Khi công nghệ thông tin nhuốm màu chính trị

GD&TĐ - Bị Mỹ dồn vào đường cùng, hãng Huawei của Trung Quốc đã tìm thấy Aurora (Rạng đông) của Nga - một hệ điều hành tương đương với Android. Chưa hết, vào giữa tuần trước, Huawei bắt tay với Rostelecom của Nga để xây dựng mạng 5G. Theo các nhà phân tích, cái bắt tay của Huawei và Rostelecom đã chia đôi thị phần  Internet và rất có thể sẽ đẩy CNTT của Mỹ xuống hàng tụt hậu.

Đại diện của Huawei và Rostelecom bắt tay phát triển 5G ở Nga với sự chứng kiến của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga V.Putin. Ảnh: AFP
Đại diện của Huawei và Rostelecom bắt tay phát triển 5G ở Nga với sự chứng kiến của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga V.Putin. Ảnh: AFP

Cái bắt tay lịch sử

Sự chuyển đổi của điện thoại thông minh Huawei sang hệ điều hành của Nga đã được Bộ trưởng Bộ Phát triển và Truyền thông kỹ thuật số của Nga Konstantin Noskov và Giám đốc điều hành Huawei Guo Ping thảo luận trước Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg. Những người tham gia đối thoại giữa các bên cho biết, vấn đề này cũng được đưa ra trong các cuộc họp gần đây của Tổng thống Nga V.Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Theo một quan chức liên bang (giấu tên), ngoài khả năng cài đặt Aurora trên điện thoại thông minh Huawei, các cuộc đàm phán cũng đang được tổ chức để nội địa hóa việc sản xuất chip và phần mềm của công ty Trung Quốc ở Nga.

Aurora dựa trên hệ điều hành Sailfish của Phần Lan, được tạo ra bởi Công ty Jolla. Công ty này được thành lập bởi những người cũ của Nokia và vào năm 2014 thuộc đồng sở hữu bởi người sáng lập của Tập đoàn ECH của Grigory Berezkin.

Hệ điều hành Sailfish dựa trên các dự án nguồn mở (phần mềm mà người dùng có thể cài đặt và “chạy” không hạn chế, cũng như tự do sử dụng, nghiên cứu, phân phối và thay đổi) và bao gồm các thành phần có mã nguồn đóng (chủ bản quyền vẫn giữ độc quyền khi sử dụng, sao chép và sửa đổi).

Vào tháng 3/2018, 75% cổ phần của công ty đã được Rostelecom mua lại và đổi tên phiên bản hệ điều hành thành Aurora.

Theo “Kommersant”, từ năm 2019, các quan chức chính phủ, nhân viên nhà nước và nhân viên công ty nhà nước của Nga đều kết nối điện thoại với hệ điều hành Aurora.

Còn nhớ, vào tháng 5/2019, mạng tìm kiếm Google của Mỹ đã từ chối cung cấp phần mềm cho điện thoại thông minh Huawei. Sau đó, Google thông báo rằng các bản cập nhật cho các tiện ích này sẽ chỉ được sử dụng trong 90 ngày theo sự cho phép tạm thời của chính quyền Mỹ.

Giấy phép này sẽ hết hạn vào tháng 8 tới. Điều này được áp dụng cho tất cả các điện thoại thông minh Huawei, kể cả những điện thoại chưa được lắp ráp hoặc phân phối ra thị trường.

Vào ngày 7/6, Facebook đã cấm cài đặt trước ứng dụng của họ trên điện thoại thông minh Huawei, cũng như mạng xã hội Instagram và trình nhắn tin WhatsApp.

Mỹ loại mình ra khỏi cuộc đua?

Các tập đoàn CNTT của Mỹ đã đưa ra dự báo rằng liên minh Moscow và Bắc Kinh trong lĩnh vực 5G sẽ dẫn đến sự phân chia không gian Internet toàn cầu.

Theo truyền thông Mỹ, thế giới đang chuyển sang giai đoạn phát triển mới của công nghệ và truyền thông Internet. Và trong giai đoạn này, Nga - nước không được coi là thế lực công nghệ, có thể vươn lên dẫn đầu. Một câu hỏi được đặt ra rằng tại sao việc từ chối công nghệ Huawei sẽ biến Hoa Kỳ thành kẻ ngoài cuộc?

Vào hôm thứ Sáu (8/6), Giám đốc điều hành Google Eric Schmidt khẳng định, cái bắt tay của Huawei và Rostelecom trong việc xây dựng mạng 5G sẽ là cơ sở để chia World Wide Web thành hai phe: Internet dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc và Internet thuộc sở hữu của Mỹ.

Hiện tại, Huawei đang đi trước Mỹ trên con đường phát triển rộng rãi 5G. Một số chuyên gia lo ngại rằng, cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh sẽ làm chậm sự phát triển của công nghệ Mỹ - CNN trích lời ông Schmidt.

Cũng vào 8/6, lấy 3 nguồn tin từ Google, tờ The Financial Times cảnh báo chính phủ Mỹ về những rủi ro có thể phát sinh đối với an ninh quốc gia nếu các biện pháp trừng phạt chống lại Huawei không được dỡ bỏ. Theo The Financial Times, vấn đề chính của Google là mối đe dọa từ việc phát triển một phiên bản phần mềm riêng của công ty Trung Quốc. Điều này sẽ khiến Android dễ bị tin tặc tấn công hơn.

“Google tin rằng việc đình chỉ hợp tác với Huawei là nguy hiểm đối với Mỹ vì khả năng tạo ra hai hệ điều hành Android: Bản gốc và bản sao của nó”, TASS bình luận.

Nhìn chung, Google lo ngại rằng sự hợp tác của Huawei với Nga đang làm trầm trọng thêm sự chia rẽ trên mạng toàn cầu, có thể ra đời một đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ cho ngành CNTT của Mỹ.

Tuy nhiên, ông Alexander Baranov, Trưởng Bộ môn An toàn Thông tin tại Trường Đại học Kinh tế, Viện sĩ Học viện Mật mã Liên bang Nga khẳng định, gã khổng lồ tìm kiếm không sợ sự xuất hiện của một hệ điều hành mà một sinh viên năm thứ 3 Khoa Toán học tính toán của Đại học Quốc gia Moscow cũng có thể viết được.

Trên thực tế, Google không muốn mất doanh thu từ việc hợp tác với công ty Trung Quốc, bởi giá trị chính không phải là bản thân hệ điều hành mà là các ứng dụng của nó. Mạng 5G của Trung Quốc vừa vượt trội về tính năng kỹ thuật, vừa rẻ. Đó là lý do chính mà trong vòng kìm hãm đến nghẹt thở của Mỹ, Huawei vẫn ký được 45 hợp đồng thương mại ở 30 quốc gia trên toàn thế giới.

Giờ đây, cái bắt tay lịch sử của Huawei với Rostelecom sẽ là thách thức không nhỏ đối với Mỹ trên mặt trận CNTT. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ