Iraq: Gian nan đường tới trường thời “hậu IS”

GD&TĐ - Những vụ giết người tập thể và phá huỷ hạ tầng chỉ là bề nổi hệ quả của thời kỳ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự phong (IS) kiểm soát Mosul. Trong những hệ quả vô hình, hàng chục nghìn học sinh tại tỉnh Nineveh và thủ phủ Mosul đã bỏ học trong 3 năm qua…

Iraq: Gian nan đường tới trường thời “hậu IS”

Những học sinh bị “gạt ra lề”

Wahid Akram, 20 tuổi, sống tại trại tị nạn khu vực Khazer, cách Mosul 50 km về phía Đông, tan vỡ giấc mơ trở thành bác sĩ sau khi IS chiếm Mosul hồi tháng 6/2014.

“Cháu học năm 3 THPT khi quân IS chiếm thành phố và cháu buộc phải nghỉ học 3 năm” - Akram, kể. Nhà của Akram đã bị phá huỷ hoàn toàn trong các cuộc giao tranh của quân chính phủ với IS.

Sau khi Mosul được giải phóng, Akram đã muốn trở lại trường nhưng không thể tiếp tục học do trường công không còn miễn học phí vì vượt quá giới hạn tuổi theo luật Iraq.

Akram chỉ có một lựa chọn duy nhất học lên cao đẳng, đại học: Ôn luyện và đóng khoảng 50.000 dinar (40 USD) đăng ký một kỳ thi đặc biệt dành cho học sinh đã nghỉ học.

“Cháu buộc phải bán một phần thực phẩm nhận được từ các tổ chức cứu trợ nhân đạo tại khu trại tị nạn để có tiền đăng ký kỳ thi” - Akram cho biết.

Hiện tại, cậu bé tham dự các lớp học không chính thức tại một trường mở bởi cơ quan nhân đạo Na Uy tại khu trại để chuẩn bị cho kỳ thi này.

“Cháu thích đọc và sẽ tiếp tục học bất chấp những trở ngại này. Cháu sẽ vào học trường Cao đẳng Y để giúp mọi người có cuộc sống tốt hơn cháu và gia đình” - Akram bày tỏ quyết tâm đạt kết quả cao.

Chờ một điều luật “ngoại lệ”

Giống như Akram, có hàng trăm, thậm chí chục nghìn học sinh tại những thành phố và thị trấn khác đang khó đi học trở lại bởi sự sao nhãng của chính phủ Iraq.

Um Ahmed, mẹ của một học sinh là Abdullah Mohammed đang học lớp 6 năm 2014 thì việc học dang dở vì IS chiếm Mosul ngay trước kỳ thi tốt nghiệp, buồn bã kể: “Thằng bé học giỏi nhất lớp. Nếu không có những kẻ khủng bố, nó sẽ phấn đấu học lên Cao đẳng Y và tôi sẽ tự hào khi có con là bác sĩ”.

Seham Mohammed cũng bị tước đi quyền học tập. Cô bé nghỉ học năm lớp 6 tiểu học sau khi phiến quân áp đặt luật đeo khăn trùm đầu với phụ nữ, bao gồm cả các bé gái; sách giáo khoa mới do IS ban hành thì rao giảng bạo lực và li khai.

“Mặc dù cháu và gia đình là người tị nạn trong trại này, cháu quyết tiếp tục theo đuổi học tập để biến ước mở trở thành giáo viên thành sự thực” - Seham chia sẻ.

Tại trại tị nạn Khazer, Abdullah Younis, hiệu trưởng một trường học được mở bởi Ủy ban Tị nạn Na Uy, cho biết trường mở cửa trong những ngày làm việc dạy học sinh từ tiểu học đến trung học để giúp trẻ không bị đứt quãng việc học tập.

Trường của Younis cũng chú trọng tới hỗ trợ tâm lí cho học sinh để giúp quên đi thời kì đen tối dưới thời IS.

“Chúng tôi đẩy mạnh thể thao, vẽ và các hoạt động văn hóa khác. Nếu phát hiện ra học sinh có năng khiếu, chúng tôi sẽ hỗ trợ tích cực. Chúng đang cố gắng mang đến bầu không khí thoải mái cho học sinh để giúp các em quên đi cuộc sống súng đạn, chết chóc thời IS” - Younis nói.

Hussein al-Jubouri, thanh tra GD Bộ Giáo dục Iraq cho rằng Quốc hội cần ban hành luật ngoại lệ cho đối tượng học sinh nghỉ học do thành phố và thị trấn của các em rơi vào tay IS.

“Bộ Giáo dục không có quyền ban hành luật” - Juouri giải thích.

Thống kê không chính thức cho thấy, 7.600 trường học tại khu vực IS kiểm soát tại các tỉnh Nineveh, Salahudin, Kirkuk, Diyala và Anbar bị phá hủy và cần sửa chữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.