Ontario (Canada): “Nóng” chuyện hạn chế tăng lương đối với giảng viên ĐH, CĐ

GD&TĐ - Chính quyền tỉnh bang Ontario (Canada) mới đây đã đề xuất dự luật hạn chế tăng lương cho giảng viên ĐH, đặc biệt là những nhân viên dạy hợp đồng. Nhiều người cho rằng, dự luật này sẽ là bước cản trở lớn đối với giáo giới.

Giáo giới trong cuộc biểu tình đòi lại công bằng về mức lương vào năm 2017
Giáo giới trong cuộc biểu tình đòi lại công bằng về mức lương vào năm 2017

Giảng viên hợp đồng thành nạn nhân

Theo phát ngôn viên của Hiệp hội Các cán bộ trường ĐH, đội ngũ giáo viên dạy hợp đồng sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi kế hoạch hạn chế tăng lương đối với những tổ chức công. Theo đó, đội ngũ này sẽ chỉ được nâng thu nhập lên mức 1% trong vòng 3 năm, sau khi hợp đồng hiện tại hết hạn.

Bà Gyllian Phillips, Chủ tịch của Liên đoàn khoa các trường ĐH Ontario cho biết, luật mới được đề ra bởi nhà chức trách tỉnh bang này sẽ là rào cản cho các tổ chức công đoàn được thương lượng để cải thiện tiền lương cho nhân viên - những người có mức lương ở bậc thấp nhất. “Quyết định mới này sẽ ảnh hưởng đến không chỉ những người kiếm được 30.000 USD, mà còn cả những người có thu nhập 100.000 USD”, vị Chủ tịch nói thêm.

Cũng theo bà Phillips, có tới hơn 1/2 khóa học tại các trường ĐH ở Ontario được giảng dạy bởi giảng viên hợp đồng - những nhân viên có thu nhập ít hơn nhiều so với giảng viên toàn thời gian. Nữ Chủ tịch nhấn mạnh, giảng viên hợp đồng là những người sẽ phải chịu thiệt thòi nhất khi luật mới được đề ra. “Nếu không có khả năng giúp những nhân viên như vậy có được một mức lương công bằng, sự bất bình đẳng trong hệ thống GD sẽ ngày một tăng lên”, bà Gyllian Phillips khẳng định.

Việc cải thiện điều kiện làm việc và chi trả lương cho nhân viên hợp đồng là những vấn đề chính đối với các công đoàn đại diện cho cả giảng viên ĐH, CĐ. Những yếu tố nói trên cũng là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc đình công kéo dài 5 tuần của các các giảng viên ĐH trên khắp Ontario vào mùa thu năm 2017. Nhiều chuyên gia nhận định, dự luật hạn chế tăng lương có thể sẽ là một mồi lửa, làm bùng lên tình trạng bất ổn lao động trong lĩnh vực GD bậc cao này.

Chia sẻ với truyền thông, bà Phillips cho biết không hề tự tin vào quá trình diễn ra đàm phán về hợp đồng tại các trường ĐH Ontario.”Tôi nghĩ rằng dự luật sẽ khiến mọi thứ trở nên rất, rất khó khăn”. Nữ Chủ tịch bày tỏ, mặc dù không thể nói chắc chắn, nhưng luật mới sẽ là sự cản trở trong cuộc thảo luận giữa lãnh đạo và nhân viên, là tác nhân đẩy hai bên ngày càng ra xa nhau.

Tuyên bố “tham chiến”

Ông Kennedy, Chủ tịch Hiệp hội Giảng viên ĐH Ontario của Hiệp hội Nhân viên dịch vụ công cộng Ontario; đồng thời cũng là người phát ngôn của công đoàn, đại diện cho các giảng viên, thẳng thắn cho biết: “Chúng tôi sẽ tham gia vào một cuộc chiến lớn”. Cũng theo ông này, công việc bấp bênh của các giảng viên dạy bán thời gian là nguyên nhân chính của cuộc đình công năm 2017.

Ông Kennedy cho rằng, có tới khoảng 75% giảng viên ĐH là nhân viên hợp đồng. Trong đó, những giảng viên toàn thời gian chỉ có khoảng 49% số giờ lên lớp. Tuy nhiên, việc đàm phán với các giảng viên đại học sẽ là việc ở thì tương lai xa. Bởi lẽ, hợp đồng đã ký giữa các trường ĐH, CĐ với giảng viên sẽ không hết hạn cho tới ngày 31/9/2020.

Thế nhưng, đây lại là một vấn đề khác đối với một số trường ĐH, khi các cơ sở GD này có thời hạn ký kết hợp đồng khác nhau đối với mỗi vị trí nhân viên. Chẳng hạn, tại ĐH

Carleton, hợp đồng với giảng viên toàn thời gian sẽ không hết hạn cho đến ngày 30/4/2021. Mặt khác, thỏa thuận đối với giảng viên bán thời gian và trợ lý giảng dạy sẽ hết hạn vào cuối tháng 8/2019.

“Các cuộc đàm phán sẽ là một trận chiến khó khăn đối với chúng tôi”, bà Yaroslava Montenegro, người phát ngôn của công đoàn địa phương đại diện cho giảng viên hợp đồng và trợ lý giảng dạy tại ĐH Carleton chia sẻ. “Luật mới gây áp lực lên chúng tôi để có một quá trình thương lượng thành công”, bà Montenegro nói thêm.

Nữ Chủ tịch Gyllian Phillips cho biết, hầu hết các thỏa thuận với giảng viên ĐH kéo dài trong vòng 3 năm; đồng thời chia sẻ, khoảng 7 - 8 trong số các thỏa thuận sẽ hết hạn trong năm tới.

Mặt khác, dự luật cũng sẽ được áp dụng đối với hơn một triệu công nhân làm việc tại các tổ chức công, bao gồm nhân viên tại hội đồng trường, ĐH và CĐ, bệnh viện và các tổ chức hỗ trợ trẻ em. Giới chức Ontario khẳng định, dự luật sẽ không can thiệp vào việc thương lượng hoặc giả mạo các hợp đồng hiện có. Trong một tuyên bố mới đây, Chủ tịch Kho bạc Peter Bethlenfalvy khẳng định: “Bằng cách thực hiện các bước để bảo đảm tăng mức bồi thường cho các khu vực công, chính phủ đang nỗ lực bảo vệ công nhân và việc làm của họ, cũng như các dịch vụ quan trọng, ngay khi chính phủ giải quyết được các khoản nợ của Ontario”.

Trước bối cảnh này, không ít các công đoàn đã tuyên bố sẽ phản đối dự luật đến cùng và sẽ có những biện pháp thách thức nếu dự luật được thông qua. Theo đó, nhiều trường ĐH, CĐ có thể sẽ được hưởng lợi về tài chính bằng cách hạn chế tiền lương, tại thời điểm chính quyền tỉnh bang giảm tài trợ và cắt giảm 10% học phí. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ làm giảm doanh thu của các cơ sở GD.

Hai vị Chủ tịch Phillips và Kennedy cũng bày tỏ sự trăn trở về việc liệu hạn chế tăng lương cho giảng viên ĐH sẽ có thể có lợi cho tình hình tài chính của chính quyền tỉnh bang Ontario như thế nào?

“Chúng tôi không được chính phủ trả tiền trực tiếp. Tôi không phải là nhân viên chính phủ. Chính phủ cấp một khoản trợ cấp cho các trường ĐH, CĐ. Vì vậy, nếu họ đặt giới hạn mức tăng lương, làm thế nào để giúp chính quyền bang tiết kiệm tiền, trừ khi họ có ý định giảm trợ cấp vận hành?” - Chủ tịch Kennedy bức xúc.

Ngoài việc đề xuất dự luật, chính quyền Ontario cũng công bố khoản tài trợ dự định sẽ cung cấp cho các tổ chức GDĐH trong vòng 3 năm tới.

Theo Ottawa Sun

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ