Khốn khó “vương triều”

GD&TĐ - Chính phủ Thái Lan đang phải ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm ngăn làn sóng biểu tình đang lên đỉnh điểm sau 3 tháng dai dẳng.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Người dân nước này xuống đường thường xuyên trong các năm qua nhưng đây là lần đầu tiên họ phản đối cả hoàng gia vốn là trung tâm hòa giải của đất nước.

Mặc dù cùng hứng chịu đại dịch Covid-19 như các nước láng giềng Đông Nam Á khác, nhưng suốt 3 tháng qua làn sóng biểu tình đông người vẫn ngày càng leo thang tại Thái Lan.

Họ dựng trại bên ngoài tòa nhà chính phủ để đòi Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha phải từ chức. Biểu tình đột ngột dữ dội hôm 14/10 khi hàng chục nghìn người mặc áo đen tuần hành ở Bangkok để vừa kêu gọi thủ tướng ra đi vừa yêu cầu cải cách hoàng gia.

Những người biểu tình mặc áo đen đã vượt qua điều cấm kỵ ở Thái Lan trong nhiều thập kỷ qua khi chĩa mũi dùi trực tiếp vào nhà vua. Họ đòi có hiến pháp mới để giảm bớt quyền lực của vua Maha Vajiralongkorn.

Đúng lúc căng thẳng dâng cao thì đoàn xe chở ông xuất hiện trên đường phố Bangkok. Dịp hiếm hoi người dân được nhìn thấy ông sau thời gian dài sống ở nước ngoài này như động thái đổ thêm dầu vào ngọn lửa biểu tình. 

Đoàn xe của nhà vua đã đối mặt với một đám đông hò hét quá khích, một hình ảnh rất hiếm thấy tại đất nước vốn có sự tôn sùng hoàng gia như Thái Lan. Những người mặc áo vàng ủng hộ hoàng gia cũng xuất hiện để chào đón nhà vua và họ đã lao vào phe biểu tình áo đen, đẩy căng thẳng trên đường phố Bangkok dâng cao.

Đây là giọt nước làm tràn ly khiến chính phủ Thái Lan phải ban bố tình trạng khẩn cấp có hiệu lực từ sáng 15/10, trong đó cấm hoạt động tụ tập từ 5 người trở lên tại Bangkok và chính quyền sẽ chỉ định các khu vực không cho phép người dân xâm phạm dưới mọi hình thức.

Trong khi đó, một trong những chủ đề nhạy cảm nhất tại Thái Lan cũng được người biểu tình đòi phải minh bạch là hoạt động chi tiêu tài chính của hoàng gia. Toàn bộ khối tải sản ước tính lên tới 40 tỷ USD của hoàng gia Thái Lan được chuyển sang sở hữu cá nhân của vua Maha Vajiralongkorn từ năm 2018 và ông có toàn quyền quyết định số tài sản này.

Cha ông là cố quốc vương Bhumibol Adulyadej trị vì suốt 70 năm và được người dân Thái Lan hết mực sùng kính. Nhưng khi ông lên kế vị thì không còn giữ được hình ảnh yêu mến của người dân với hoàng gia như phụ thân, do ông chủ yếu sống ở nước ngoài và có nhiều hành động lập dị so với chuẩn mực.

Ngay cả khi đã lên ngôi, vua Maha Vajiralongkorn vẫn dành chủ yếu thời gian sinh sống tại vùng Bavaria của Đức.

Chính Ngoại trưởng Đức Heiko Maas hồi đầu tháng này cũng đã công khai bày tỏ quan điểm rằng, nhà vua Thái Lan không nên điều hành đất nước khi đang ở trên đất Đức vì điều này có thể trái luật của nước sở tại. Tuy nhiên, hiến pháp Thái Lan lại cho phép nhà vua điều hành đất nước từ nước ngoài và đây chính là điều mà người biểu tình muốn xóa bỏ. 

Giữa bối cảnh đại dịch đang lây lan khắp thế giới và làm tê liệt ngành du lịch quan trọng của Thái Lan, hàng chục nghìn người vẫn miệt mài xuống đường đòi hạn chế quyền lực của nhà vua, một điều cấm kỵ tại Thái Lan suốt nhiều thập kỷ qua. Làn sóng này đang đặt chính phủ và hoàng gia nước này trước thách thức lớn nhất kể từ năm 2014, khi tướng Prayuth Chan-o-cha lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ