Nước Pháp, Hồi giáo và “nút thắt” giao thoa văn hóa

GD&TĐ - Pháp vừa trải qua 54 giờ tồi tệ nhất trong lịch sử của nước này. Cái chết của 19 người, trong đó có 3 tên khủng bố, hàng chục người bị thương đã nói lên tất cả.

Nước Pháp, Hồi giáo và “nút thắt” giao thoa văn hóa

Vụ tấn công vào tòa soạn Charlie Hebdo đã thực sự làm chia rẽ cộng đồng Hồi giáo và phần còn lại của nước Pháp. Một câu hỏi được đặt ra: Những vụ khủng bố tương tự như vậy có tiếp tục diễn ra?

Nước Pháp và Hồi giáo

Mối liên hệ lịch sử của nước Pháp và thế giới Hồi giáo đang đẩy nước này vào những xung đột khó tránh. Cuốn tiểu thuyết mới “Submission” (tạm dịch là “Quy phục”) của nhà văn nổi tiếng Michel Houellebecq nói về nước Pháp sẽ bầu một người Hồi giáo làm Tổng thống để ngăn chặn cánh hữu cực đoan của Marine Le Pen còn chưa kịp ra mắt bạn đọc nhưng những cuộc tranh luận về nó đã trở nên nóng bỏng. Người Pháp chia làm 2 phe: Một coi Houellebecq như một nhà tiên tri, một vị cứu tinh, phe còn lại cáo buộc ông “đổ dầu vào lửa” khi cuộc tranh luận về “nhập cư và hội nhập” đang vào hồi quyết liệt.

Ngày 5/1, Tổng thống Pháp Francois Hollande nói rằng ông đọc cuốn sách của Houellebecq bởi vì “người ta nói rất nhiều về nó”. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Francelter, Tổng thống Pháp khẳng định: “Không cho phép sự sợ hãi nô dịch chúng ta”. Theo các nhà phân tích, Tổng thống Hollande đang muốn làm dịu cuộc tranh luận xung quanh tiểu thuyết “Submission”.

Thực ra Michel Houellebecq đã cố gắng đi tìm một giải pháp trung dung. Trả lời phỏng vấn tuần báo Pháp Le Journal du Dimance ông nói rằng chính ông cũng không biết sợ ai hơn: Những người Hồi giáo hay những người sở hữu bản sắc của dân tộc Pháp?

Cuốn tiểu thuyết của Michel Houellebecq chính thức ra mắt độc giả vào ngày thứ tư (7/1), đúng vào ngày các tay súng Hồi giáo cực đoan tấn công Charlie Hebdo giết chết 12 người.

Liệu đây có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên? Hay cuộc tấn công các họa sĩ châm biếm là để đe dọa tất cả những ai có quan điểm không phù hợp khi nói về đạo Hồi?

Theo con số thống kê, vào thời điểm hiện tại khoảng 4 - 6 triệu người Hồi giáo đang sống ở Pháp. Không ít người Pháp lo ngại sự hiện diện của đông đảo người Hồi giáo như vậy có thể làm thay đổi bản sắc chính trị, pháp lý và văn hóa của nước Pháp.

Chủ nghĩa dân tộc và các chiến binh Jihad

Có thể nói, bối cảnh lịch sử của cuộc tranh luận về Hồi giáo ở Pháp là phong phú và sâu sắc. Năm 1830, Pháp chiếm Angeria và cai trị nước này trong suốt 130 năm. Chỉ đến năm 1962, sau một cuộc chiến đẫm máu, quốc gia Bắc Phi này mới giành được độc lập. Chừng ấy năm là quá đủ để người Hồi giáo có thể hội nhập vào xã hội Pháp. Trong tiến trình hội nhập văn hóa ấy không ít các cuộc xung đột xảy ra. Năm 2011, Pháp ra lệnh cấm phụ nữ đội khăn trùm đầu ra đường, ai vi phạm bị phạt 150 euro. Mặt khác, không ít người Hồi giáo sinh sống ở Pháp phàn nàn rằng họ bị lạm dụng. Vào tháng 12/2010, người đứng đầu “Mặt trận quốc gia” cánh hữu Marine Le Pen công khai gọi người Hồi giáo “chiếm đóng” đất Pháp. “Tất nhiên là không có xe tăng và binh lính, tuy nhiên đây vẫn là chiếm đóng” - Le Pen khẳng định.

Giờ đây, việc lực lượng Hồi giáo cực đoan tăng cường hoạt động ở Iraq, Syria như là động lực cổ vũ các phần tử Hồi giáo cực đoan ở châu Âu mà Pháp không phải là ngoại lệ. Chính vì vậy, cuộc tấn công vào tòa soạn Charlie Hebdo được thực hiện bởi những kẻ khủng bố hết sức chuyên nghiệp cũng là điều dễ hiểu. Mấy ngày nay cả châu Âu và thế giới xuống đường biểu tình ủng hộ Charlie Hebdo, ủng hộ tự do ngôn luận. Cụm từ “Je Suis Charlie” (Tôi là Charlie) mà ai đó viết lên bức tượng tại quảng trường Republique ở thủ đô Paris đã thành biểu tượng cho tinh thần đoàn kết vì Charlie Hebdo, vì tự do ngôn luận.

Tuy nhiên, vụ Charlie Hebdo chỉ là mảng nổi của tảng băng mâu thuẫn sắc tộc trong lòng nước Pháp. Vấn đề ở chỗ, chính quyền phải đưa ra những chính sách dân tộc phù hợp mà cụ thể là giải quyết xung đột giữa cộng đồng Hồi giáo và những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Nói như Michel Houellebecq thì cả những người Hồi giáo và những người cực đoan trong việc sở hữu bản sắc của dân tộc Pháp đều đáng sợ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ