Nơi học sinh tự giáo dục bản thân

GD&TĐ - Lâu nay, các nhà nghiên cứu giáo dục trên thế giới không ngừng sáng tạo và áp dụng những phương pháp mới nhằm mang lại một nền giáo dục hiện đại và đạt hiệu quả cao nhất có thể, thậm chí họ cũng không ngần ngại phá bỏ một số phương pháp giáo dục truyền thống. 

Nơi học sinh tự giáo dục bản thân

Tại một trường ở Berlin, Đức, học sinh được tự lựa chọn môn học yêu thích, tự quyết định thời gian thi, được khuyến khích khám phá và phát triển khả năng riêng của bản thân.

Mô hình đột phá

Trường Trung tâm Berlin Evangelical (ESBC) đang cố gắng "làm khác so với những ngôi trường thông thường". Nơi đây không có lớp cho học sinh dưới 15 tuổi, không thời khóa biểu và không có các bài giảng kiểu diễn thuyết. Học sinh tự quyết định vấn đề muốn nghiên cứu trong mỗi bài học và chọn thời gian thực hiện kỳ thi. Đối với những bậc "cha mẹ trực thăng" quan tâm con cái một cách thái quá, chương trình học của trường thực sự là cơn ác mộng. Trường sẽ giới hạn chỉ học các môn gồm Toán, Tiếng Đức, Tiếng Anh và môn Xã hội, bổ sung bằng các khóa học về trách nhiệm và thử thách. Đối với các khóa học thử thách, mỗi học sinh từ 12-14 tuổi được nhận 150 USD và tham gia cuộc phiêu lưu mà chúng phải hoàn toàn tự lập kế hoạch. Một số học sinh lựa chọn chèo thuyền kayak, số khác làm việc ở nông trại. Oberländer chọn đi dọc bờ biển phía nam nước Anh.

Triết lý đằng sau phương pháp giảng dạy mới này rất đơn giản: Yêu cầu của thị trường lao động đang thay đổi. Điện thoại thông minh, Internet đang làm biến đổi cách thức giới trẻ xử lý thông tin. Hiệu trưởng trường, bà Margret Rasfeld, cho rằng, kỹ năng quan trọng nhất mà một ngôi trường có thể đào tạo học sinh là khả năng tạo động lực cho bản thân. "Hãy nhìn những đứa trẻ 3, 4 tuổi, chúng tràn đầy sự tự tin. Thông thường, lũ trẻ rất háo hức tới trường. Nhưng đáng tiếc, hầu hết các trường, bằng cách nào đó, làm giảm đi sự tự tin vốn có của chúng. Sứ mệnh của một trường học tiến bộ là nên trang bị cho trẻ cách để đối phó sự thay đổi hoặc tốt hơn nữa là giúp họ nhìn về phía trước để thay đổi. Ở thế kỷ 21, các trường nên xem công việc của mình là phát triển cá tính mạnh mẽ của mỗi học sinh", bà Rasfeld nói.

Theo hiệu trưởng trường ESBC, bắt học sinh ngồi nghe giảng suốt 45 phút và trừng phạt khi chúng cho nhau nhìn bài là chuyện thường thấy ở nhiều ngôi trường nhưng lại phản tác dụng. "Không gì thúc đẩy học sinh bằng việc để chúng tự khám phá ý nghĩa một vấn đề theo cách riêng của chúng".

Học sinh tại trường ESBC được khuyến khích nghĩ ra nhiều cách khác nhau để chứng minh khả năng của bản thân, chẳng hạn như mã hóa một trò chơi máy tính thay vì tham gia một kỳ thi toán học. Oberländer, cậu học sinh chưa từng xa nhà trong 3 tuần trước khi bắt đầu thử thách ở Cornwall, cho biết, sau chuyến đi khả năng tiếng Anh của cậu tăng lên rất nhiều so với những năm học ngoại ngữ ở trường.

Đối với cơ cấu giáo dục liên bang của Đức, mỗi bang có chương trình giáo dục riêng và khuyến khích mô hình "tự do học tập". Tuy nhiên, không giống nhiều trường khác, trường ESBC của Rasfeld cố gắng để sinh viên tự quyết định mọi vấn đề trong khuôn khổ các quy tắc nghiêm ngặt. Học sinh lơ là trong giờ học phải đi học thêm vào sáng thứ Bảy để bắt kịp chương trình, một hình thức phạt gọi là "Silentium". Bà Rasfeld nhận định: "Càng được tự do, chúng càng làm việc có hệ thống và trách nhiệm".

Lý do chính giúp ESBC được mệnh danh là ngôi trường thú vị nhất nước Đức là từ kết quả ấn tượng mà các học sinh đạt được. Hết năm này qua năm khác, ESBC đều giành thứ hạng cao nhất trong hệ thống trường học 3 cấp phổ thông ở Đức. Năm 2007, khi trường mở cửa, chỉ 16 em đăng ký học. Tới nay, trường đang hoạt động hết công suất với 500 học sinh và một danh sách dài học viên đăng ký vào trường.

Nên nhân rộng phương pháp giáo dục này ra thế giới?

Với thành công vang dội, mô hình giáo dục của ESBC có lẽ nên được nhân rộng toàn thế giới. Tuy nhiên, một số chuyên gia giáo dục lo ngại liệu phương pháp của trường có dễ "xuất khẩu" sang quốc gia khác hay không.

Tại Berlin, giới chuyên gia cho rằng trường thu hút những học sinh con nhà khá giả và tiến bộ. Rasfeld bác bỏ những nhận định trên và nhấn mạnh trường tuyển sinh từ nhiều tầng lớp và thành phần xã hội khác nhau. Mặc dù cây thánh giá được dựng trên nóc hội trường và mỗi ngày các em đều bắt đầu bằng việc cầu nguyện, nhưng chỉ 1/3 số học sinh hiện nay được rửa tội. 30% các em là người nhập cư và 7% học sinh đến từ gia đình không nói tiếng Đức.

Mặc dù ESBC là 1 trong 5.000 trường tư ở Đức, mức học phí của nó tương đối thấp, chỉ từ 800 - 7.300 USD/năm. Khoảng 5% học sinh được miễn học phí. Bà Rasfeld thừa nhận rằng, việc tìm kiếm giáo viên thích nghi với phương pháp giáo dục này còn khó hơn việc thu hút học sinh.

Một phòng nghiên cứu "đổi mới giáo dục" gồm 4 thành viên đã tiến hành xây dựng tài liệu giảng dạy theo phương pháp mới dành cho các trường muốn theo phương châm giáo dục của ESBC. Khoảng 40 trường ở Đức đang áp dụng một phần hoặc hoàn toàn phương pháp giảng dạy này. Một trường ở Weissensee, Berlin, mới đây cho học sinh trải nghiệm thử thách trên dãy Alps. "Mọi thứ chỉ mới bắt đầu", Rasfeld nói.

"Trong giáo dục, bạn chỉ có thể tạo ra sự thay đổi từ gốc, nếu nay đổi từ ngọn, các trường sẽ không muốn học theo. Bộ Giáo dục cũng giống như một con tàu chở dầu khổng lồ, phải mất thời gian dài để quay đầu chuyển hướng. Những gì chúng ta cần là nhiều tàu cao tốc nhỏ để làm nên những điều khác biệt", hiệu trưởng trường ESBC nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ