Nhật Bản miễn học phí cho SV có hoàn cảnh khó khăn: Chính sách gây nhiều tranh cãi

GD&TĐ - Trong bối cảnh khoảng cách giàu – nghèo đang ngày càng lớn ở Nhật Bản, chính sách miễn học phí cho những sinh viên (SV) có hoàn cảnh khó khăn dự kiến được thực hiện từ năm 2020 đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Trường ĐH Waseda tuyên bố hỗ trợ học phí cho SV, khuyến khích nhiều người theo học hơn
Trường ĐH Waseda tuyên bố hỗ trợ học phí cho SV, khuyến khích nhiều người theo học hơn

Nhiều ý kiến trái chiều

Mới đây, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố sẽ tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% kể từ tháng 10/2019. Thủ tướng Abe cho biết, hành động này là một phần trong nỗ lực hỗ trợ học phí cho SV. Trái lại, một số đảng đối lập nước này đang kêu gọi duy trì thuế tiêu dùng ở mức hiện tại.

Theo chính sách mới, từ tháng 4/2020, SV có hoàn cảnh khó khăn với mức thu nhập hàng năm ít hơn hoặc bằng 2,7 triệu JPY (25.000 USD), sẽ đủ điều kiện được hỗ trợ học phí và không phải hoàn trả. Ngoài ra, SV tại “Đất nước mặt trời mọc” cũng sẽ được hỗ trợ thêm các khoản phí sinh hoạt khác.

Đối với những SV đến từ gia đình có thu nhập hàng năm dưới 3,8 triệu JPY (35.000 USD), chính phủ sẽ tạo điều kiện để SV xin được từ 1 – 2/3 học bổng. Hiện tại, mức học phí của các trường ĐH công lập Nhật Bản ở vào khoảng 540.000 JPY (trên 5.000 USD) và con số này tăng gấp đôi đối với cơ sở GDĐH tư thục.

Trước động thái này của chính phủ, nhiều SV nhận định, đây là hành động khuyến khích họ tiếp tục theo học ĐH. Mặt khác, không ít SV cho rằng, phạm vi những người đủ điều kiện được hỗ trợ là quá ít. “Điều này có nghĩa là SV từ các gia đình có thu nhập trung bình vẫn sẽ phải xoay xở để có tiền đóng học phí và tiếp tục đối mặt với gánh nặng tài chính. Thật là bất công!”, cô Shizuka Iwasaki (20 tuổi), SV ĐH Tokyo, bày tỏ.

Tuy nhiên, đối với nữ sinh THPT như em Mari Iseki, chính sách GD này lại là một điều tuyệt vời. “Em không bao giờ muốn cha mẹ phiền lòng về học phí của mình khi vào ĐH. Thủ tướng Abe đã cho em hy vọng”, nữ sinh 18 tuổi khẳng định. Chia sẻ với truyền thông, Iseki cho biết luôn mơ ước trở thành một họa sĩ vẽ truyện tranh. Trái lại, nữ sinh này luôn bị cha ngăn cản với lý do cho rằng, đây là công việc không mang lại thu nhập cao. “Bây giờ em sẽ học thật chăm chỉ để được miễn học phí và có thể làm những gì em mơ ước”, Iseki bày tỏ.

Chênh lệch thu nhập

Sự chênh lệch thu nhập tại Nhật Bản phần lớn là do dân số già, cùng với sự mất ổn định việc làm, khi nhiều người nghỉ việc và đảm nhận việc làm bán thời gian - những công việc hiện chiếm gần 40% thị trường lao động nước này. Do đó, nhiều SV tại “Xứ sở hoa anh đào” đã dựa vào các khoản vay để có thể hoàn thành bậc GDĐH.

Theo thống kê từ Tổ chức Dịch vụ Sinh viên Nhật Bản (JASSO), tỷ lệ SVĐH phải vay học phí đã tăng từ 6% trong thập kỷ trước lên gần 20% trong năm 2016. Tuy nhiên, phần lớn SV vẫn được gia đình hỗ trợ về mặt tài chính, trong khi thu nhập từ việc làm bán thời gian của họ đủ để chi trả chi phí sinh hoạt. Dữ liệu chính thức cho thấy tỷ lệ SV phải nhờ tới sự giúp đỡ từ gia đình đã giảm xuống 60% trong năm 2016, so với 76% vào năm 1996.

Trong bối cảnh khoảng cách thu nhập ngày càng gia tăng và dân số già hóa, các trường ĐH tại Nhật Bản đang phải chịu ảnh hưởng không nhỏ về mặt tài chính. Một số trường ĐH công lập như Học viện Công nghệ Tokyo đã tăng 18% học phí, lên tới 600.000 JPY (6.000 USD/năm).

Trước tình trạng khó khăn này, bà Chieko Akaishi, người phát ngôn của Diễn đàn Bà mẹ đơn thân, khẳng định, chính sách miễn học phí cho SV là vô cùng cần thiết đối với những hộ gia đình đang gặp khó khăn do thu nhập thấp. “Gia đình có cha hoặc mẹ đơn thân thậm chí còn không đủ khả năng chi trả chi phí cho con ở bậc GD trung học, chứ chưa nói tới GDĐH”, bà Chieko cho biết.

Tuy nhiên, theo vị đại diện phát ngôn này, yêu cầu HS phải duy trì điểm cao để được miễn học phí là điều khá khó khăn, bởi lẽ, không ít người học phải dành nhiều thời gian cho công việc làm thêm để trang trải cuộc sống.

Chính phủ Nhật Bản dành khoảng 1,7% ngân sách quốc gia để đầu tư vào GDĐH, so với mức trung bình 3% ở các nước tiên tiến thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Hơn nữa, các trường ĐH Nhật Bản phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tài trợ tư nhân, ở mức 68%, cao hơn so với con số trung bình là 30% tại các quốc gia công nghiệp hóa của OECD.

“Chính phủ Nhật Bản từng tuyên bố rằng, cơ hội được GD là quyền cơ bản của con người. Vì vậy, nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo đất nước là hoàn thành mục tiêu này. Về khía cạnh đó, tôi cho rằng, chính sách mới vẫn còn thiếu sót”, ông Masayuki Kobayashi, giáo sư tại Tổ chức Nghiên cứu Toàn diện tại ĐH JF Oberlin, nhận định.

Cũng theo GS Kobayashi, chính sách mới là một phần trong nỗ lực nhằm đạt được mục tiêu khiến mọi công dân Nhật Bản có quyền được tiếp cận nền GD miễn phí. “Bởi lẽ đó, Nhật Bản cần có một khoản ngân sách nhiều hơn so với thời điểm hiện tại”, GS Kobayashi khẳng định.

Trong bối cảnh này, một số trường ĐH có tình hình tài chính dư dả tại Nhật Bản đã áp dụng một cách tiếp cận khác và mở rộng chương trình miễn học phí của chính phủ. Trường ĐH Waseda, một tổ chức GD tư thục danh tiếng, là một trong số các trường tiên phong chương trình cấp học bổng và trợ cấp miễn phí cho SV.

Lý giải về khoản tài trợ này, ông Kasumasa Yoka, người phụ trách bộ phận học bổng tại ĐH Waseda, cho biết, chương trình đặc biệt này của trường được hỗ trợ bởi quỹ tư nhân từ các cựu SV.

“Kết quả là, chúng tôi có khoảng 1.000 SV được nhận học bổng toàn phần hoặc một phần từ nhà trường. Chương trình này của chúng tôi đã và đang khuyến khích nhiều SV theo học hơn”, ông Kasumasa nói thêm.
Theo UniversityWorld News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ