Mùa thi ở Ấn Độ: “Toát mồ hôi” trong vô vọng

GD&TĐ - Không ít kẻ đã kiếm được nhiều tiền trong mùa thi dựa vào sự tuyệt vọng của nhiều học sinh và phụ huynh ở Ấn Độ - một quốc gia mà số chỉ tiêu học đại học và số việc làm đều rất giới hạn.

Một thí sinh tranh thủ ôn bài trước khi thi
Một thí sinh tranh thủ ôn bài trước khi thi

“Cuộc tra tấn tinh thần”

Một vài phút trước khi kỳ thi Toán tốt nghiệp diễn ra tại trường trung học Delhi của mình, Raghav đã xin đi vệ sinh. Trong nhà vệ sinh, cậu đã gửi hình ảnh bài thi mà cậu đã bí mật chụp được tới một số điện thoại mà cậu nhận được hôm trước. Vài phút sau, đáp án đã xuất hiện trên màn hình.

“Đây không phải là gian lận” – bà mẹ Sunita của cậu khẳng định. Bà là người đã trả 16.000 rupee (236 USD) để con trai có được số điện thoại. “Đó là một lối thoát” – bà nói.

Mùa thi của Ấn Độ thường là nơi cạnh tranh của hàng chục triệu học sinh nhằm vào được các trường đại học vốn có tỷ lệ chọi rất cao.

Vào mùa thi, không chỉ học sinh và phụ huynh bận rộn, mạng lưới có tên gọi “mafia gian lận” ở Ấn Độ cũng làm việc cật lực để kiếm lời từ học sinh và phụ huynh đang tuyệt vọng ở một quốc gia mà mỗi năm có 17 triệu người tham gia lực lượng lao động để cạnh tranh 5,5 triệu việc làm.

“Đây thực sự là một cuộc tra tấn tinh thần” – thí sinh Kirath Kaul, 15 tuổi ở Delhi bị buộc phải thi lại sau đó nói – “Em đã dành cả ngày để học và thậm chí thức dậy lúc nửa đêm để chuẩn bị”.

Một hệ thống giáo dục bị vỡ

Các phụ huynh Ấn Độ đang trèo lên các phòng thi để ném bài cho con em mình
Các phụ huynh Ấn Độ đang trèo lên các phòng thi để ném bài cho con em mình 

Gian lận trong các kỳ thi ở Ấn Độ là vấn đề rất nan giải, có tổ chức và phức tạp. Ở Bihar, một trong những bang nghèo nhất Ấn Độ, hơn 1.000 học sinh đã bị trục xuất vì gian lận hồi tháng 2.

Năm ngoái, học sinh có điểm cao nhất bang trong một môn học là mỹ thuật hóa ra là một người đàn ông 42 tuổi. Học sinh có điểm mỹ thuật cao nhất năm 2016 đã bị tước bằng sau khi có những nghi ngờ xuất hiện, trong đó có việc cô nói với một phóng viên truyền hình rằng theo cô, khoa học chính trị là học nấu ăn.

Năm 2015, bang Bihar đã nổi tiếng khắp thế giới khi những đoạn video xuất hiện cho thấy nhiều bậc phụ huynh trèo lên các tòa nhà 5 tầng để chuyển tài liệu cho con đang thi bên trong. Năm nay, để đảm bảo tính trung thực, bang này đã lắp đặt camera an ninh trong phòng thi và yêu cầu mọi sinh viên phải cởi giày, tháo tất ở ngoài cửa.

“Năm nay dường như có dấu hiệu của một hệ thống giáo dục tan vỡ” – giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Yamini Aiyar cho biết.

Bà cho rằng sự gian lận phổ biến này là do áp lực để có được một tấm bằng đại học và một hệ thống chỉ tập trung vào xây trường mới mà không quan tâm tới những gì đang xảy ra bên trong.

“Các nghiên cứu cho chúng tôi thấy rằng trung bình khoảng một nửa học sinh đạt Tiêu chuẩn 5 có thể đọc được một văn bản ở Tiêu chuẩn 2” – bà nói.

Các ưu đãi dành cho giáo viên và người quản lý cũng không rõ ràng – bà Yamini Aiyar nói thêm – việc đo lường thành công và đưa ra nhưng thăng tiến về việc làm dựa trên phần trăm học sinh đỗ các kỳ thi của một trường hay một quận. Các quan chức được thưởng có thể hỗ trợ gian lận hoặc bỏ qua việc này.

Mẹ của Raghav, bà Sunita (tên thật của bà được thay đổi vì các lý do pháp lý), đã liên lạc với “mafia gian lận” của Ấn Độ thông qua trung tâm tư vấn thi mà Raghav đã tham gia học trước khi tham dự kỳ thi năm ngoái.

“Giáo viên tại trung tâm nói con trai của tôi rất yếu” – bà Sunita nhớ lại - “Con tôi không thích học và tôi không muốn nó phải lặp lại việc này năm nay”.

Giáo viên trên cũng đề nghị bà kết nối với một người nào đó có thể gửi cho Raghav đáp án của bài thi kinh tế và toán. Không có ai ở đầu dây điện thoại biết danh tính của nhau. Giáo viên này cũng ký kết với 4-5 gia đình khác.

“Việc này rất phổ biến và mang lại nhiều lợi nhuận” – bà Sunita nói - “Chúng tôi có thể trả người đàn ông này khoảng 60.000 rupee”

Với sự hỗ trợ của đường dây nóng hỗ trợ thi cử, Raghav đã thi đỗ tất cả các môn của mình. Hiện cậu đang tham dự các lớp học tư nhân về nhiếp ảnh và đặt mục tiêu xây dựng sự nghiệp với chiếc máy camera của mình. Trong khi đó Kaul học hành chăm chỉ và lại chuẩn bị thi lại môn toán một lần nữa.

“Nhưng tôi lo rằng những người gian lận sẽ làm bài tốt hơn tôi” – Kaul nói – “Tôi học rất chăm nhưng người ta chỉ quan trọng kết quả chứ không quan tâm có gian lận hay không”.

Mới đây, trong một vụ điều tra nổi tiếng, đề của hai bài thi trung học đã bị phát hiện rò rỉ trên ứng dụng gửi tin nhắn miễn phí WhatsApp khoảng 90 phút trước khi thi. Hơn 2,8 triệu học sinh ở Delhi và khu vực lân cận đã được lệnh làm lại bài thi vào cuối tháng 4 vừa qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ