền với giáo dục

GD&TĐ - Ngay khi nhận chức vào tháng 8/2017, Thủ tướng Pakistan, ông Shahid Khaqan Abbasi, đã đề ra chương trình nghị sự trọng yếu: Phát triển nguồn nhân lực thông qua phát triển GD. Điều này được Phó Chủ tịch Quốc hội Pakistan, ông Qasim Khan Suri, nhắc lại trong khuôn khổ hội thảo quốc gia “GD chất lượng và trách nhiệm của chúng ta”, vừa diễn ra tại thủ đô Islamabad.

Các HS một trường nữ sinh ở Islamabad ra về sau giờ học
Các HS một trường nữ sinh ở Islamabad ra về sau giờ học

Cam kết về tiêu chuẩn chất lượng

Hội thảo quy mô về GD này do Hội đồng phúc lợi xã hội quốc gia (NCSW) tổ chức, trên cơ sở phối hợp với JamiaAl-Kauthar, một tổ chức GD nổi tiếng của Islamabad, nhằm tìm hiểu và thúc đẩy nhận thức của cộng đồng đối với yêu cầu phát triển GD.

TS Nadeem Shafiq Malik, Chủ tịch NCSW là người chủ trì hội thảo, trong khi ông Qasim Khan Suri là khách mời chính, đại diện cho cơ quan lập pháp quốc gia. Ngoài ra, rất nhiều gương mặt quan trọng trong chính phủ, quốc hội; đại diện các đảng phái chính trị; các nhà hoạt động GD danh tiếng, đại diện phụ huynh, các hiệp hội GD khu vực tư nhân và công cộng khác nhau… cũng tham dự hội thảo, cho thấy tính chất quan trọng của nó.

Phát biểu tại hội thảo, với tư cách là khách mời chính, ông Qasim Khan Suri, Phó Chủ tịch Quốc hội Pakistan, nói rằng chương trình nghị sự chính của chính phủ hiện nay là sự phát triển nguồn nhân lực, đồng thời nêu rõ việc này sẽ không thể thực hiện nếu không có GD.

“Tầm nhìn của Thủ tướng Shahid Khaqan Abbasi là không để trẻ em nghỉ học do thiếu tài nguyên GD. Chính phủ cam kết cung cấp tiêu chuẩn chất lượng GD”, ông Qasim Khan Suri nhấn mạnh.

Các quan chức chính phủ, nghị sĩ quốc hội tham gia hội thảo cũng phân tích việc chính phủ đương nhiệm áp dụng một giáo trình/chương trình GD thống nhất trên toàn quốc là mục tiêu lớn của quốc gia; dựa trên sự hòa hợp giữa đức tin, sự khoan dung và trách nhiệm xã hội, với đích đến lớn nhất là nhằm giúp đoàn kết quốc gia. Đây là một bước tích cực mà chính phủ, quốc hội và Bộ GD đang làm việc với các tỉnh cho một giáo trình thống nhất. Cũng theo ông Qasim Khan Suri: “Mục tiêu của Thủ tướng đương nhiệm là đưa 25 triệu trẻ em đến trường. Tất cả các đảng phái chính trị đã có sự đồng thuận để phân bổ nhiều quỹ và nguồn lực hơn cho việc GD trẻ em ngoài trường học”.

Bài toán 2,5 triệu trẻ em ngoài trường học

Đánh giá cao chương trình nghị sự của chính phủ đã và đang triển khai, nhưng các chuyên gia GD tham dự hội thảo nói trên cũng khuyến nghị chính phủ có thể thực hiện cam kết của mình bằng cách đăng ký cho hơn 2,5 triệu trẻ em đang ở ngoài trường học được đến lớp.

Các chuyên gia GD cũng nhấn mạnh sự cần thiết của chính phủ về việc tăng cường giám sát và trợ cấp cho các tổ chức GD, nếu muốn tăng tỷ lệ biết chữ trong nước, trước khi nói đến tăng chất lượng GD. Một trong những yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần sớm đầu tư thêm cơ sở vật chất, vốn đang có nhiều hạn chế và bất cập, của các trường công lập.

Nhà hoạt động GD có tiếng, ông Sadaf Zahra, chỉ ra thực tế ở các trường công: Trung bình 80 HS ngồi trong một lớp học, trong khi các trường tư nhân chỉ bố trí trung bình 20 HS trong một lớp học.

Cũng nhấn mạnh về số lượng HS quá đông trong mỗi lớp học của các trường công, ông Akbar Yazdani - một chuyên gia GD có tiếng khác - tuyên bố chất lượng GD, đặc biệt là trong khu vực công, đang trên bờ vực sụp đổ. Ông cho rằng nếu chỉ dựa vào những chương trình nghị sự hay những đòi hỏi cao được đưa ra bởi chính phủ đương nhiệm - vốn cũng tương tự với những người tiền nhiệm - là không đủ. Đã đến lúc chính phủ phải thực hiện một số biện pháp thực tế và đầy đủ, để nâng cao chất lượng cũng như tỷ lệ người biết chữ trong cả nước.

“Hiện tại, có hơn 2,5 triệu trẻ em không được đến trường. Việc đưa chúng vào trường học là nhiệm vụ khó khăn đối với chính phủ” - ông Ydddani nói - “Chính phủ nên tham khảo ý kiến và tham gia vào các tổ chức GD tư nhân, bên cạnh việc cải thiện các cơ sở trong khu vực công, nhằm đưa tất cả trẻ em đến trường học”.

Ông Ydddani cũng nhắc lại thực tế trước đây ở Pakistan, các tổ chức GD tư nhân đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng tỷ lệ biết chữ của đất nước, nhưng sau đó do không được tạo điều kiện để phát triển, hệ thống này dần thu hẹp hoạt động.

Cam kết thôi là chưa đủ

Các nhà GD tham dự hội thảo nhất trí rằng nếu chính phủ chỉ đưa ra các tuyên bố mà không có hành động thiết thực và đầy đủ, sẽ không thể mang lại thay đổi, vì khoảng cách giữa ý tưởng và hiện thực là rất lớn với nhiều thách thức. Để hiện thực hóa các chủ trương của mình, chính phủ nên cung cấp một số loại trợ cấp nhất định cho các tổ chức GD, như cách thức đang được triển khai trong các gói cứu trợ đối với ngành nông nghiệp.

TS Zohfran Ilhai, Chủ tịch Hiệp hội Trường học và Cao đẳng Pakistan, chỉ ra thực tế hiện nay: Có khoảng 25% trường tư sử dụng cơ sở đi thuê từ những tòa nhà dịch vụ, với chi phí lớn. Những khoản phí thu được từ người học chủ yếu dùng để chi trả tiền thuê nhà và các tiện ích khác; hầu như không còn kinh phí để phục vụ tái đầu tư nhằm nâng cao chất lượng. Với đà này, sẽ không ngạc nhiên nếu một lúc nào đó, các trường tư gặp khó khăn sẽ buộc phải dừng hoạt động do không thể chi trả nổi. Theo TS Zohfran Ilhai, khi các trường tư bị thu hẹp lại, đồng nghĩa gánh nặng càng tăng thêm đối với các trường công, vốn đã đầy bất cập.

Trong khi đó, ông Mahmoona Shahid, một đại diện phụ huynh tham gia hội thảo, nói rằng các trường công đang ngày càng mất niềm tin đối với người học. Do không có cơ sở vật chất phù hợp và chất lượng GD yếu kém, phụ huynh buộc phải chuyển con cái sang các trường tư nhân để học tập. Phản ánh này của đại diện phụ huynh cũng được xác thực bởi một số báo cáo được đưa ra tại hội thảo, cho thấy nhiều tổ chức GD thuộc khu vực công ở các bang Punjab, Sindh và thậm chí ở thủ đô Islamabad, cũng không có tường rào và nhà vệ sinh. 

Theo Pakistan Today/Pakobserver

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.