Làn sóng chỉ trích phát biểu của Donald Trump trước Đại hội đồng LHQ

GD&TĐ - Sau phát biểu đe dọa “xóa sổ Triều Tiên” cũng như thỏa thuận hạt nhân với Iran trong phát biểu lần đầu tiên trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhận phải làn sóng chỉ trích của rất nhiều lãnh đạo hàng đầu thế giới, kể cả những nhân vật có ảnh hưởng lớn như Thủ tướng Đức Angela Merkel hay Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Làn sóng chỉ trích phát biểu  của Donald Trump trước Đại hội đồng LHQ

Các đồng minh phương Tây cũng bất bình

Sau phát biểu của ông Donald Trump trước Đại hội đồng LHQ ngày 19/9 với những ngôn từ được coi là hiếu chiến và thiếu chuẩn mực, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có phản hồi khá quyết liệt. Bà nói Đức và Mỹ không đồng ý về cách giải quyết cuộc đối đầu với Triều Tiên và lên án lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên nếu Mỹ bị đe dọa.

Bà Merkel, người dự kiến sẽ giành được nhiệm kỳ Thủ tướng thứ tư trong cuộc bầu cử vào Chủ nhật, nói các biện pháp chế tài và ngoại giao là cách duy nhất để đưa quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân này trở lại bàn đàm phán. “Tôi chống lại những lời đe dọa như vậy”, bà Merkel nói với Đài phát thanh truyền hình Deutsche Welle khi được hỏi về những phát biểu của ông Trump.

“Chúng tôi xem bất kỳ hình thức giải pháp quân sự nào là hoàn toàn không phù hợp và chúng tôi kiên quyết theo đuổi một giải pháp ngoại giao” - bà nói thêm – “Theo quan điểm của tôi, các biện pháp chế tài và việc thi hành chúng là câu trả lời đúng đắn. Nhưng tôi xem mọi thứ khác liên quan đến Triều Tiên là sai”.

Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron quan tâm đến thỏa thuận hạt nhân với Iran mà ông Donald Trump gọi là “một sai lầm”. Cụ thể ông Macron đã lên tiếng bảo vệ thỏa ước hạt nhân đã ký kết với Iran, chỉ trích ông Trump, lên án những người không tôn trọng thỏa ước này là vô trách nhiệm.

Macron cho biết, ông đã nói rõ nhận định nêu trên khi gặp ông Trump và Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 18/9. Cũng tại tổng hành dinh LHQ vào ngày 19/9, một nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ tuyên bố rằng thoả ước vũ khí hạt nhân của Iran phải thay đổi để Hoa Kỳ có thể tiếp tục ở lại. Viên chức trên cho rằng thỏa ước này phải nới lỏng những điều kiện hạn chế của chương trình hạt nhân của Iran đã được ký kết.

Trước đó, tuyên bố tại phiên họp thường niên của Đại hội đồng LHQ, ông Trump tố cáo Iran gây bạo động và hỗn loạn chết người khi tìm cách gây ảnh hưởng tại Yemen, Syria và nhiều nơi khác trong vùng đang xảy ra các cuộc xung đột sắc tộc giữa người Hồi giáo Shiite và Sunni. Tổng thống Trump chỉ trích thỏa ước đã được Iran và 6 siêu cường quốc thế giới ký kết năm 2015, buộc Tehran phải hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng lệnh cấm vận. Ngoại trưởng của chính phủ Trump, ông Rex Tillerson còn đi xa hơn khi nói rằng thỏa ước này cần được thay đổi hoặc Hoa Kỳ phải rút lui.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp ca ngợi thỏa ước này, và nói nước Pháp không rút khỏi thoả ước hạt nhân đã ký kết với Iran. Macron và những người ủng hộ cho rằng huỷ bỏ thỏa ước trên chẳng khác nào làm sục sôi thùng thuốc súng đang chực nổ và làm suy yếu mọi nỗ lực đưa Bắc Hàn ngồi vào bàn thương lượng về chương trình hạt nhân của họ.

“Đối thủ” càng thêm cương quyết

“Tôi cho rằng bài phát biểu của Trump rất đen tối, nguy hiểm và không phải loại thông điệp nhà lãnh đạo của quốc gia vĩ đại nhất trên thế giới nên đưa ra” - Times dẫn phát biểu của bà Hillary Clinton trong chương trình The Late Show tối 19/9 cho biết.

Theo bà Hillary Clinton, trong chính trị, yếu tố ngoại giao nên luôn được đặt lên đầu. “Bạn nên dẫn dắt bằng ngoại giao và cam kết cố tránh xung đột đến mức có thể”, Clinton nói. Bà lấy ví dụ Trump lẽ ra phải nhấn mạnh vào việc các nước hợp tác để ngăn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, thay vì gọi nhà lãnh đạo Kim Jong-un là “người tên lửa”.

Về phía các quốc gia bị ông Trump nêu đích danh, đều đã có những phản hồi gay gắt, nhất là Triều Tiên, Iran, Cuba và Venezuela. Với các đáp trả quen thuộc, Triều Tiên tuyên bố “không sợ Mỹ” và sẽ cho nước này “nếm mùi đau khổ”. Còn Iran nhẹ nhàng hơn nhưng không kém phần cương quyết khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu trong phiên họp của Đại hội đồng LHQ ngày 20/9. Tại đây, ông tuyên bố cam kết sẽ không phải là bên vi phạm thỏa thuận hạt nhân trước và không trông đợi Mỹ từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran cho dù Tổng thống Donald Trump có những lời chỉ trích gay gắt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ