Người nổi tiếng và thế hệ trẻ

 

Rihanna và chương trình xe đạp cho nữ sinh tại Malawi
Rihanna và chương trình xe đạp cho nữ sinh tại Malawi

1. Rihanna và chương trình tiếp sức đến trường cho nữ sinh Malawi

Đợt tặng xe đạp này là một phần trong thỏa thuận liên kết giữa hội từ thiện Clara Lionel Foundation của ca sĩ và công ty chia sẻ xe đạp Ofo của Trung Quốc (TQ). Có tên gọi “1km Action” chương trình tiếp sức đến trường này sẽ trao học bổng cho hàng trăm nữ sinh cấp 2 tại Malawi. Học sinh nào đủ tiêu chuẩn nhận học bổng cũng sẽ được nhận xe đạp để các em không gặp trở ngại khi đến trường. Theo hội, hiện có khoảng 4,6 triệu học sinh tại Malawi nhưng chỉ 8% có khả năng học xong cấp 2. Một lý do khiến nhiều em thất học là không có phương tiện đi lại vì hệ thống vận tải công cộng của đất nước này rất thiếu thốn.

“Tôi cảm thấy hạnh phúc khi Clara Lionel Foundation có đồng hành mới là Ofo trong cuộc vận động để trẻ em trên thế giới được hưởng một nền giáo dục có chất lượng. Xe đạp cũng giúp nữ sinh Malawi đến lớp an toàn, giảm được thời gian đi từ nhà đến trường” - Rihanna nói. Từ lâu được biết đến như một ca sĩ thích hoạt động nhân đạo, thông qua hội lấy tên cha mẹ mình, Rihanna đã tập trung vào việc thúc đẩy giáo dục cho thế hệ thiếu niên tại hơn 60 nước đang phát triển với ưu tiên dành cho nữ sinh. Những đóng góp không mệt mỏi của cô đã được Đại học Harvard ghi nhận bằng Giải thưởng Nhân đạo của năm (Humanitarian of the Year). Tháng 6/2017, Rihanna đã lên Twitter đề nghị các lãnh đạo thế giới hãy cấp nhiều tiền hơn nữa cho giáo dục toàn cầu.

2. Thông điệp nguy hiểm về người mẫu béo phì

Tại Úc đang diễn ra cuộc tranh luận về những người mẫu béo phì được tạp chí Sports Illustrated giới thiệu trong số đầu tháng 8. Nhiều người phê phán tờ báo đã gửi đi một “thông điệp” nguy hiểm khi đánh đồng những cô gái có trọng lượng vượt xa mức cho phép với cái đẹp. Họ xem đây là cách tờ báo tôn vinh béo phì trên sàn diễn catwalk bằng một số báo đặc biệt với nhiều hình ảnh đi kèm trong trang phục áo tắm. Trên tờ Daily Telegraph của thành phố Sydney, một ý kiến tố cáo Sports Illustrated rất “vô trách nhiệm” khi phát hành số báo này. Một chuyên viên y tế xem đây là “thông điệp nguy hiểm” tờ báo đã gửi cho phụ nữ, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, số khác lại cho rằng, kích cỡ cơ thể nào thì cũng cần được tôn vinh trên sàn catwalk mà không nên phân biệt.

Người mẫu béo phì
 Người mẫu béo phì

Theo họ, béo không phải là cái “tội” để bị tẩy chay. Cuộc tranh luận nóng lên sau khi nhà bình luận lối sống Soraiya Fuda viết: “Nếu kỹ nghệ người mẫu quyết định thôi giới thiệu những thân thể nhịn ăn đến da bọc xương thì họ cũng không nên giới thiệu những hình dáng cơ thể thiếu lành mạnh khác, vì cả hai đều tệ hại như nhau”. Tuy nhiên, phát biểu trên TH địa phương, MJ Day, chủ biên tờ Sports Illustrated biện bạch: “Chúng tôi chỉ muốn gửi đi một thông điệp tích cực: cái đẹp không bị khống chế bởi kích cỡ cơ thể. Nói rõ hơn, vẻ đẹp nên đa dạng”. Bác sĩ Brad Frankum, chủ tịch Hội Y khoa Úc (tổ chức nghề nghiệp đại diện cho các bác sĩ Úc) trụ sở tại New South Wales đặt câu hỏi: “Tại sao người mẫu béo phì không gây phản ứng mạnh mẽ như người mẫu ốm còi?

Tương tự, nếu ai đó lên sàn diễn mà phì phèo điếu thuốc thì lập tức có ngay nhiều tiếng la ó là thiếu lành mạnh. Béo phì cũng nên nhận được những phản ứng như thế. Nếu không giới trẻ sẽ hiểu sai về nó. Tôi cho rằng một số người mẫu của Sports Illustrated là quá béo”. Nước Pháp thuộc số quốc gia tiên phong cấm giới thiệu người mẫu quá gầy. Giáo sư John Dixon, trưởng khoa nghiên cứu béo phì tại Viện Baker IDI Heart and Diabetes Institute lại có ý kiến khác. Ông tin rằng các người mẫu nên đại diện cho mọi thành phần trong cộng đồng, không nhất thiết phải là người trung bình. Béo phì đã trở thành bình thường ở Úc khi có đến 28% dân số trọng lượng vượt quá mức cho phép, tức là chỉ số cơ thể (A Body Mass Index-BMI) trong khoảng từ 25-30.

3. Angelina Jolie phủ nhận cô đã độc ác khi tuyển vai diễn trẻ em cho bộ phim của cô tại Campuchia

Mới đây, diễn viên Angelina Jolie đã bị công kích vì “trò chơi casting” cô dùng để tuyển vai diễn trẻ em cho một bộ phim nói về thảm họa diệt chủng tại Campuchia do cô đạo diễn. Sau vài ngày im lặng, Angelina Jolie đã kịch liệt phủ nhận cáo buộc. Diễn viên kiêm đặc sứ LHQ đã tuyển những trẻ em địa phương tham gia bộ phim Cambodia’s Khmer Rouge, First They Killed My Father vừa được công chiếu. Số là sau khi có buổi phỏng vấn dành cho tờ Vanity Fair về bộ phim, trong đó cô cho biết đã dùng cả cách cho tiền trẻ em nghèo. Lập tức, nhiều người nghe thông tin này đã tố cáo Jolie “trục lợi trẻ em bằng một phương pháp không thể chấp nhận được”. Jolie cũng giải thích những người tìm diễn viên nhí đã đến tận những trại mồ côi và khu nhà ổ chuột, và “đặc biệt là tìm đến những trẻ em đang sống trong hoàn cảnh khó khăn”. Trong “trò chơi casting”, trẻ em được đề nghị giả ăn cắp tiền và khi bị phát hiện hãy nói về lý do ăn cắp. “Srey Moch, vai chính là đứa trẻ duy nhất nhìn vào tiền rất lâu trước khi lấy - Jolie nói trong cuộc phỏng vấn - Khi bị buộc trả lại, cô bé ngập tràn cảm xúc. Được hỏi lấy tiền để làm gì, em nói để lo tang lễ cho bà nội”.

Jolie làm phim Cambodia’s Khmer Rouge, First They Killed My Father
 Jolie làm phim Cambodia’s Khmer Rouge, First They Killed My Father

Jolie, cũng là đạo diễn bộ phim, khẳng định “người ta đã hiểu sai về trò chơi casting này. Mục đích của bộ phim tôi làm là để cho mọi người nhìn thấy những khuôn mặt trẻ em sợ hãi trong chiến tranh và giúp sức bảo vệ chúng. Không thể có việc lấy lại tiền từ các em sau casting. Tôi không hề mong xảy ra sự thể như thế. Những gì chúng tôi làm đều đặt sự an toàn và quyền lợi của các em lên trên hết” – Jolie nói. Nhưng cũng có một số người phê phán Jolie đã đi quá xa trong trò chơi casting, nhất là đối với một người luôn tuyên bố là mình yêu thương trẻ em Campuchia. “Bạn đã làm cho những đứa trẻ nghèo bị triệu chứng hậu chấn thương (PTSD) bằng cách dùng tiền để giễu cợt chúng” – một người viết trên Facebook. Số người bảo vệ Jolie cũng rất đông. “Người ta đã đi quá xa nội dung, tôi tin rằng một người như Jolie không bao giờ làm đau lòng bọn trẻ” - Nathalie Anderson viết.

4. George và Amal Clooney giúp 3.000 trẻ em tị nạn Syria đến trường

Diễn viên George Clooney và vợ Amal, một luật sư quyền con người quốc tế sẽ sớm đưa hàng ngàn trẻ em tị nạn Syria trở lại trường. Hội thiện nguyện Clooney Foundation for Justice của đôi vợ chồng đã hợp tác với UNICEF để tiến hành chương trình đầy ý nghĩa này. Công ty Google đã tặng 2,25 triệu USD cho 7 trường học công lập tại Lebanon. Đổi lại, nhiều trẻ tị nạn sẽ được vào học ở đây. Công ty máy tính HP tài trợ thêm 1 triệu USD. Hội của Clooney không mở ngôi trường mới nào mà chỉ đầu tư vào những trường có sẵn. Giờ học sẽ linh hoạt để học sinh tị nạn có thể vào học. Các em sẽ bắt đầu ghi danh và nhập học từ tháng 9. Những trường công tại Lebanon có tiếp nhận học sinh tị nạn sẽ áp dụng 2 hệ thống song hành, ca sáng và ca chiều. Phát ngôn viên UNICEF, bà Lauren Davitt cho biết như thế.

Amal và George Clooney
Amal và George Clooney 

Học sinh Lebanon đi học vào buổi sáng, ca thứ hai vào buổi chiều dành cho học sinh tị nạn. Phương cách này cho phép trường tăng số học sinh nhưng không phải tăng số phòng học. “Sự hỗ trợ của Clooney giúp cáng đáng chi phí học tập cho 3.000 trẻ em Syria bước đầu. Lương giáo viên và chi phí sách giáo khoa cũng được hội chi trả” – bà Davitt nói. Clooney bộc bạch trên một bản tin thời sự: “Những trẻ em được dự phần sẽ thoát khỏi nguy cơ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Được hưởng thụ giáo dục bình thường sẽ giúp thay đổi tất cả. Đó là mục đích của sáng kiến này. Chúng tôi không muốn cả một thế hệ trẻ em bị mất mát vì chỉ sinh ra không đúng lúc tại một đất nước chiến tranh”. Hiện có hơn 5 triệu người tị nạn Syria trên thế giới, riêng tại Lebanon có 1 triệu và trong số này có 200.000 trẻ em không được đến trường (số liệu của Cao ủy tị nạn LHQ UNHCR). George Clooney và Amal Clooney thành lập Clooney Foundation for Justice vào năm 2016 để “vận động cho công lý tại các cộng đồng, tòa án và trường học trên thế giới”.

Theo The Mirror, Hollywood Reporter và USA Today

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hiệu quả là mấu chốt

GD&TĐ - Theo ADB, nhu cầu toàn cầu suy giảm và lãi suất quốc tế cao đã tác động đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023.