Mũi tiêm thứ ba

GD&TĐ - Hãng Pfizer đang đề nghị giới chức Mỹ cho phép tiêm mũi vắc-xin tăng cường ngừa Covid-19 để tạo ra mức kháng thể cao hơn so với liệu trình hai mũi thông thường.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đề xuất này đã gây ra tranh cãi gay gắt trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới chưa có vắc-xin để tiêm mũi đầu tiên cho người dân.

Lập luận của Pfizer được Giám đốc khoa học của hãng là Mikael Dolsten đưa ra là kết quả nghiên cứu cho thấy, việc tiêm mũi thứ ba có thể tạo ra mức kháng thể cao từ 5 đến 10 lần so với mức sau khi tiêm mũi thứ hai. Ông cũng nhấn mạnh việc tiêm mũi tăng cường này đặc biệt có giá trị đối với những người lớn tuổi.

Hôm 12/7, Pfizer tiếp tục yêu cầu giới chức Liên bang Mỹ cho phép tiêm mũi vắc-xin thứ ba dưới dạng nhắc lại trên diện rộng, do lo ngại về sự xuất hiện của biến chủng Delta đang gây ra số ca nhiễm mới tăng vọt 50% tại nước này. Một số nước châu Âu cũng đang thảo luận với Pfizer về việc tổ chức tiêm mũi thứ ba cho người dân và có thể thực hiện đại trà trước khi Mỹ cấp phép.

Trong khi đó, Bộ Y tế Israel hôm 14/7 cho biết đã bắt đầu tiêm mũi Pfizer tăng cường cho những người có hệ miễn dịch kém như bệnh nhân ung thư, những người được ghép tạng. Nước này cũng đang đi đầu thế giới về tiêm chủng với hơn 85% dân số độ tuổi trưởng thành được tiêm đầy đủ hai liều. Trước đó, nhiều người có hệ miễn dịch kém tại Pháp cũng đã được tiêm mũi vắc-xin thứ ba.

Động thái tiêm mũi thứ ba tại các nước phát triển trong bối cảnh có sự thiếu hụt vắc-xin trầm trọng tại nhiều nước trên thế giới đã gặp phải sự chỉ trích đến từ chính Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trưởng nhóm khoa học của WHO là Soumya Swaminathan nhấn mạnh, hiện không có bằng chứng khoa học nào cho thấy sự cần thiết phải có mũi tiêm vắc-xin tăng cường ngừa Covid-19.

WHO cũng khuyến nghị các nước nên cân nhắc việc tiêm mũi thứ ba phải “dựa trên cơ sở dữ liệu và nghiên cứu khoa học chứ không phải từ tuyên bố của các công ty sản xuất vắc-xin”. Tổ chức này cũng hối thúc hãng Pfizer nên tập trung nguồn lực vào việc cải thiện nguồn cung để tăng khả năng giúp nhiều nước tiếp cận vắc-xin hơn so với hiện nay.

Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus không đề cập cụ thể đến mũi tiêm thứ ba, nhưng ông cho rằng sự chênh lệnh về tiếp cận vắc-xin trên thế giới hiện nay xuất phát từ “lòng tham”. Ông nhấn mạnh, những người chưa được tiêm mũi nào tại các nước nghèo do thiếu vắc-xin nên được ưu tiên. Giám đốc WHO cũng kêu gọi các hãng sản xuất vắc-xin dốc sức hơn cho các cơ chế quốc tế hỗ trợ những nước thu nhập thấp và trung bình.

Tranh cãi về mũi tiêm vắc-xin thứ ba diễn ra vào thời điểm trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á, đang chìm vào làn sóng dịch tồi tệ nhất kể từ đầu dịch do biến thế Delta hoành hành. Trong khi đó, các nhà khoa học và WHO cùng chung quan điểm cho rằng để đẩy lùi Covid-19 bền vững thì buộc phải tăng tối đa độ phủ của vắc-xin trên phạm vi toàn cầu.

Tuy nhiên, hiện việc phân bố vắc-xin trên thế giới đang có sự chênh lệch đáng kể. Theo dữ liệu do hãng Bloomberg thu thập, tính đến trung tuần tháng 7 đã có hơn 3,4 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19 được sử dụng tại hơn 180 quốc gia, trong đó riêng nước Mỹ chiếm 10% tương đương 334 triệu liều.

Trong bối cảnh virus lây lan không có biên giới hiện nay, nhiều nước phát triển cũng đang tăng cường tặng vắc-xin cho các nước khác thay vì tính đến tiêm đại trà mũi thứ ba cho người dân, nhằm hướng đến một thế giới cùng đạt miễn dịch cộng đồng và có thể đẩy lùi đại dịch một cách bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ