Những kịch bản Brexit

GD&TĐ - Tuần qua, người dân Anh đã có cơ hội cất lên tiếng nói đối với thỏa thuận của Thủ tướng Theresa May với Liên minh châu Âu (EU) về kế hoạch nước Anh rời EU (Brexit), khi “lá phiếu có ý nghĩa” được chờ đợi từ lâu đã tới tay các nghị sĩ ở Nghị viện.

Nhiều kịch bản được đưa ra cho quá trình Brexit
Nhiều kịch bản được đưa ra cho quá trình Brexit

Môi trường “nhị phân”

Việc Vương quốc Anh bị chia rẽ về việc ở lại hay rời bỏ EU đã không còn là chuyện “tế nhị”. Đối với một vấn đề đã từng là nhị phân (Rời bỏ - Ở lại) trong nội tại nước Anh, giờ gói lại ở việc đồng ý hay không đồng ý với “kịch bản chia tay” mà bà May đã đạt được với EU cuối năm 2018.

Nếu lá phiếu ở Quốc hội đồng ý với thỏa thuận, tức bà May chiến thắng, có nghĩa Vương quốc Anh sẽ chính thức rời khỏi EU vào ngày 29/3/2019, trước khi bắt đầu các công việc tiếp theo trong mối quan hệ với EU. Mặc dù thế, tình trạng “nhị phân” về chính trị, giữa phe “ở lại” và “rời bỏ” vẫn không thể phân định rõ ràng. Ngay cả các thành viên thân cận trong chính phủ của bà May cũng thừa nhận rằng họ hy vọng Quốc hội sẽ từ chối bản thỏa thuận.

Trong trường hợp Quốc hội Anh từ chối thỏa thuận, Brexit trở thành một trò chơi “đen - đỏ” của chính trị. Một mất mát khiêm tốn có thể mang lại cho bà May sự tự tin để thử lại. Tuy nhiên, một thất bại nặng nề có thể giết chết cả thỏa thuận Brexit lẫn ghế Thủ tướng của bà May. Đó cũng là một trong những kịch bản mà nhiều người lo ngại có thể xảy ra.

Các kịch bản có thể diễn ra bao gồm: Một cuộc đàm phán lại đầy nỗ lực với EU; Mở rộng quy trình điều 50 của Luật EU (cơ chế cho một quốc gia thành viên rời khỏi EU); Sự sụp đổ của chính phủ và tổng tuyển cử, đến khả năng thay đổi Thủ tướng; Một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit; Loại bỏ Brexit để ở lại với EU; Rời bỏ EU mà không có thỏa thuận đi kèm.

Không thỏa thuận hay sửa Luật?

Hãy bắt đầu với kịch bản phổ biến nhất: Bà May (hoặc ai đó) nên cố gắng có được một thỏa thuận tốt hơn. Ai cũng biết rằng, việc Anh rút khỏi EU gần như không thể đảo ngược. 28 quốc gia EU đã nỗ lực trong suốt hai năm để đạt được thỏa thuận này. Ý tưởng rằng, có thể có điều gì đó tốt hơn so với thỏa thuận giữa bà May với Hội đồng EU hồi cuối năm 2018 e có phần hơi lạc quan.

Ngay cả khái niệm một “thỏa thuận tốt hơn” cũng có thể gây tranh cãi. Một số nghị sĩ muốn mô phỏng một thỏa thuận kiểu Na Uy, nhưng nhẹ nhàng hơn, cho phép Anh tiếp cận thị trường chung duy nhất; những người khác muốn có một thỏa thuận thương mại lỏng lẻo hơn, không giống với thỏa thuận giữa Canada và EU. Nhưng cả hai lựa chọn đều được coi là không thể chấp nhận được đối với phe đối lập. Điều quan trọng nhất: Không giải quyết được câu hỏi về Bắc Ireland.

Tiếp theo là kịch bản mở rộng điều luật về một quốc gia tách khỏi EU. Phát ngôn viên của đảng Lao động đối lập, ông Keir Starmer, nói rằng việc sửa đổi điều 50 trong Luật của EU. Logic ở đây là nếu điều đó xảy ra, sẽ có thêm nhiều không gian để cải thiện thỏa thuận. Tuy nhiên, có lẽ đây sẽ không phải là lựa chọn của EU. Ngoài ra, để mở rộng điều 50, sẽ cần phải có sự tham gia của tất cả các quốc gia thành viên EU, mà bất kỳ nước nào trong số này cũng có thể phủ quyết. Điều này quá rủi ro. Hơn nữa, liệu ai sẽ là người dẫn dắt các cuộc đàm phán cam go như vậy?

Mọi khả năng đều để ngỏ

Với kịch bản chính phủ của bà May sụp đổ và tổng tuyển cử, đây là điều đảng Lao động (Công đảng) đối lập chờ đợi nhất, đặc biệt là đối với Jeremy Corbyn - Chủ tịch Công đảng và gần như sẽ tiếp quản ghế Thủ tướng nếu cuộc tổng tuyển cử mang lại thắng lợi cho đảng của ông. Tuy nhiên, cho đến nay ông Corbyn vẫn từ chối kêu gọi một cuộc bỏ phiếu như vậy, hơn nữa, thời điểm này đã quá gần với thời hạn Brexit. Ngay cả trong trường hợp kịch bản tổng tuyển cử thành sự thực, không ai rõ bà May (vẫn có thể giữ được ghế Thủ tướng) hoặc người thay thế bà có yêu cầu sửa đổi điều 50 trong Luật của EU hay không.

Ngày càng có nhiều tiếng nói ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai về Brexit. Có vô số vấn đề với kịch bản này, nhưng trước hết là nó có thể là rủi ro chính trị lớn nhất đối với cả nước Anh chứ không phải là của đảng nào hay vị thủ tướng nào. Vì Brexit đang thực sự tiến triển, nên bây giờ cần phải có nhiều hơn hai lựa chọn trên lá phiếu ban đầu. Đối với bất kỳ kết quả nào được coi là hợp lệ, thì gần như chắc chắn sẽ phải dựa trên con số lớn hơn 17,4 triệu phiếu thuận trong năm 2016 về việc rời khỏi EU - một thách thức quá lớn khiến không nhà chính trị nào dám đứng ra thực hiện.

Cuối cùng là kết thúc cực đoan nhất: Ngừng hoàn toàn Brexit dừng lại hoặc rời EU mà không có thỏa thuận nào đi kèm. Kịch bản ngừng hoàn toàn Brexit có vẻ vô lý khi đối chiếu với thực tế. Nước Anh đã tuyên bố rời khỏi EU, còn Nghị viện EU cũng đã bỏ phiếu để kích hoạt điều 50 (hủy tư cách thành viên của một quốc gia). Sau đó, Tòa án Công lý châu Âu phán quyết rằng, Vương quốc Anh có thể đơn phương rút lại việc thực thi điều 50. Nếu Anh phải làm điều đó, thì cũng có nghĩa là sẽ phải đàm phán lại và cam kết duy trì tư cách thành viên EU.

Vì vậy, với nhiều người, việc rời khỏi EU mà không có thỏa thuận lại chính là một “thỏa thuận lớn”. Việc chuyển sang các điều khoản của Tổ chức Thương mại Thế giới với đối tác thương mại lớn nhất của Anh sẽ khá dễ dàng. Nước Anh lại tiếp tục thực hiện các giao dịch kinh tế trên toàn thế giới, bù đắp cho những tổn thất thương mại do Brexit mang lại cho nước Anh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ