Lầu Năm Góc cảnh báo IS vẫn là mối đe dọa toàn cầu

GD&TĐ - Mặc dù hiện nay, tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chỉ nhằm tới được một vài thị trấn nhỏ trên bờ sông Euphrates (Syria) làm cơ sở, nhưng Lầu Năm Góc cảnh báo tổ chức này vẫn là một mối đe dọa và đang có cơ sở tốt để gây dựng lại.

IS đang tìm cách mở rộng mạng lưới hoạt động bí mật ở khắp nơi trên thế giới, sau khi mất hầu hết lãnh thổ ở Syria và Iraq
IS đang tìm cách mở rộng mạng lưới hoạt động bí mật ở khắp nơi trên thế giới, sau khi mất hầu hết lãnh thổ ở Syria và Iraq

Phát triển bên ngoài Syria

Một báo cáo tổng thanh tra mới được công bố cho biết quân đội Mỹ ước tính IS vẫn sở hữu lực lượng tới 30.000 tay súng ở Syria và Iraq. “IS vẫn là một mối đe dọa và ngay cả một máy bay chiến đấu IS là quá nhiều”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Đô đốc Hải quân Sean Robertson nói với CNN. Ông nói thêm rằng “nhân lực không phải là một thước đo tốt để đánh giá sự biến động của nhóm khủng bố này”.

“Điều thực sự quan trọng là khả năng và ý định của các thành viên IS trên toàn thế giới và đó là lý do tại sao cuộc chiến chưa thể kết thúc” - Robertson nói.

Đánh giá của báo cáo tổng thanh tra được đưa ra sau một báo cáo riêng của Liên Hiệp Quốc do một bộ phận có trách nhiệm theo dõi các nhóm khủng bố thực hiện. Theo đó, số lượng các chiến binh IS còn lại cũng lên đến hàng chục ngàn. Ở giai đoạn cao điểm, giai đoạn 2014 - 2015, nhóm này đã tuyên bố thành lập một quốc gia Hồi giáo, trải dài qua nhiều khu vực rộng lớn của Syria và Iraq, tương đương với diện tích bang Ohio.

Tổng thống Donald Trump đã khuếch trương thành công của chính quyền Mỹ trong việc đẩy IS ra khỏi phần lớn Syria và Iraq và khẳng định đầu năm nay rằng Mỹ sẽ “rút khỏi Syria rất sớm”. Tuy nhiên, các ước tính mới cho thấy quân đội Mỹ có thể phải tiếp tục ở lại khu vực này để chống lại IS.

“Chúng ta đều biết rằng cái gọi là quốc gia Hồi giáo thực tế đã bị phá hủy” - Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết - “Nhưng chắc chắn vẫn còn những tay súng IS, và đó cũng là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục nhìn nhận các mối đe dọa đó một cách nghiêm túc và tìm mọi cách để đánh bại chúng, đồng thời bảo vệ người Mỹ và đồng minh của chúng tôi”.

Khi được hỏi về sức mạnh của IS, Phó Chỉ huy của Liên minh quân sự chống IS cho biết, mặc dù ông cho rằng các con số mà LHQ đưa ra có vẻ hơi cao, tuy nhiên, ông không thể phát biểu về tính xác thực của các con số này.

Vẫn còn đó mối đe dọa

“Chúng tôi biết có hơn một ngàn tay súng ở thung lũng sông Middle Euphrates” - Thiếu tướng Anh Felix Gedney cho biết khi đề cập đến những vấn đề mới nhất của IS tại Syria. “Mối đe dọa vẫn còn trên khắp Iraq và Syria. Chúng tôi cần đảm bảo rằng chúng tôi hoạt động đủ để đảm bảo an ninh và ổn định sau giải phóng”, Gedney nói.

Quân đội Mỹ đánh giá IS đã mất khoảng 98% lãnh thổ mà tổ chức này kiểm soát ở đỉnh cao. Tướng Tony Thomas, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Đặc biệt Hoa Kỳ, ước tính rằng năm ngoái có khoảng 60.000 đến 70.000 tay súng IS đã thiệt mạng trong suốt thời gian khoảng bốn năm. Chiến dịch không quân do Mỹ dẫn đầu cũng đã phá hủy hầu hết các nguồn thu của nhóm khủng bố và vô hiệu hóa nhiều lãnh đạo IS liên quan đến việc lên kế hoạch tấn công khủng bố trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc tin rằng mặc dù thua to ở chiến trường, nhưng IS vẫn còn nhiều khả năng hơn tổ chức tiền nhiệm của nó là al-Qaeda ở Iraq - nhóm khủng bố đã thực hiện hàng loạt các cuộc tấn công chết người khắp Iraq và là mục tiêu chính của việc triển khai hàng chục ngàn quân Mỹ tới Iraq cách đây hơn một thập kỷ.

“Chúng tôi đã đánh giá rằng, ngay cả sau khi chúng tôi giải phóng lãnh thổ IS kiểm soát, tổ chức này có lẽ vẫn còn nhiều tiềm năng hơn al-Qaeda ở Iraq vào thời cực thịnh của al-Qaeda trong giai đoạn 2006 - 2007” - Robertson nói.

Các quan chức Lầu Năm Góc cũng cho rằng mối đe dọa từ IS còn lớn hơn nhiều nhờ những cải tiến trong công nghệ truyền thông, cho phép IS kết nối dễ dàng hơn với những người “đồng cảm” trên khắp thế giới. Việc sử dụng các chiến binh nước ngoài của nhóm khủng bố và các liên kết của những chiến binh với các quốc gia quê hương cũng gây nhiều lo ngại. Ngoài ra, các chi nhánh của IS, bao gồm chi nhánh Afghanistan của nhóm khủng bố, cũng hoạt động mạnh. Báo cáo của LHQ cho rằng, IS đang “tiếp tục chuẩn bị cho việc di dời một số chân rết chính của nó sang Afghanistan”, bao gồm cả các tay súng nước ngoài từ châu Âu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ