Nhật Bản: Nghề huấn luyện chim cốc bắt cá

GD&TĐ - Khác với bắt cá bằng lưới, ngư dân nhiều nơi ở Nhật Bản lại bắt cá nhờ những chú chim cốc. Chúng được huấn luyện và có thể lặn sâu xuống nước để tìm bắt cá.

Nhật Bản: Nghề huấn luyện chim cốc bắt cá

Đây là loài chim rất giỏi lặn và có cổ họng cực to, trữ được nhiều cá bên trong, vì thế chúng đã sớm được thuần dưỡng để phục vụ dân chài. Mỗi chú chim trong một buổi có thể bắt được cả chục kilôgam cá.

Chúng dễ dàng lặn sâu từ 5 - 20m với thời gian nhịn thở từ 30 giây tới một phút. Cá biệt, loại cốc mắt xanh có thể lặn sâu đến 150m và nhịn thở trong 7 phút. Cổ họng của nó cũng chứa được từ 5 - 6 con cá khi không nuốt.

Ngư dân sẽ buộc một sợi dây ở cổ của chúng, vừa để chống nuốt cá vừa để kéo về thuyền lúc cần thiết. Cách đánh bắt này ở Nhật Bản được gọi là ukai và đã xuất hiện từ 1.300 năm trước tại nhiều vùng sông nước và bờ biển.

Một buổi ukai thường diễn ra vào đêm, lúc mọi sự thanh bình nhất để cả người lẫn chim đều có thể dồn hết tâm trí vào cuộc săn đuổi dưới nước. Mỗi ngư dân thường chèo một cái thuyền gỗ dài, chở hàng chục chú chim cốc. Chúng có thể đậu trên boong, mạn thuyền hoặc bơi bì bạch dưới nước. Khi được lệnh, chúng sẽ lao thẳng xuống sông và chẳng mấy chốc mang cá lên cho chủ.

Nhật Bản: Nghề huấn luyện chim cốc bắt cá ảnh 1

Từ trên thuyền, ngư dân lặng lẽ soi đèn hoặc đuốc xuống sông, quan sát đàn chim làm việc. Một tay cầm nguồn sáng, một tay cầm bó dây buộc từng chú cốc, trông họ có vẻ nhàn hạ, song thật ra cũng khá vất vả. Do mỗi chú chim lao đi rất nhanh, có thể giật sái tay, và người ta cũng phải luôn kìm hãm nó, tránh để dây đứt con vật sẽ bơi lung tung hoặc bay mất.

Giữa màn đêm lạnh lẽo, trên sông thỉnh thoảng lại lóe lên những ánh sáng le lói và vang vọng những tiếng động tom tõm vui tai. Không ai nói một câu, song từ xa đều biết đó là ukai. Vì chỉ một lúc nữa, đoàn thuyền sẽ trở về và bán những con cá còn tươi, giãy đành đạch.

Nhật Bản: Nghề huấn luyện chim cốc bắt cá ảnh 2
Nhật Bản: Nghề huấn luyện chim cốc bắt cá ảnh 3

Vì sự trữ tình của ukai, dân gian Nhật Bản luôn xem đây là một nghệ thuật. Đầu tiên là nghệ thuật thuần dưỡng chim cốc. Thứ hai là các kỹ năng đánh bắt tinh xảo. Nhờ thế, mỗi ngư dân đều có danh hiệu cao quý là “Ngư phủ dùng cốc” của Cơ quan nội chính Hoàng gia.

Danh hiệu này được truyền đời từ cha sang con, với đặc quyền được bảo trợ bởi nhà nước, được đi bắt cá ở bất cứ đâu tùy thích mà không bị cản trở. Chim cốc cũng được yêu mến, như một thứ chim quý và thân quen của mọi người.

Nhật Bản: Nghề huấn luyện chim cốc bắt cá ảnh 4

Ngoài việc giữ gìn một nghề, một truyền thống lâu đời của vùng, ukai cũng góp phần thu hút du lịch, cho du khách những buổi ngắm cảnh bắt cá cả ngày - đêm thú vị. Tháng 3/2015, ukai còn được Nhật Bản công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.

Và chính quyền đã cho bảo tồn ukai tại 12 điểm trên khắp nước này, trong đó dòng sông Nagarakawa ở huyện Gifu, Hijikawa ở Aichi và Mikumagawa ở Oita là ba nơi bắt cá bằng chim cốc đông nhất.

Theo Japan Agricultural News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh tỉnh Điện Biên hào hứng với trải nghiệm đẩy xe đạp thồ. Ảnh: Báo Điện Biên.

Xây dựng những 'đại sứ' lịch sử

GD&TĐ - Nhiều địa phương, trường học tổ chức các hoạt động giáo dục hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Minh họa/INT

Truyền cảm hứng

GD&TĐ - Lịch sử là môn học góp phần giúp học sinh hình thành nhân cách, nhân sinh quan cũng như lòng yêu nước, ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...