New Zealand: Hơn 50.000 giáo viên tham gia cuộc “đình công khổng lồ”

GD&TĐ - Hơn 50.000 giáo viên bậc tiểu học và trung học tại New Zealand đã tổ chức cuộc đình công lớn chưa từng có tại quốc gia này, gây gián đoạn không chỉ tới việc học của trẻ em mà còn ảnh hưởng lớn đến các bậc phụ huynh.

Hơn 50.000 GV New Zealand đình công vì mức lương thấp và áp lực công việc cao
Hơn 50.000 GV New Zealand đình công vì mức lương thấp và áp lực công việc cao

Chưa từng có

Kể từ khi đảng Lao động lên cầm quyền vào cuối năm 2017, giáo giới đã tổ chức 3 cuộc đình công nhằm kêu gọi được tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc và được tôn trọng hơn. Hôm 29/5 vừa qua, lần đầu tiên trong lịch sử New Zealand, giáo viên tiểu học và trung học đã cùng nhau hành động, tạo nên một cuộc “đình công khổng lồ”. Trước nhiều cuộc biểu tình nổ ra liên tiếp, chính phủ New Zealand đã đề nghị sẽ tăng lương giáo viên thêm 3%. Tuy nhiên, giáo giới cho rằng, con số này là quá ít và yêu cầu tăng 15% lương. Nhà chức trách khẳng định, nền tài chính quốc gia không đủ khả năng chi trả cho số tiền lớn như vậy.

Nhiều ý kiến cho rằng, cuộc đình công lớn nhất trong lịch sử của các giáo viên New Zealand này có thể mới chỉ là sự khởi đầu cho nhiều tháng biểu tình sau đó. Hiệp hội Giáo viên sau tiểu học (PPTA) đã cảnh báo chính phủ, nếu không đạt được thỏa thuận mong muốn, các cuộc đình công sẽ tiếp tục vào tuần tới.

Ông Richard Crawford, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Fairfield cho biết, trước đó, các bậc phụ huynh đã được thông báo về “cuộc đình công khổng lồ” này. “Hội đồng cho rằng sẽ không an toàn cho học sinh nếu như trường vẫn mở vào ngày đình công. Nếu bất kỳ học sinh nào đến trường, họ sẽ chỉ có thể ở trong thư viện hoặc làm việc khác bởi chúng tôi không có giáo viên”, ông Crawford nói thêm.

Lãnh đạo Trường Rhode Street thông báo sẽ cung cấp những cơ sở chăm sóc trẻ em vào ban ngày để giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh. Nói về cuộc đình công, Hiệu trưởng trường, ông Shane Ngatai hy vọng chính phủ sẽ tháo gỡ những vướng mắc hiện tại. “Với sự đoàn kết này, tôi nghĩ chính phủ đã bắt đầu nhận ra rằng họ phải hành động ngay lập tức”, vị hiệu trưởng lạc quan cho biết. Trước bối cảnh căng thẳng, nhiều phụ huynh đã thể hiện sự ủng hộ cũng như cảm thông đối với giáo viên.

Phát biểu với truyền thông, nghị sĩ đảng Lao động Jamie Strange cho biết, chính phủ hiểu và đồng cảm với giáo giới và những yêu cầu của họ. Tuy nhiên, theo ông cần cho chính phủ thêm thời gian. Ông Strange chia sẻ luôn có cuộc gặp với Bộ trưởng Giáo dục hằng tuần và sẽ thảo luận về những ý kiến của giáo viên. “Chính phủ đã có 9 năm đầu tư vào giáo dục và chúng tôi không thể bù đắp hết tất cả chỉ trong một cuộc đàm phán”, vị nghị sĩ nói thêm. Một lần nữa, nghị sĩ Strange nhấn mạnh: “Chúng tôi nói, hãy cho chúng tôi nhiều thời gian hơn”.

Nỗi lòng giáo viên

Khali Oliveira, một giáo viên tại Trường Tiểu học Gladstone ở Auckland, cho biết đình công là biện pháp cuối cùng. Oliveira là giáo viên trong suốt hơn 20 năm qua và chia sẻ, hầu hết những người ở vị trí như cô đều cảm thấy kiệt sức. Nữ giáo viên này khẳng định, nếu những yêu cầu của họ không được đáp ứng, cô sẽ thôi việc và làm trong ngành tư nhân. “Chúng tôi không thể có cuộc đình công nhẹ nhàng được!”, cô nói thêm. Cũng theo Oliveira, các giáo viên ngày càng phải đối mặt với áp lực lớn và không có đủ thời gian để dạy học, bởi New Zealand đang rơi vào tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng. “Chúng tôi muốn chính phủ đầu tư vào tương lai của giáo viên và trẻ em”, cô nhấn mạnh.

“Chúng tôi không đình công cho vui, mà là đang đưa ra quan điểm về những gì chúng tôi xứng đáng và những gì con cái của chúng tôi xứng đáng”, ông Shane Ngatai, Hiệu trưởng Trường Rhode Street khẳng định.

Cuộc “đình công khổng lồ” này đã khiến hơn 700.000 trẻ em phải tạm dừng việc học. Nhiều phụ huynh đã phải nghỉ làm hoặc đưa trẻ tới nơi làm việc. Thậm chí, một số trẻ nhỏ còn được bố mẹ đưa tới cuộc biểu tình. Trước tình trạng này, nhiều địa điểm như thư viện và bể bơi đã bắt đầu tổ chức các chương trình dành cho trẻ em, giải quyết một phần khó khăn cho các bậc phụ huynh khi không biết gửi gắm con ở đâu.

Theo ông Jack Boyle, Chủ tịch Hiệp hội Giáo viên sau tiểu học, cuộc đình công này là một “sự thất vọng lớn” khi các cuộc đàm phán với chính phủ bị đình trệ. “Một hệ thống giáo dục công bằng và có nguồn lực tốt là điều vô cùng cần thiết trong việc xây dựng một xã hội tốt đẹp. Chúng tôi hy vọng chính phủ sẽ hành động theo các nguyên tắc và biến điều đó thành hiện thực”, ông Boyle phát biểu.

Lynda Stuart, Chủ tịch của NZEl Te Riu Roa, công đoàn đại diện cho giáo viên tiểu học, cho rằng ngành giáo dục đang gặp “khủng hoảng”. Các giáo viên buộc phải chăm sóc nhiều học sinh trong một lớp học có quy mô quá lớn. Ngoài ra, họ còn có trách nhiệm hoàn thành những công việc khác ngoài giờ lên lớp, trong khi không có thời gian và tài chính. “Những giáo viên đã lên tiếng và muốn chính phủ phải đưa ra giải pháp. Con em chúng tôi không thể chờ được và giáo viên cũng vậy”, nữ Chủ tịch gay gắt cho biết. Bà Stuart cũng khẳng định rằng, những lời đề nghị mà chính phủ đưa ra sẽ không giải quyết được các vấn đề mà giáo viên đang phải đối mặt.

Đối mặt với cuộc khủng hoảng này, chính phủ New Zealand đã buộc phải tuyển dụng các giáo viên từ Anh và Australia nhằm cải thiện tình hình. Tuy nhiên, nhiều lớp học vẫn không có giáo viên, khiến hiệu trưởng trường buộc phải tiếp quản lớp. Nhiều trường học thậm chí phải kêu gọi những giáo viên đã nghỉ hưu quay trở lại. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Giáo dục Chris Hipkins khẳng định, các giáo viên đừng mong đợi gì hơn ngoài sự thất vọng vì chính phủ đã đề nghị mức tăng lương cao nhất có thể.

Theo đảng Quốc gia đối lập, cuộc đình công đang gây gián đoạn trong các hoạt động của cả phụ huynh và học sinh khi nhiều đường phố trong khu vực đều phải đóng cửa. “Hành động này sẽ không công bằng với những gia đình có thu nhập thấp, bởi họ không đủ khả năng chi trả cho việc thuê người chăm sóc trẻ em”, bà Nikki Kaye, phát ngôn viên của đảng Quốc gia về các vấn đề giáo dục cho biết.

Bà Kaye cũng cam kết, đảng Quốc gia sẽ hỗ trợ trong việc thay đổi mức lương cũng như khối lượng công việc của giáo viên. “Chúng tôi đã kêu gọi Thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính can thiệp”, nữ chính trị gia khẳng định.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hủ tục nên bỏ

GD&TĐ - Lễ hội đâm trâu của người Ca Dong là một tập tục có từ ngàn xưa của những bộ tộc tựa lưng vào dãy Trường Sơn...