Mỹ đầu tư vào Dải Gaza: Khi lòng tin bị tổn thương

GD&TĐ - Cuối tuần qua, nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas đã bác bỏ nỗ lực mới của chính quyền Trump nhằm khuyến khích đầu tư hơn 50 tỷ USD để khởi động nền kinh tế Palestine và khu vực làm nền tảng cho hòa bình trong tương lai.

Nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas (giữa) cho biết một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine phải được giải quyết trước mọi điều khác
Nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas (giữa) cho biết một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine phải được giải quyết trước mọi điều khác

Cần một giải pháp chính trị

Trong một cuộc họp hiếm hoi với các nhà báo nước ngoài tại trụ sở ở thành phố Ramallah (Bờ Tây), nhà lãnh đạo Palestine Abbas cho biết kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump, dự kiến sẽ được khởi động trong tuần này tại một hội nghị ở Bahrain, là èo uột và có nguy cơ thất bại.

Cuối tuần qua, chính quyền ông Trump đã công bố kế hoạch kinh tế để tạo tiền đề cho một hội thảo vào thứ Ba và thứ Tư tuần này. Giới lãnh đạo Palestine kêu gọi tẩy chay hội nghị và các quan chức Palestine sẽ không tham dự. Hầu hết, các doanh nhân Palestine được mời tham dự dường như đều tránh xa.

“Chúng tôi cần tiền và thực sự, chúng tôi cần sự giúp đỡ”, ông Abbas thừa nhận. “Tuy nhiên, cái cần có trước tất cả là một giải pháp chính trị”, ông nói.

Ông Abbas đang là người đứng đầu của chính thể Palestine bị chia rẽ, từ lâu phụ thuộc vào tài trợ của nhiều quốc gia. Có thể nói, đây cũng là một cuộc khủng hoảng tài chính không có hồi kết ở đất nước này.

Xuất hiện trong cuộc họp báo, ông Abbas thể hiện sự hài lòng với phản ứng khá thờ ơ của người dân đối với kế hoạch đầu tư của ông Trump, cũng như với số lượng ít ỏi các phái đoàn Ả Rập dự định tham dự hội thảo tại Bahrain.

Ông giễu cợt các ý tưởng cho các dự án trong kế hoạch mà các tác giả của nó thừa nhận là chủ yếu được xây dựng lại từ các nỗ lực hòa bình trước đây, cũng như các báo cáo của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Đề cập đến đề xuất về một tuyến đường sắt giữa Bờ Tây và Dải Gaza, ông Abbas cho biết Israel đã đồng ý với một hành lang an toàn nối liền hai lãnh thổ của Palestine như một phần của hiệp định Oslo vào những năm 1990.

Ông Abbas bình luận một cách hài hước rằng: “Người Mỹ đang phát minh lại bánh xe và thuốc súng”.

Cái giá của Palestine

Để người Palestine tái tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình, ông Abbas nói, chính quyền Trump cần phải đảo ngược lập trường của mình sau khi công nhận đây là thủ đô của Israel vào cuối năm 2017 và ra lệnh di dời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến thành phố tranh chấp nóng bỏng này.

Chính quyền Mỹ đã nói rằng, việc di chuyển đại sứ quán không gây bất kỳ ảnh hưởng nào đến biên giới cuối cùng của Jerusalem, nhưng họ không có khả năng hủy bỏ sự công nhận nó.

Mỹ cũng sẽ phải công nhận một giải pháp hai nhà nước - nghĩa là thành lập một nhà nước Palestine độc lập song song với Israel - làm cơ sở để chấm dứt xung đột và tôn trọng các nghị quyết quốc tế, ông Abbas nói.

Trong khi đó, ông nói, các biện pháp mà chính quyền Mỹ đã thực hiện đối với người Palestine - bao gồm cắt viện trợ và tài trợ của cơ quan Liên Hợp Quốc giúp người tị nạn Palestine trong cuộc chiến năm 1948 và con cháu của họ - đã khiến mọi cánh cửa cho một giải pháp chính trị đóng lại.

Ông Abbas nhấn mạnh: Nếu cứ duy trì vị thế của Mỹ trong nhiều vấn đề nổi cộm, như số phận của Jerusalem, người tị nạn và các khu định cư của Israel ở các vùng bị chiếm đóng thì thực sự chẳng còn gì để nói.

Yếu tố hợp tác duy nhất

Với tham vọng của chính quyền Trump trong việc huy động được tiền từ các quốc gia vùng Vịnh, ông Abbas đặt câu hỏi tại sao người Mỹ lại lựa chọn vai trò trung gian tài chính, trong khi người Palestine hoàn toàn có thể tự kêu gọi đầu tư từ các nước Ả Rập giàu có.

Theo ông, yếu tố hợp tác duy nhất còn lại giữa người Palestine và Mỹ là sự phối hợp an ninh với CIA. Ông đưa ra lý do là người Palestine mong muốn giúp chống khủng bố trên thế giới cũng như duy trì các thỏa thuận đã có về chống khủng bố, vì khủng bố là kẻ thù của nhân loại.

Phía Israel cho rằng, sự phối hợp an ninh với Mỹ sẽ giúp ông Abbas chống lại các đối thủ nội bộ như Hamas, nhóm phiến quân Hồi giáo kiểm soát Gaza và giữ quyền lực ở các khu vực của Palestine ở Bờ Tây.

Ông Abbas tuyên bố không quá lo lắng về sự tham gia của các đồng minh Ả Rập như Jordan và Ai Cập trong hội thảo Bahrain. Theo ông, nhiều thông tin từ các quốc gia Ả Rập cho thấy, họ sẽ không bình thường hóa với Israel trước khi có một giải pháp chính trị giữa hai phía Palestine và Israel.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ