Nga: Chế tạo tiêm kích thế hệ 6 có thể bay vào vũ trụ

GD&TĐ - "Sự phát triển đang trong giai đoạn hoàn thiện hình ảnh của máy bay. Nó sẽ là một sự chuyển đổi dần dần từ MiG-31 đến PAK DA. Máy bay sẽ hoạt động ở vùng Bắc Cực, bảo vệ các vùng biên giới, trước mắt có người lái, sau đó tự hành”- Giám đốc điều hành Ilya Tarasenko đã đưa ra tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn phát sóng trên Zvezda TV. Ngoài ra, không có thông tin nào khác được tiết lộ thêm.

 Tiêm kích MIG-41
Tiêm kích MIG-41

Các chuyên gia dự đoán máy bay sắp tới sẽ ra đời sau năm 2035. Daily Mail cho hay. Nga cho biết các máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu sẽ có khả năng đi du lịch vũ trụ và có thể hoạt động mà không có phi công.

Chiếc máy bay đánh chặn mới, hiện đang được thiết kế để thay thế MiG 31, sẽ là một động cơ kế thừa tinh hoa của các máy bay thế hệ trước. Chiến đấu cơ sẽ có thêm vũ khí và khả năng tiên tiến hơn, theo các tuyên bố của các nhà sản xuất. Máy bay sẽ hoạt động ở vùng Bắc Cực, bảo vệ các vùng biên giới.

Theo các nguồn tin, máy bay được thiết kế bay gấp 4 thậm chí 4,3 lần vận tốc âm thanh ( khoảng 4.500 km/h), tức nhanh hơn mọi loại tên lửa, nên có thể xuyên thủng mọi hệ thống phòng không của đối phương.

Các tia laser trên máy bay sẽ có khả năng "đốt" hệ thống phòng thủ đối phương trên các tên lửa tấn công. Dự án phát triển mẫu tiêm kích đánh chặn MiG-41 đã được khởi động từ đầu năm 2014. Đồng thời, một thỏa thuận phát triển dự án MiG-41 giữa chính phủ Nga và MiG cũng đã được ký kết.

Đây là động thái mới nhằm thay thế hàng loạt loại tiêm kích đánh chặn đã già cỗi và lỗi thời trong biên chế không quân Nga.

“Dòng họ” siêu hạng và đi vào huyền thoại

Các thông số về MIG-41
Các thông số về MIG-41

Nếu ngược theo dòng lịch sử các máy bay đánh chặn hiện đại của Nga thì không thể không nhắc tới chiếc tiêm kích cơ MiG-25 mà được coi là "cha đẻ" của MiG-31, và tất nhiên, sẽ là "ông nội" của MiG-41.

MiG-25 lần đầu tiên tuyên bố một cách hùng hồn về mình tại các trận không chiến ở Ai Cập trong cuộc xung đột giữa Isarel và Ả Rập Xê Út.

Sự xuất hiện của MiG-25 trên bầu trời Isarel đã làm tê liệt toàn bộ lực lượng Không quân của Tel-Aviv.

Thứ nhất, MiG-25 có tốc độ khác thường vào thời điểm đó. Thứ hai, chiến đấu cơ này được trang bị thiết bị chiến tranh điện tử siêu bí mật "Smalta" mà biến nó trở thành máy bay tàng hình trước hệ thống radar định vị của Mỹ được triển khai ở Isarel.

Có một giai thoại kể về tốc độ siêu việt của MiG-25. Một phi công Liên Xô trẻ khi phát hiện trên màn hình radar một quả tên lửa đang phóng về phía mình đã hoảng sợ và ấn nhầm nút "tốc độ tối đa".

Chiếc MiG-25 đã lao nhanh đến mức bỏ xa quả tên lửa, còn viên phi công đã bất tỉnh vì tốc độ quá lớn. Khi tỉnh lại, cậu ta phát hiện mình đang ở khu vực bán đảo Crimea, và đáp máy bay xuống sân bay quân sự "Belbek". Dù vỏ máy bay bị tung ra vì tốc độ quá lớn nhưng nó không hề ảnh hưởng tới những tính năng của MiG-25.

Người ta chưa bao giờ đo tốc độ tối đa của MiG-25. Tuy nhiên, phi công - du hành gia Svetlana Savitzkaya (Nga) đã đạt được tốc độ 2.700km/h trên chiếc máy bay này.

Tốc độ tối đa theo quy định an toàn cho tất cả các loại MiG-25 là 2,8M (gấp 2,8 lần tốc độ âm thanh), tương đương 3.000km/h. Khi không mang vũ khí, tiêm kích - đánh chặn MiG-25, theo ý kiến của các chuyên gia hàng không, có thể đạt tới vận tốc 3.500km/h.

Các tên lửa của tổ hợp phòng không tên lửa MIM104 Patriot (Mỹ) có thể bắn hạ các mục tiêu trên không có vận tốc từ 1.800km/h đến 5M. Như vậy không phải quả tên lửa nào của tổ hợp này có khả năng đuổi kịp được chiếc máy bay của Nga.

MiG-31 theo các tính năng về tốc độ có thể không vượt trội hơn hẳn so với MiG-25, nhưng cho đến nay nó vẫn không có đối thủ. Và trong vòng 10-15 năm tới khó có nước nào chế tạo được loại máy bay tương tự.

Mục đích của MiG-31 là phát hiện và tiêu diệt các tên lửa đạn đạo và hành trình, các loại thiết bị bay - từ máy bay không người lái ở độ cao thấp cho đến những trạm vệ tinh tầm thấp.

Nó có thể bắn hạ thành công các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Mỹ như F-22 và F-35. Máy bay tiêm kích - đánh chặn này có khả năng bắn hạ các mục tiêu bay với vận tốc lên tới 5M khi phát hiện chúng từ khoảng cách lên tới 280km bằng hệ thống ăngten mảng pha độc nhất vô nhị.

MiG-31 có thể chở từ 5 tới 9 tấn vũ khí bao gồm nhiều loại đạn dược khác nhau như tên lửa tầm xa mà có thể tự tiêu diệt mục tiêu. Bên cạnh đó, MiG-31 có thể biến thành trạm chỉ huy trên không.

Dù những tính năng xuất chúng và nhiều phiên bản được sản xuất, nhưng thời gian vận hành của MiG-31 bị các chuyên gia hạn chế tới năm 2025-2026. Đến thời điểm đó, chiếc máy bay tiêm kích đánh chặn thế hệ mới MiG-41 sẽ phải được bàn giao cho Binh chủng Không quân - vũ trụ. Và đặc điểm chính của chiếc máy bay đánh chặn mới này phải là tốc độ - 4500km/h.

Chiếc máy bay siêu thanh này sẽ mang trên boong các tên lửa siêu thanh, cùng với đó nhiều tính năng khác vượt trội hơn so với MiG-31 sẽ được trang bị cho nó. "Máy bay đánh chặn tầm xa trên cơ sở MiG đã được thiết kế từ đầu những năm 90 với mã số "dự án 701", chuyên gia hàng không Valentin Dudin (Nga) chia sẻ.

"Thiết kế mới không giống với những máy bay chiến đấu MiG trước đó và theo tính năng nó sẽ phải là chiến đấu cơ mạnh nhất của lực lượng phòng không với tốc độ dự kiến có thể đạt 7000km/h. Nhưng vì không đủ ngân sách cũng như sự quan tâm tới vấn đề quốc phòng nên kế hoạch bị huỷ bỏ.

Còn chiếc máy bay đánh chặn theo kế hoạch mới hiện nay, nhiều khả năng sẽ được thiết kế trên cơ sở MiG-31 - điều hoàn toàn hợp lý vì sẽ tiết kiệm hơn và nhanh hơn. Còn các tính năng của MiG-41 sẽ vượt trội hơn so với các mẫu MiG thế hệ trước, kể cả việc đánh chặn các máy bay tấn công không người lái được Mỹ thiết kế mà theo giả thiết chỉ có tổ hợp phòng thủ tên lửa S-500 mới đủ khả năng", ông Dudin kết luận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.