Kỳ III: Buôn bán nội tạng – Những thực tế rùng rợn

GD&TĐ - Năm 2013, một trong những bệnh viện lớn nhất ở Swaziland đã vướng phải một vụ tai tiếng ầm ĩ. Nhân viên Bệnh viện Raleigh Fitkin Memorial bị cáo buộc đã điều hành một thị trường đen chuyên buôn bán nội tạng cho khách hàng từ một số nước láng giềng.

Kỳ III: Buôn bán nội tạng – Những thực tế rùng rợn

“Phép thuật” chợ đen

Điều đặc biệt là các phi vụ buôn bán nội tạng này được thực hiện để phục vụ cho một phương pháp y học truyền thống vùng Hạ Sahara, được gọi là muti, nghĩa là “phép thuật”. Phương pháp này dùng các bộ phận cơ thể người để sử dụng trong các bình thuốc truyền thống.

“Phép thuật” muti là biện pháp quyền năng nhất khi sử dụng các bộ phận cơ thể mới được lấy, và mặc dù đôi khi có những vụ giết người do thực hành muti, thì các vụ việc này đều không bị phát hiện.

Nhà xác Bệnh viện Raleigh Fitkin Memorial đã bán các bộ phận lấy cắp từ xác bệnh nhân để phục vụ cho nhu cầu đặc biệt này ở địa phương. Một bộ não người có giá khoảng 1.000 R, các bộ phận khác, từ nội tạng đến mỡ cơ thể, có giá từ 400 đến 1.000R.

Việc bán bộ phận cơ thể của người chết bị một số thầy lang chữa bệnh theo phương pháp truyền thống chỉ trích là phi đạo đức. “Vì sao ma cà rồng chỉ uống máu tươi của người đang sống? Là vì nó cũng giống với muti, luôn cần những bộ phận cơ thể tươi mới.

Nhiều kẻ đã nhẫn tâm cắt đứt cuộc sống của bệnh nhân trong khi bản thân họ vẫn đang chiến đấu chống lại cái chết”, thầy lang Charles Mngomezulu nói. Cũng theo thầy lang này, nhiều khách hàng Nam Phi đã tới Swaziland để thu mua bộ phận cơ thể người. Mặt khác, nhiều “chuyến hàng” chở bộ phận cơ thể người cũng được vận chuyển qua biên giới tới cho khách hàng Nam Phi.

Kể từ khi vụ việc vỡ lở, thu hút sự chú ý của công luận, các nhân viên bệnh viện này được cho là đã lấy các bộ phận cơ thể từ những bệnh nhân mới qua đời và bán để sử dụng trong việc sản xuất kem, thuốc và một số sản phẩm khác. Nhu cầu các bộ phận cơ thể còn tươi mới ở khu vực này cũng dẫn đến tình trạng gia tăng các vụ cướp mộ để lấy mắt, tay và cơ quan sinh dục ngoài.

Mô hình Iran

Thị trường cấy ghép nội tạng ngày càng trở nên phức tạp hơn. Nhóm những người dễ tổn thương như người nghèo, các cộng đồng nông thôn, dân tộc ít người… thường trở thành đối tượng bị lợi dụng. Nhiều người bị sát hại, những ngôi mộ mới bị cướp. Nhiều nguy cơ xảy đến với người hiến tạng và người nhận…

Đó cũng là những lý do để nhiều người biện hộ cho cái gọi là “mô hình” Iran. Cách đây khoảng 30 năm, số lượng người mắc các bệnh liên quan đến thận tăng vọt ở Iran. Việc điều trị thường bế tắc, giá thành tăng vọt khiến chính phủ bắt đầu trả tiền cho việc hiến thận và phẫu thuật ở nước ngoài.

Chương trình này cũng có chút thành công, khi số bệnh nhân thận giảm, nhưng giá vẫn tăng không ngừng. Vì thế, chính phủ Iran đã thành lập dịch vụ hiến tạng với các trung tâm đặt khắp Iran. Tiếp sau đó, các điều luật được chỉnh sửa để cho phép những người không cùng huyết thống hiến tặng mà không được biết nội tạng mà mình hiến tặng sẽ được cung cấp cho ai.

Trong nhiều năm, việc hiến tặng tăng gấp đôi, phần lớn từ những người hiến tặng không liên quan. Đổi lại, họ nhận được tiền và bảo hiểm y tế miễn phí. Việc chăm sóc sau phẫu thuật được cải thiện cho tất cả mọi người.

Chính phủ Iran cũng nỗ lực ngăn chặn khách du lịch để cấy ghép tạng bằng cách cấm người nước ngoài đến nhận thận ở Iran, mặt khác, chỉ cho phép những người tị nạn và nhóm những người dễ tổn thương được hiến tặng trong cộng đồng của mình, đồng thời nghiêm cấm bất cứ dạng chi trả nào cho bệnh viện hay người trung gian.

(Còn tiếp)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ