Mỹ: Sinh viên chuyển tiếp bất ngờ được săn đón

GD&TĐ - Ida Vasili, 34 tuổi, một SV chuyển tiếp tại ĐH Adelphi ở Long Island (phía Đông Nam New York, Hoa Kỳ), gặp gỡ  Michael Cartusciello, một trợ lý cao cấp của giám đốc bộ phận tuyển sinh ĐH. Trường Adelphi tổ chức các ngày đăng ký và thông báo kết quả ngay lập tức để SV có thể nộp hồ sơ, được tiếp nhận và đăng ký nhập học chỉ trong một ngày.  

Tuyển sinh giảm sút buộc các trường ĐH Mỹ quay sang mời chào SV chuyển tiếp
Tuyển sinh giảm sút buộc các trường ĐH Mỹ quay sang mời chào SV chuyển tiếp

Sự đảo chiều bất ngờ

SV chuyển tiếp (có thể hiểu là SV dự bị) - vốn thường bị các trường ĐH ngó lơ trong quá khứ - giờ đây đang được các trường ĐH và cao đẳng thi nhau  chào mời và săn đón. “Đây là nhóm SV thường không được coi trọng lắm”, Todd Rinehart, Phó Hiệu trưởng phụ trách tuyển sinh của ĐH Denver cho biết.

Sự đảo chiều diễn ra một cách bất ngờ. Vừa tháng trước, hệ thống Trường ĐH California ra thông báo cho biết, một số lượng SV chuyển tiếp đông nhất từ trước đến nay vừa được chấp nhận vào trường. Hay trong một động thái có lẽ mang tính biểu tượng hơn là thực tế khác, Trường Princeton đã chấp nhận 13 SV chuyển tiếp cho năm học 2018. Đây là những SV chuyển tiếp đầu tiên được nhà trường tiếp nhận kể từ sau năm 1990.

“Tại thời điểm này, SV chuyển tiếp đang nhận được sự chú ý tích cực nhất từ  phía các trường ĐH” - Janet Marling, Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu chuyển giao SV  tại ĐH Bắc Georgia nhận xét.

Thực tế trần trụi

SV chuyển tiếp chiếm 38% tổng số SV ĐH. Đây luôn là nguồn doanh thu bù đắp lại những trường hợp thôi học sau năm thứ nhất hoặc thứ hai cho các trường ĐH và CĐ ở Mỹ. Tuy vậy, đằng sau sự quan tâm mới dành cho những SV này là một thực tế trần trụi: Tuyển sinh ĐH của Mỹ đã và đang bị giảm sút 6 năm qua, theo số liệu từ National Student

Clearinghouse, một tổ chức nghiên cứu GD phi lợi nhuận.

Nguyên nhân là do sự chuyển dịch nhân khẩu HS, khi số lượng HS tốt nghiệp phổ thông được dự báo sẽ giảm trong vòng một thập kỷ tới, đặc biệt ở vùng Trung Tây và Đông Bắc. Ngoài ra, khi nền kinh tế được cải thiện, thị trường việc làm cũng trở nên hấp dẫn đối với HS tốt nghiệp phổ thông hơn là môi trường ĐH.

Nếu những lý do như vậy vẫn là chưa đủ, thì có lẽ một nguyên nhân khác sẽ thuyết phục hơn: Sau nhiều năm tăng trưởng mạnh, ngày càng ít SV quốc tế nộp hồ sơ vào các trường ĐH ở Mỹ; một phần do quan điểm hạn chế về vấn đề nhập cư của chính quyền đương nhiệm, phần nữa do các nước nói tiếng Anh khác như Canada và Úc cũng đang tìm cách thu hút những SV này.

SV chuyển tiếp có thể tạo ra sự đa dạng về chủng tộc, sắc tộc và kinh tế - xã hội mà các trường đang tìm kiếm. Ngoài ra, họ còn giúp tăng số lượng SV nhập học thực tế sau khi được chấp nhận của một trường - điều có ý nghĩa sống còn đối với các nhà tuyển sinh.

Dẫu sao thì vị thế cũng đã khác

Mặc dù SV chuyển tiếp chiếm một phần đáng kể trong số lượng SV của ĐH nói chung, nhưng từ trước đến nay họ dường như vô hình và ít được chú ý, một phần bởi vì trước năm 2017, họ không nằm trong tỉ lệ tốt nghiệp chung của các trường ĐH và CĐ được thống kê bởi Hệ thống dữ liệu GD sau trung học tích hợp.

Trong khi đó, dữ liệu về tỉ lệ tốt nghiệp này lại được sử dụng bởi các nhà hoạch định chính sách và các tổ chức, cơ sở đào tạo để đánh giá, xếp loại các trường. Thêm vào đó, một trong những trở ngại lớn đối với SV chuyển tiếp, đặc biệt là các SV từ một trường CĐ cộng đồng đến một trường ĐH đào tạo 4 năm, là vấn đề chấp nhận và chuyển đổi các tín chỉ phù hợp với chuyên ngành theo học đã tích lũy được từ trường cũ sang trường mới…

Chưa kể chi phí và hỗ trợ tài chính cũng là những rào cản nghiêm trọng khác đối với SV chuyển tiếp, khi mà nhiều người trong số họ xuất thân từ các gia đình có thu nhập thấp; trong khi các trường từ trước đến nay thường không cấp học bổng hay tiền trợ cấp cho SV năm thứ nhất. Hiệp hội quốc gia về tư vấn tuyển sinh ĐH của Mỹ năm 2017 cũng chỉ ra một vấn đề khác mà SV chuyển tiếp thường phải đối mặt, đó là việc phải đặt cọc để giữ chỗ tại các trường ĐH, trước khi biết bao nhiêu tín chỉ sẽ được chuyển tiếp hay hỗ trợ tài chính nào mình sẽ được nhận.

Thế nhưng giờ đây mọi chuyện đã khác. Để giúp SV chuyển tiếp giải quyết vấn đề tín chỉ tương đương, nhiều trường ĐH hiện có các thỏa thuận hoặc quan hệ đối tác với các trường CĐ cộng đồng để giải thích, điều chỉnh hay rút ngắn số tín chỉ cần thiết cho một chương trình học hoặc bằng cấp. Một số trường khác cũng đã bắt đầu cấp học bổng toàn phần cho SV chuyển tiếp, hay chí ít là tăng số tiền trợ cấp cho đối tượng này.

Hiệp hội quốc gia về tư vấn tuyển ĐH thì lần đầu tiên đã công bố trong quy tắc đạo đức, hướng dẫn các trường phải cung cấp cho SV chuyển tiếp biết liệu tín chỉ của họ có được chấp nhận hay không, hoặc ước lượng họ còn thiếu bao nhiêu tín chỉ, cũng như những hỗ trợ tài chính họ có cơ hội nhận được trước khi yêu cầu đặt cọc.

Nói tóm lại, SV chuyển tiếp đang được đặt ở vị trí và sự quan tâm mà họ chưa bao giờ có được tại các trường ĐH của Mỹ.

Theo New York Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ