Nghề giáo là khát khao của nhiều học sinh

Phần Lan Nghề giáo rất cạnh tranh ở Phần Lan, được nhiều phụ huynh quan tâm và là lựa chọn hấp dẫn đối với học sinh trung học phổ thông. 

Nghề giáo là mơ ước của nhiều học sinh Phần Lan. Ảnh:Cesim
Nghề giáo là mơ ước của nhiều học sinh Phần Lan. Ảnh:Cesim

Mô hình giáo dục Phần Lan được "xuất khẩu" khắp thế giới, một phần lớn nhờ yêu cầu cao đối với giáo viên và sự tin tưởng dành cho đội ngũ này. 

Đào tạo giáo viên quan trọng như bác sĩ

Trong một lớp học yên tĩnh được trang trí bắt mắt cho trẻ nhỏ, Ville Sallinen đang dạy cách đọc cho vài học sinh 8 tuổi, một phần của chương trình thạc sĩ năm năm để trở thành giáo viên tiểu học ở Phần Lan. Đam mê xuất hiện từ cách đây tám năm, khi anh bắt đầu huấn luyện bóng đá trong câu lạc bộ ở trường và nhận được lời khuyên về phương pháp giảng dạy.

Vào cuối mỗi ngày, anh cùng thầy hướng dẫn Tunja Tuominen thảo luận về công việc trong ngày và cảm thấy hạnh phúc khi được trải nghiệm thực tế. “Các sinh viên sư phạm đến đây với tâm thế của một chú gà con, miệng há rộng và háo hức học hỏi”, Tuominen nhận xét.

Trường sư phạm Viikki ở phía đông Helsinki được mô tả như là phòng thí nghiệm cho giáo viên tương lai. Sallinen (22 tuổi) có thể thử các lý thuyết anh được học vào những trường được liên kết, tương tự cách bệnh viện đại học y giảng dạy cho sinh viên y khoa.

Hiệu trưởng Kimmo Koskinen cho biết "đây là một trong những cách chúng tôi thể hiện sự tôn trọng đối với ngành sư phạm. Việc này quan trọng như đào tạo bác sĩ”.

Với tư tưởng này, không có gì khó hiểu khi ngành sư phạm có giá trị cao ở Phần Lan. Đất nước này đã giúp học sinh đứng đầu nhiều bảng xếp hạng học tập trong thời gian dài, dẫn đến làn sóng tham quan của các giáo viên nước khác để học hỏi kinh nghiệm nâng cao hiệu quả giáo dục.

Đối với Olli Mättää, giảng viên ngành sư phạm, điểm số của Phần Lan trong các bài đánh giá quốc tế như PISA là kết quả phụ của hệ thống giáo dục chứ không phải mục tiêu trung tâm. Anh khẳng định yêu cầu giáo viên tiểu học có bằng đại học từ những năm 1970 là quyết định đúng đắn của đất nước. Các trường sư phạm nhờ đó trở thành mối quan tâm của nhiều bậc phụ huynh và nghề giáo là mục tiêu của rất nhiều học sinh trung học.

Cũng như nhiều quốc gia khác, Phần Lan trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế sâu và các trường học cũng gặp phải áp lực tài chính như phần còn lại của khu vực công. Tuy nhiên, chương trình đào tạo thạc sĩ năm năm cho giáo viên tiểu học hiện nay không phải là vấn đề, bởi các chính trị gia rất hào hứng khi tạo ra đội ngũ giáo viên giỏi. Cuộc cạnh tranh khốc liệt khiến chỉ 7% trên tổng số 1.400 ứng viên ở Helsinki được chấp nhận vào năm 2015.

Washing Post dẫn tin, theo một nghiên cứu ở Phần Lan, bốn trên năm giáo viên ở đất nước này hài lòng với công việc của mình và chỉ khoảng 9% giáo viên bỏ nghề. Theo khảo sát năm 2013, sự nghiệp của một giáo viên Phần Lan kéo dài khoảng 40 năm, một giáo viên điển hình có khoảng 16 năm kinh nghiệm giảng dạy. Hơn 95% giáo viên là thành viên của Liên đoàn Giáo dục Phần Lan (OAJ), tổ chức của các nhà giáo.

Giáo viên được trao quyền tự chủ

The Conversation cho biết giáo viên Mỹ phải làm việc 45 tiếng mỗi tuần, trong khi giáo viên Phần Lan chỉ mất 32 tiếng. Tuy nhiên, hơn một nửa giáo viên trung học Mỹ báo cáo rằng họ không bao giờ dạy chung với đồng nghiệp, so với khoảng một phần ba giáo viên ở Phần Lan. Làm việc nhóm là một trong những kỹ năng quan trọng của nghề giáo ở quốc gia Bắc Âu này. 

John Hatt, giáo viên có kinh nghiệm hai năm ở Anh và chuyển đến Phần Lan tám năm trước, đánh giá cao sự tin tưởng mà hệ thống giáo dục dành cho giáo viên ở đây trong một bài viết trên The Guardian ngày 9/8. Trong khi nhiều giáo viên ở Anh được yêu cầu sử dụng chính xác bút màu nào để chấm điểm, phải viết giáo án cho mỗi bài học có thể dùng để dạy hàng tháng, giáo viên Phần Lan được phép linh hoạt hơn.

Kế hoạch chi tiết cho bài giảng không có ý nghĩa ở đất nước này. Sự thể hiện của giáo viên cũng không cần thiết được xem xét hay phân loại. Thay vào đó, những cuộc thảo luận hàng năm với lãnh đạo nhà trường sẽ giúp họ nhận được phản hồi về cách đánh giá thế mạnh và điểm yếu của bản thân. 

nghe-giao-la-khat-khao-cua-nhieu-hoc-sinh-phan-lan-1

Chìa khóa của giáo dục sư phạm Phần Lan là trao quyền sáng tạo cho các nhà giáo tương lai. Ảnh:The Guardian

Việc đào tạo khắt khe là cơ sở để trao quyền tự chủ cho các giáo viên trẻ trong việc tìm kiếm phương pháp giảng dạy thích hợp. Ở Phần Lan, giáo viên phần lớn không chịu áp lực của các bài kiểm tra tiêu chuẩn hóa hay sự kiểm soát của chính phủ.

Leena Krokfors, giáo sư Đại học Helsinki chia sẻ: “Điều quan trọng nhất mà chúng tôi dạy sinh viên là khả năng phán đoán và tự đưa ra quyết định về nghiệp vụ sư phạm”.

Phần Lan từ một quốc gia nhỏ với nền kinh tế nông nghiệp và tương đối nghèo đã giáo dục giới trẻ theo cách tốt nhất nhằm bắt kịp với các quốc gia công nghiệp hóa.

“Chỉ vì bạn đã làm gì đó hiệu quả trong suốt 20 năm không có nghĩa là phương pháp đó hiệu quả khi áp dụng với giáo viên khác, những học sinh khác hoặc về chủ đề khác”, Patrik Scheinin - đồng nghiệp của giáo sư Krokfors nói về việc kích thích tìm tòi phương pháp mới.

Giấc mơ của Phần Lan dành cho mọi trẻ em, bất kể hoàn cảnh gia đình hoặc điều kiện cá nhân, bắt nguồn từ việc tham gia một trường học tốt trong cộng đồng. Việc xây dựng cơ sở giáo dục hàng đầu và chất lượng đồng đều là mục tiêu không thay đổi trong bốn thập kỷ qua.

Trong giai đoạn đầu, khoảng những năm 70 và 80 thế kỷ trước, chính phủ chỉ đạo chặt chẽ đối với nhà trường và giáo viên, từ chương trình giảng dạy bắt buộc đến việc thanh tra thường xuyên. Nhưng trong giai đoạn thứ hai từ những năm 90, Phần Lan ý thức tạo ra một nền giáo dục mới, xây dựng trên sự tin tưởng giữa chính quyền và trường học về tính chuyên nghiệp và tự chủ.

Các trường học bắt đầu chịu trách nhiệm cho việc lên kế hoạch giảng dạy và cách đánh giá học sinh, trong khi các buổi thanh tra của chính phủ được bãi bỏ. Điều này đòi hỏi giáo viên phải có trình độ cao và được đối xử như các chuyên gia.

“Nếu chúng ta nhìn lại lịch sử Phần Lan, giáo viên luôn được xem là những người mang văn minh đến những ngôi làng nhỏ khi đất nước được hiện đại hóa vào giữa thế kỷ trước”, Krokfors nói.

Theo vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh giả mạo salon ô tô trên Facebook để lừa đảo.

Lập salon ô tô 'ma' để lừa đảo

GD&TĐ - Hoàng Văn Cương và Nguyễn Anh Văn tạo dựng salon ô tô 'ma', sau đó đăng thông tin giả bán xe để chiếm đoạt tiền đặt cọc.