Kenya: Đằng sau sự bùng nổ của hệ thống trường tư

GD&TĐ - Ngày càng có nhiều người Kenya cho con cái vào học các trường tư thục, dẫn đến sự gia tăng số lượng trường ngoài công lập, cùng với việc tăng học phí và các khoản phí khác.

HS tiểu học của Trường Nova Pioneer, một trong những hệ thống GD tư thục lớn nhất Kenya, trong một giờ học
HS tiểu học của Trường Nova Pioneer, một trong những hệ thống GD tư thục lớn nhất Kenya, trong một giờ học

Gia tăng trường tư

Mặc dù GD cơ bản - cả tiểu học và trung học - thường được chính phủ trợ cấp miễn phí hoặc hỗ trợ phần lớn kinh phí, nhưng tầng lớp giàu có và trung lưu đang có xu hướng chuyển con cái sang học tại các tổ chức GD tư nhân, nơi thu phí từ 50.000 - 800.000 KES (Shilling Kenya, đơn vị tiền tệ của Kenya; 100 KES tương đương 1 USD - ND) một học kỳ.

Chính phủ Kenya đã giới thiệu hệ thống GD tiểu học miễn phí và bắt buộc vào năm 2003, phù hợp với sự thúc đẩy toàn cầu để loại bỏ tất cả chi phí, sau khi thông qua tuyên bố phổ biến về quyền con người vào năm 1948, cùng với tuyên bố GD là một trong những quyền cơ bản nhất.

Ở trung học, chính phủ đã miễn tất cả các khoản phí trong các trường học ban ngày, trong khi phụ huynh phải trả từ 50.000 - 75.000 KES hàng năm cho con em họ ở trường nội trú, tùy thuộc vào từng trường. Ngoài ra, HS còn được cấp SGK miễn phí, được chính phủ chăm sóc cơ sở hạ tầng, cung cấp đội ngũ giáo viên.

Tuy nhiên, bất chấp sự nỗ lực của chính phủ, nhiều phụ huynh sẵn sàng đi vay hoặc dành dụm để trả một khoản tiền đáng kể cho các trường học tư nhân.

Theo số liệu chính thức của Bộ GD Kenya, số trường tiểu học tư thục đã tăng từ 7.742 năm 2014 lên 16.594 trong năm nay. Trong khi đó, các trường tiểu học công lập chỉ tăng 1.728, từ 21.718 trong năm 2014 lên 23.446 hiện tại.

Xu hướng tương tư cũng xuất hiện tại các trường trung học, nơi các trường tư thục đã tăng gấp bốn lần - từ 1.048 trong năm 2014 lên 4.310 hiện tại. Các trường trung học công lập chỉ tăng 1.731, từ 7.686 năm 2014 lên 9.417 trong năm nay.

Không chỉ là sự lựa chọn của phụ huynh

Hầu hết các trường tư ở Kenya có chi phí cao, nhắm vào tầng lớp trung lưu trở lên - những người luôn mong muốn đầu tư cho con em mình để được theo học tại những tổ chức GD cung cấp chương trình giảng dạy nước ngoài.

TS Geoffrey Wango, một giảng viên GD tại ĐH Nairobi (một trong những trường ĐH lớn nhất Kenya - ND), nói rằng các bậc cha mẹ chọn cho con em theo học GD tư đơn giản là vì chất lượng cao hơn. Theo ông, các trường tư thục được trang bị tốt hơn, không bị ràng buộc bởi nguồn kinh phí hạn hẹp và luôn tắc nghẽn như những trường công, trong khi hầu hết đều được tổ chức và cấu trúc tốt. Mặt khác, sự bùng nổ dân số cũng khiến gia tăng nhu cầu về nơi học, điều mà chính phủ vẫn chưa thể đáp ứng hết.

TS Wanga cũng đổ lỗi cho sự thiếu hụt nhân viên trong các trường công, tinh thần giáo viên kém và sự vô kỷ luật học đường nói chung, vì sự bùng nổ sĩ số trong các trường công.

Theo ông Kahi Indimuli, Chủ tịch Hiệp hội Hiệu trưởng Trường Trung học Kenya, chính những bất cập ở các trường công đã tạo ra nhu cầu tăng cao ở các trường tư, nơi mà số HS được quản lý chặt chẽ, cơ sở vật chất hàng đầu và cơ cấu giáo viên/HS hợp lý với tỷ lệ 1:30, trong khi tỷ lệ này ở hầu hết trường công là 1:60. Với những lý do đó, không ngạc nhiên khi hệ thống trường tư ngày càng bùng nổ ở Kenya. 

Những nỗ lực của chính phủ nhằm giúp GD cơ bản có giá cả phải chăng cho hàng triệu phụ huynh đã được đền đáp, nhưng đã dẫn đến sự gia tăng tuyển sinh từ khoảng 5,3 triệu trong năm 2003 lên khoảng 8,8 triệu hiện tại. Đối với riêng bậc trung học, tuyển sinh đã tăng từ trung bình 800.000 đến 2,8 triệu từ năm 2004 đến nay. Tuy nhiên, dòng tiền này đã gây ra một chi phí rất lớn cho các trường học, hầu hết trong số đó đang vật lộn với khó khăn vì cơ sở hạ tầng không được cải tạo và mở rộng để phục vụ cho số HS gia tăng.

Theo số liệu của Ủy ban Dịch vụ Giáo viên, sự thiếu hụt giáo viên ở cả trường tiểu học và trung học là khoảng 60.000 nhân sự; trong khi những người ưu tú, có danh tiếng nhiều năm trong nghề lại được các trường tư hoặc những tổ chức GD có chi trả cao mời gọi. Theo ông Chris Chrisembemba, cựu Hiệu trưởng của Alliance High (một trường công có tiếng của Kenya), hiện là Giám đốc và đồng sáng lập của Học viện Nova Pioneer (một chuỗi trường học tư thục ở Kenya và cả Nam Phi), cho rằng các bậc cha mẹ đã suy nghĩ thấu đáo hơn và đang tận dụng các xu hướng toàn cầu hóa, cũng như có sẵn thông tin về các khóa học có thể được cung cấp, mang lại cho con cái họ một lợi thế trong thị trường việc làm tương lai, thông qua một môi trường học tập thích hợp.

Thay đổi sự đầu tư cho trường công

Trăn trở trước tình cảnh ảm đạm ở các trường công lập, Tổng thống Kenya, ông Uhuru Kenyatta, cho biết vào tuần trước rằng chính phủ sẽ chi thêm tiền vào các trường công, để đáp ứng đủ nhu cầu do số lượng HS tăng.

“Tôi không ngại trường học của chúng ta quá đông, bởi điều đó cho thấy trẻ em đang được học hành và không ai bị bỏ lại phía sau. Nhưng tôi sẽ đảm bảo rằng chúng ta có cơ sở hạ tầng phù hợp tại tất cả các trường công lập”, ông Kenyatta nói trong chuyến thăm Trường Trung học Mang"u, nơi đang vật lộn với sự bùng nổ sĩ số HS, từ khoảng 1.259 em năm 2015 lên 1.740 em trong năm nay.

Tổng thống Khaemba nói rằng, ông hy vọng sẽ thấy sự hài lòng của phụ huynh đối với các trường công lập được trang bị tốt hơn, bởi vì hàng triệu người Kenya không đủ khả năng đăng ký cho con em vào các trường tư. Ông cũng nhìn thẳng vào thực tế cơ sở vật chất quá kém cỏi của hệ thống trường công, khi chỉ trong ba năm qua, có tới hơn 100 trường công bị hỏa hoạn, phá hủy các ký túc xá, phòng ăn và những tòa nhà hành chính.

Sự hạn chế về nguồn kinh phí đầu tư là nguyên nhân lớn nhất khiến hệ thống trường công ở Kenya bị chỉ trích. Nhưng các chuyên gia cũng cho rằng mối quan hệ không tốt giữa giáo viên và HS cũng tạo ra sự hỗn loạn. Các chuyên gia cũng chỉ ra sự thất vọng và tra tấn tinh thần trong HS, do chất lượng GD thấp và cơ sở hạ tầng quá kém ở phần lớn trường công, dẫn đến sự quay lưng của người dân.

Theo Daily Nation

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh tỉnh Điện Biên hào hứng với trải nghiệm đẩy xe đạp thồ. Ảnh: Báo Điện Biên.

Xây dựng những 'đại sứ' lịch sử

GD&TĐ - Nhiều địa phương, trường học tổ chức các hoạt động giáo dục hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).