Myanmar gặp khó khi chống dịch, Đan Mạch và Thụy Điển sắp có “hộ chiếu vaccine”

GD&TĐ - Ngày qua (9/2), số ca mắc Covid-19 toàn cầu đã vượt 107 triệu ca, sau khi có gần 367 ngàn ca mắc mới. Số ca tử vong vì đại dịch đã hơn 2,3 triệu ca, gồm hơn 12,5 ngàn ca mới.

Ấn Độ tiêm vaccine cho người dân.
Ấn Độ tiêm vaccine cho người dân.

Iran bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine chống Covid-19 vào hôm qua bằng vaccine Sputnik V của Nga. Nước này đã mua 2 triệu liều vaccine Nga và 4,2 triệu liều vaccine AstraZeneca mua thông qua cơ chế COVAX của WHO. Covid-19 đã nhiễm cho 1,4 triệu người và khiến hơn 58.500 người thiệt mạng ở Iran.

Nước này đã tiến hành thử nghiệm vaccine tự chế vào cuối tháng 12 năm ngoái và mới tuyên bố dự án vaccine thứ 2 có tên Razi Cov Pars.

Tại Myanmar, việt xét nghiệm Covid-19 đã bị sụp đổ sau cuộc đảo chính quân sự gây ra chiến dịch bất tuân dân sự do các bác sĩ đứng đầu với các cuộc biểu tình lớn diễn ra khắp cả nước.

Số ca xét nghiệm hàng ngày vào 8/2 là 1.987 – mức thấp nhất kể từ 29/12/2021 so với mức hơn 9.000 vào thời điểm một tuần trước cuộc đảo chính. Số ca mắc Covid-19 được phát hiện hôm 8/2 chỉ là 4 so với mức trung bình 420 ca một ngày vào tuần cuối cùng của tháng 1.

Một tuyên bố của Bộ Y tế kêu gọi nhân viên y tế giúp đỡ chiến dịch tiêm vaccine mới bắt đầu tháng trước. Myanmar đã hứng chịu một trong những đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất Đông Nam Á với tổng số hơn 141.000 ca mắc và 31.177 ca tử vong.

Đan Mạch và Thụy Điển cho biết đang phát triển hệ thống chứng nhận vaccine kỹ thuật số, được gọi là “hộ chiếu vaccine”, cho phép người du lịch chứng minh họ đã được tiêm thuốc chống virus corona. Chương trình sẽ hoạt động như một hồ sơ cho bất kỳ ai muốn đi lại trong nước và quốc tế đến các quốc gia yêu cầu về bằng chứng tiêm chủng.

Việc trên nhằm mục đích đẩy nhanh khôi phục việc đi lại bằng hàng không và hỗ trợ sự hồi sinh của các nền kinh tế. Quyền Bộ trưởng Tài chính Đan Mạch Morten Bodskov cho biết một cơ quan đăng ký trực tuyến sẽ hoạt động vào cuối tháng 2 và hệ thống này sẽ được hoàn thiện vào khoảng tháng 6.

Tại Anh, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock đã công bố các quy định nghiêm khắc hơn dự kiến đối với những người đến Anh từ thứ 2 tuần sau. Trong đó những người không tuân thủ có thể phải ngồi tù 10 năm.

Ông Hancock cho biết, khách đến từ 33 quốc gia trong danh sách đỏ có tỷ lệ mắc Covid-19 cao nhất sẽ phải cách ly trong các khách sạn được chỉ định trong 10 ngày với chi phí 1.750 bảng Anh/người. Tất cả những người khác đến sẽ được cách ly tại nhà nhưng phải được xét nghiệm Covid vào ngày thứ 2 và ngày thứ 8, ngoài việc xuất trình xét nghiệm Covid âm tính khi đến Anh. Bất kỳ ai có kết quả xét nghiệm dương tính sẽ phải cách ly thêm 10 ngày kể từ ngày có kết quả xét nghiệm. Những người không xét nghiệm theo quy định sẽ bị phạt tới 2.000 bảng Anh, trong khi đó hình phạt 10.000 bảng Anh dành cho người vi phạm yêu cầu cách ly và 10 năm tù cho người đến từ các quốc gia trong danh sách đỏ nhưng cố gắng tránh cách ly.

Hôm qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tổ chức họp báo sau cuộc điều tra tìm nguồn gốc virus SARS-CoV-2 tại Trung Quốc. Theo đó, họ cho biết chưa xác định được vật chủ làm lây truyền virus này sang người và việc rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán là điều rất khó xảy ra.

Bên cạnh đó, WHO cũng kêu gọi việc nghiên cứu, công nhận và phục hồi chức năng nhiều hơn cho những người bị Covid-19 kéo dài khi tổ chức này tập hợp các chuyên gia để chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về tình trạng bệnh ít được hiểu rõ.

Hiện người ta còn biết rất ít về lý do tại sao một số người, sau khi trải qua giai đoạn cấp tính của Covid-19, phải vật lộn để phục hồi và gặp phải các triệu chứng liên tục bao gồm mệt mỏi, rối loạn thần kinh.

Theo CNA/Worldometer

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ