Làng dưỡng lão đặc biệt ở Hà Lan: Có vi phạm đạo đức?

GD&TĐ - Để giúp những người cao tuổi bị sa sút trí tuệ hay bệnh Alzheimer được an vui trong quãng đời còn lại, ở Hà Lan có khu dưỡng lão được thiết kế như một ngôi làng (Hogewey).

Làng Hogewey với không gian thoáng đãng.
Làng Hogewey với không gian thoáng đãng.

Cư dân ở đây có nơi sinh hoạt thoải mái, không bị gò bó trong không gian chật hẹp như những nhà dưỡng lão truyền thống. Mô hình này đang được nhiều nơi trên thế giới áp dụng. 

Cuộc sống được sắp đặt

Thoạt nhìn, Hogewey, một cộng đồng nhỏ bé nằm cách thành phố Amsterdam khoảng 20km, cũng giống như bao thị trấn nhỏ khác của Hà Lan. Cư dân ở đây có một cuộc sống bình thường, mua sắm ở các cửa hàng bách hóa, xem phim và gặp gỡ bạn bè.

Tuy nhiên, tất cả đều không hề biết cuộc sống của họ hoàn toàn được sắp đặt. Trong làng trang bị rất nhiều camera giám sát, theo dõi cư dân 24/24 giờ. Từ chủ hiệu tạp hóa đến người làm vườn, từ nhà tạo mẫu tóc đến nha sĩ đều thuộc hệ thống “dối lừa” này.  

Thực tế, Hogewey là một viện dưỡng lão ngụy trang trông như một ngôi làng, nơi ở của những người bị sa sút trí tuệ trầm trọng. Không giống như những nhà an dưỡng thông thường dành cho người già, làng Hogewey hình thành một xã hội đáng sống cho những người cao tuổi mất trí nhớ không ai giúp đỡ.

Ở đây, có những ngôi nhà chung, nhà hát, cửa hàng bách hóa, bưu điện, khu vườn nhỏ và câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa. Chủ cửa hiệu, người phục vụ và người chăm sóc nhà đều là nhân viên của Hogewey đóng vai trò của mình. Hiện làng Hogewey có khoảng 150 cư dân mắc bệnh sa sút trí tuệ và Alzheimer cùng 250 người chăm sóc, phục vụ.     

Ý tưởng về Hogewey được hình thành bởi Yvonne van Amerongen, khi cô đang là nhân viên tại một nhà dưỡng lão truyền thống của Hà Lan. Đã biết rõ tình hình hoạt động ở các viện dưỡng lão, Amerongen mong muốn biến những nơi này trở nên đáng sống, ít buồn tẻ hơn. Cô nhận ra, điều quan trọng ở giai đoạn này trong cuộc đời của người cao tuổi mắc bệnh lú lẫn, hơn cả tiếp cận với cách trị liệu tốt nhất, là được tự do làm theo ý thích.

Cô hình dung một nơi mà bệnh nhân có thể sống một cuộc sống bình thường, trong một môi trường như ở nhà mình, được hỗ trợ, chăm sóc, được tham gia vào các hoạt động có ý nghĩa đối với họ. 

Khai trương vào năm 2009, làng Hogewey gồm 30 ngôi nhà gạch có đầy đủ tiện nghi nằm trong một khu vực rộng 16.000 m2. Mỗi ngôi nhà có 6 đến 7 cư dân, họ có những sở thích và nền tảng xã hội tương đối giống nhau. Nhà ở được thiết kế đặc biệt, phản ánh lối sống của từng nhóm, như bố trí hệ thống nghe nhạc khác nhau, thiết kế nội thất khác nhau, thực phẩm khác nhau và ngay cả cách sắp đặt bàn ghế cũng khác.  

Cư dân tự chọn lịch trình cho các bữa ăn và hoạt động hằng ngày của chính họ. Một số người có thể chọn ăn trưa tại quán cà phê hay nhà hàng của làng. Những người khác có thể chọn được phục vụ ở nhà.

Mỗi tháng, cư dân được phát một số tiền giả để sử dụng tại các siêu thị của làng hoặc tại các nhà hàng. Đôi khi cũng có người vào siêu thị chọn hàng và đi ra, không phải trả loại tiền này và cũng không ai đòi tiền họ. Tiền giả chỉ để cho những cư dân mất trí nghĩ rằng họ đang có một cuộc sống bình thường mà thôi.   

Lợi ích tâm lý của việc sống một cuộc sống hạnh phúc và hài lòng về sức khỏe thể chất là vô cùng lớn. Các cư dân tại Hogewey ít dùng thuốc, ăn ngon hơn, sống lâu hơn và vui vẻ hơn so với những người trong các cơ sở chăm sóc người già tiêu chuẩn.

Có phải lừa dối? 

Cư dân làng có thể chọn ăn trưa ở nơi nào họ thích.
Cư dân làng có thể chọn ăn trưa ở nơi nào họ thích.

Tuy nhiên, sáng kiến mới lạ này vẫn đối mặt với sự chỉ trích của một số người. Họ đặt vấn đề là liệu có vi phạm đạo đức không, khi cố tình lừa dối những người cao tuổi dễ bị tổn thương, bằng cách tạo ra một xã hội hoàn hảo đầy giả tạo?

Nhưng những người ủng hộ các “làng mất trí” cho rằng, không có hại gì trong việc vận dụng lòng nhân từ. Mặc dù, cư dân sống trong ảo tưởng về sự bình thường và độc lập, nhưng họ có vẻ bình tĩnh, cân bằng. Đó là điều quan trọng mà các ngôi làng đặc biệt này hướng đến.

Một bài báo của các nhà nghiên cứu Đức đã viết: “Cho dù các cuộc bàn cãi về đạo đức vẫn đang diễn ra, nhưng chúng tôi tin rằng điều quan trọng nhất là mô hình này đã đáp ứng nhu cầu của mọi người.

Nếu các ngôi làng kể trên đạt hiệu quả giúp người bệnh độc lập, tự chịu trách nhiệm, kiểm soát bản thân thì đây có thể là phương pháp tốt để theo”.

“Không có gì giả tạo về Hogewey” - Megan Strickfaden, một nhà nhân chủng học tại Đại học Alberta, Canada, cũng đồng ý với nhận định trên - “Đây là không gian để mọi người sống giống như mọi không gian khác. Cư dân có quyền vào các cửa hàng tạp hóa, được sinh hoạt ở không gian công cộng và riêng tư như ở bất kỳ thành phố hay thị trấn nào. Chẳng có lừa dối gì ở đây. Có chăng là cách làm để những người mất trí nhớ nghĩ mình đang có một cuộc sống bình thường”.

Theo Amusingplanet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ