Indonesia: Chìa khóa giải quyết bất bình đẳng trong giáo dục

GD&TĐ - Năm 2002, Hiến pháp của Indonesia đã được sửa đổi để bắt buộc chính quyền trung ương và địa phương dành ít nhất 20% ngân sách cho GD. Điều này đã giúp cải thiện khả năng tiếp cận GD cho người học. Tuy nhiên, khoảng cách về sự tham gia của nhà trường, cũng như chất lượng GD giữa các khu vực, hay giữa các nhóm kinh tế - xã hội khác nhau, vẫn còn khá lớn.

HS một trường THCS ở Surakarta, Trung Java, tham dự kỳ thi quốc gia dựa trên máy tính trong năm học 2017 - 2018
HS một trường THCS ở Surakarta, Trung Java, tham dự kỳ thi quốc gia dựa trên máy tính trong năm học 2017 - 2018

Nguyên nhân dẫn đến bất bình đẳng

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, tư nhân hóa GD đang ngày càng gia tăng ở Indonesia, qua đó giúp cho HS, SV đến từ các gia đình giàu có nhiều cơ hội GD hơn so với những người đến từ các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình.

Điều kiện kinh tế giữa các vùng miền cũng là sự khác biệt lớn. Khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ là một trong những điều kiện cần thiết để giảm bất bình đẳng trong GD, khi mà cơ sở hạ tầng vật chất cũng như mạng lưới kết nối

Internet ở các vùng xa, nhất là vùng nông thôn, kém xa các đô thị trung tâm.

Mặt khác, ở Indonesia, cũng như ở các nước đang phát triển khác, có mối lo ngại kéo dài về việc “thực dân hóa thực tiễn sư phạm”, trong đó, “những kiến thức có giá trị” là do “các nhà sản xuất tri thức” nước ngoài “sản xuất”. Đó là các học giả đến từ các quốc gia phát triển, được các quốc gia kém phát triển hơn học hỏi và áp dụng vào nền GD của quốc gia mình. Một tư duy như vậy cũng được phản ánh trong sự lo ngại của các nhà GD ở Indonesia đối với các thang bậc trên những bảng xếp hạng quốc tế, như Chương trình Đánh giá Sinh viên quốc tế (PISA). Việc có được vị trí cao trên các bảng xếp hạng quốc tế như thế này là cần thiết để phản ánh vị trí của nền GD đối với thế giới, nhưng dường như ở Indonesia, các nhà quản lý lại chú ý rất ít đến sự bất bình đẳng trong GD.

Với sự chú ý ngày càng tăng về khả năng tiếp cận và chi phí GD tại nhà, cũng như việc cung cấp (và cả “sản xuất”) tri thức không đồng đều của hệ thống GD, khái niệm GD mở (OE) đưa ra một phương thức cho phép người học tiếp cận GD và tiếp nhận kiến thức công bằng hơn. Nó khuyến khích các tài nguyên GD được cấp phép mở (tài nguyên GD mở / OER) cho phép sử dụng miễn phí, sửa đổi và tái sử dụng.

Đảm bảo GD thuộc về cộng đồng

Mục đích của OE là đảm bảo GD thuộc về cộng đồng, khiến những người có trách nhiệm (các nhà quản trị xã hội, quản lý GD và hoạt động GD) phải hình dung lại những giá trị cơ bản của các hoạt động GD nên có; làm thế nào để những giá trị cơ bản ấy có thể giải quyết việc gia tăng áp lực để làm nâng cao và tạo ra hiệu suất, kết quả học tập, năng lực và các ý tưởng sáng tạo khác; làm thế nào để có thể hỗ trợ những người không có quyền truy cập chính thức vào GD và cho phép học tập suốt đời; làm thế nào có thể truy cập và được thiết kế để kết hợp các dạng kiến thức hay những yêu cầu đa dạng khác về tri thức.

Bằng cách khuyến khích hợp tác sáng tạo và sử dụng các tài nguyên GD, OE cho phép người học tham gia vào việc lựa chọn và điều chỉnh các tài liệu học tập. Theo đó, OE tạo ra một không gian GD không chỉ gói gọn trong phạm vi trường học hay các tổ chức GD, với sự hỗ trợ của các tài nguyên GD phù hợp nhu cầu và điều kiện học tập của HS, SV.

Việc sử dụng các tài nguyên kiến thức mở khá đa dạng và linh hoạt. Chẳng hạn một số tổ chức GD có thể sử dụng trang Từ điển Bách khoa mở Wikipedia như một trong những công cụ để đánh giá kỹ năng nghiên cứu và trình bày bài luận của SV, khi họ xác định lỗ hổng kiến thức trong các trang Wikipedia hiện có và góp phần cải thiện chúng. Hoặc làm thế nào OE có thể kết nối những trải nghiệm của HS trong lớp học với trải nghiệm cộng đồng rộng lớn hơn, bằng cách khuyến khích cung cấp nhiều hơn và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng để bổ sung thêm vào hệ thống kiến thức mang đến cho người học (bao gồm cả kiến thức bản địa), chứ không phải chỉ trông chờ vào các tài liệu học tập được cơ quan quản lý GD hay địa phương cung cấp.

Chuyển động

Những trao đổi xung quanh OE đang ngày càng lan rộng ở Indonesia. Các học giả, những người viết sách, giáo viên lên tiếng ủng hộ OE, cũng rất đa dạng về nơi cư trú và điều kiện xã hội. Khi trao đổi về OE, họ thường thảo luận những giải pháp để giải quyết các thách thức trong GD, trong khi cùng điều tra các hình thức loại trừ để tính toán hiệu quả giải quyết bất bình đẳng, thậm chí cân nhắc cả khả năng bất bình đẳng có thể hình thành hoặc trở nên trầm trọng hơn khi những giải pháp đưa ra được áp dụng một cách cứng nhắc.

Ở Indonesia, OE đang ở giai đoạn ban đầu, với rất nhiều khó khăn để có thể mở rộng, do thiếu chính sách hỗ trợ và cơ sở hạ tầng không đồng bộ; chưa kể cả việc phổ biến cách nhìn nhận, lý giải chưa đúng, chưa đủ về OER, khiến những tài liệu GD và khóa học trực tuyến miễn phí rất hạn chế.

Theo kiến nghị của các học giả, nhà viết sách và giáo viên, các chính sách của quốc gia và ngành GD nên khuyến khích áp dụng rộng rãi, hiệu quả các hoạt động OE ở tất cả các cấp GD; biến nó thành yêu cầu bắt buộc trong những gói tài chính khi cân nhắc tài trợ cho những tài liệu học tập được xuất bản ở định dạng truy cập mở; khuyến khích OER và ưu tiên khai thác thương mại (xây dựng hệ thống tài nguyên học tập mở có trả phí song song với miễn phí, theo nhu cầu cần nâng cao của người học) để giúp thu hẹp khoảng cách trong GD.

Ngoài ra, các ý kiến cũng kiến nghị chính phủ cung cấp hỗ trợ cho việc phát minh ra các giải pháp để truy cập OER ở các khu vực có kết nối Internet kém, nhằm tránh tái tạo sự bất bình đẳng GD do rào cản về kỹ thuật số. Đặc biệt, việc xây dựng chính sách trên OE nên mở rộng đối với nhiều thành phần trong xã hội, ở các lĩnh vực khác nhau, thay vì chỉ tập trung “giới tinh hoa GD” như lâu nay.

Theo The Jakarta Post

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...