Mỹ muốn phủ vắc-xin toàn cầu

GD&TĐ - Với tiềm lực sản xuất vắc-xin hiện nay, Mỹ là một trong số ít nước đóng vai trò mang tính quyết định trong việc giải quyết bất bình đẳng về phân phối vắc-xin.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang hiện thực hóa tuyên bố nước này là “kho vắc-xin toàn cầu” bằng việc họp trực tuyến với lãnh đạo các nước vào tuần tới, nhằm vạch kế hoạch cụ thể về mục tiêu tiêm chủng 70% dân số toàn thế giới để có thể kết thúc đại dịch Covid-19 kéo dài hai năm qua.

Thông qua hội nghị cấp cao trực tuyến nói trên, Tổng thống Biden sẽ kêu gọi các nguyên thủ, lãnh đạo doanh nghiệp và tổ chức từ thiện lớn của thế giới cùng cam kết chấm dứt đại dịch bằng những hành động và mục tiêu chi tiết. Xa hơn nữa, các bên cùng phải chuẩn bị cho kế hoạch giúp thế giới có thể sẵn sàng đối phó với những thảm họa y tế khác trong tương lai.

Chương trình chi tiết về hội nghị được mong chờ này chưa được tiết lộ, nhưng theo truyền thông Mỹ, mỗi nhà lãnh đạo tham gia sẽ trình bày bằng video các phác thảo cam kết và hành động giúp chấm dứt Covid-19 vào năm 2022.

Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh người đứng đầu Nhà Trắng đang phải chịu sức ép quốc tế về việc ông phải đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống dịch toàn cầu.

Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên án sự bất bình đẳng trong phân phối vắc-xin chống dịch khi chỉ có 20% dân số các nước thu nhập thấp và trung bình được tiêm vắc-xin so với con số 80% ở các nước thu nhập trên trung bình và cao.

Các chuyên gia y tế Mỹ đánh giá việc tổ chức cuộc họp lãnh đạo cấp cao chính là bước khởi đầu của Tổng thống Joe Biden để giải quyết các thách thức chung về vắc-xin ngừa Covid-19, mở ra khả năng 70% dân số toàn cầu sẽ được sớm tiêm chủng đầy đủ.

Với tiềm lực sản xuất vắc-xin hiện nay, Mỹ là một trong số ít nước đóng vai trò mang tính quyết định trong việc giải quyết bất bình đẳng về phân phối vắc-xin.

Hồi giữa năm nay, Tổng thống Joe Biden từng tuyên bố Mỹ sẽ là “kho vắc-xin cho cả thế giới” và chính phủ của ông đang hiện thực hóa điều này bằng những đợt trao tặng vắc-xin bắt đầu từ tháng 6 vừa qua.

Tính đến tháng 9/2021, Mỹ đã viện trợ hơn 110 triệu liều vắc-xin cho gần 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó chủ yếu là thông qua cơ chế COVAX. Có 3 loại vắc-xin chính được Mỹ viện trợ cho các nước là Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson.

Theo thống kê của trang Ourworldindata, tính đến tháng 8/2021 đã có hơn 4,5 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19 được tiêm trên toàn thế giới và có khoảng 30% dân số toàn cầu đã được tiêm ít nhất một liều.

Số người được tiêm đầy đủ hai liều là hơn 15%. Tuy nhiên, hoạt động tiêm chủng đang chứng kiến sự mất cân bằng nghiêm trọng khi chỉ có hơn 1% dân số các nước thu nhập thấp được tiêm một liều vắc-xin.

Với tốc độ tiêm trung bình 40 triệu liều mỗi ngày như hiện nay, mục tiêu 70% dân số thế giới được tiêm chủng để có thể đầy lùi Covid-19 vẫn còn một chặng đường dài. Trong khi đó, theo bản chất của virus thì không một nước nào có thể an toàn dù tiêm chủng nhiều tới đâu do sự lây lan là không có biên giới.

Đây chính là lý do cuộc họp trực tuyến cấp cao về Covid-19 sắp được triệu tập và nước Mỹ đang chứng tỏ vai trò của mình trong cuộc chiến y tế chưa từng có này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ