Nỗi bất an của người gốc Á

GD&TĐ - Ngoài Tổng thống Joe Biden, một loạt quan chức Mỹ cũng đã phải lên tiếng về nạn kỳ thị người gốc Á.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Sau một năm người Mỹ rầm rộ xuống đường ủng hộ người da màu, nhiều nơi tại nước này lại đang diễn ra các cuộc tuần hành tương tự nhưng lần này là chống nạn kỳ thị người gốc Á, sau hàng loạt vụ bạo lực nhằm vào cộng đồng này mà đỉnh điểm là vụ xả súng đẫm máu làm 8 người chết mới đây.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 31/3 đã phải công bố một kế hoạch đặc biệt nhằm giải quyết nạn phân biệt chủng tộc nhằm vào gốc Á, trong đó bao gồm khoản tài trợ gần 50 triệu USD để hỗ trợ cộng đồng này tại Mỹ. Trọng tâm của kế hoạch là tăng cường khả năng tiếp cận các dữ liệu về những vụ hình sự có yếu tố thù hận sắc tộc để đối phó hiệu quả. 

Một quan chức của Nhà Trắng cũng sẽ được chỉ định đặc trách phân tích và đánh giá về các chính sách của Mỹ liên quan đến người gốc Á. Động thái của Tổng thống Mỹ được đưa ra khi dư luận còn chưa hết bàng hoàng với vụ xả súng đẫm máu tại bang Georgia, hôm 16/3 vừa qua. 

Thảm kịch xảy ra khi một thanh niên người da trắng xả đạn vào 3 tiệm spa do người gốc Á điều hành ở thành phố Atlanta. Hậu quả khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có 6 người phụ nữ gốc Á. Sự kiện này đã châm ngòi cho làn sóng xuống đường phản đối nạn thù hận người gốc Á và kêu gọi bảo vệ cộng đồng này tại Mỹ. 

Trong khi căng thẳng còn chưa lắng xuống, hôm 30/3 lại xuất hiện một clip quay cảnh người đàn ông giẫm đạp dã man một phụ nữ châu Á 65 tuổi, ngay trên vỉa hè ở trung tâm thành phố New York, góp phần đẩy vấn đề sắc tộc tại Mỹ thêm phức tạp. Cảnh sát địa phương buộc phải vào cuộc truy lùng và nhanh chóng bắt giữ người đàn ông hành hung phụ nữ trong đoạn clip trên.

Cùng thời điểm còn xuất hiện một video khác quay cảnh người đàn ông gốc Á đang bị bóp cổ và đánh đập ngay trên tàu điện ngầm ở New York. Điểm chung của hai video này là kẻ hành hung vừa đánh đập nạn nhân vừa có những lời lẽ miệt thị người gốc châu Á.

Theo thống kê của Tổ chức Stop AAPI Hate, trong vòng một năm qua đã xảy ra hơn 3.700 vụ việc có yếu tố thù hận nhằm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á.

Giới chuyên gia nhận định, một trong những nguyên nhân khiến làn sóng kỳ thị này dâng cao là do Covid-19, khi nhiều người da trắng có xu hướng đổ lỗi cộng đồng gốc Á đã mang virus tới nước Mỹ.

Trong khi đó, cộng đồng người gốc châu Á đang ngày càng khẳng định được chỗ đứng của mình tại nước Mỹ, khi giành được những thành công về mặt kinh tế và bắt đầu nắm giữ các vị trí quan trọng trong chính quyền cấp địa phương và liên bang.

Nhưng đi cùng với thành công này, nỗi lo sợ sự thù hận cũng tăng dần đối với người gốc Á tại Mỹ và vụ xả sung đẫm máu vừa qua ở Atlanta đã thổi bùng mối lo sợ âm ỉ này thành nỗi ám ảnh.

Nạn phân biệt và kỳ thị người gốc Á đã khiến nhiều người phải xuống đường tuần hành để phản đối. Tuy không có quy mô như các cuộc biểu tình ủng hộ người da màu hồi năm ngoái, nhưng sự kiện này một lần nữa cho thấy sự phức tạp của vấn đề sắc tộc tại Mỹ hiện nay. 

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo thậm chí đánh giá tình trạng này đang “trở thành một bệnh dịch” lây lan khắp nước Mỹ và cần phải được ngăn chặn sớm trước khi quá muộn. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.