“Gột rửa” nguồn gốc của đại dịch

GD&TĐ - Gần một năm sau khi ca mắc Covid-19 đầu tiên được ghi nhận ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc dường như đang đẩy mạnh chiến dịch nhằm thay đổi về nguồn gốc của đại dịch.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Một trong những “bước đi” đầu tiên của Trung Quốc là đưa tin mạnh mẽ về việc, Covid-19 được phát hiện trên bao bì của thực phẩm nhập khẩu đông lạnh trước tháng 12/2019. Trong một bài đăng trên Facebook, tờ People’s Daily tuyên bố, “tất cả bằng chứng hiện có đều cho thấy, Covid-19 không bắt đầu ở Vũ Hán”.

“Vũ Hán là nơi đầu tiên phát hiện ra Covid-19, nhưng không phải là nơi khởi phát”, Tăng Quang - người từng là trưởng nhóm dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc cho biết. 

Trong khi đó, ông Triệu Lập Kiên - quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu: “Dù Trung Quốc là quốc gia đầu tiên báo cáo các trường hợp mắc Covid-19, nhưng điều đó không có nghĩa là virus bắt nguồn từ Trung Quốc”.

Các nhà khoa học Trung Quốc thậm chí đã gửi một bài báo tới Lancet với tuyên bố, Vũ Hán không phải là nơi xảy ra sự lây truyền SARS-CoV-2 từ người sang người lần đầu tiên. Thay vào đó, các nhà khoa học nhận định, trường hợp đầu tiên có thể là ở “tiểu lục địa Ấn Độ”.

Tuy nhiên, “bỏ ngoài tai” những khẳng định này, các nhà khoa học phương Tây cho rằng, việc Covid-19 bắt nguồn từ khu vực ngoài Trung Quốc là điều không thuyết phục. Michael Ryan - Giám đốc Chương trình Cấp cứu sức khỏe tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, sẽ là sự nghi ngại khi lập luận rằng, căn bệnh này không khởi phát từ Trung Quốc. 

Đồng quan điểm, Giáo sư Jonathan Stoye - nhà virus học tại Viện Francis Crick ở London, nói: “Điều có vẻ chắc chắn là những trường hợp đầu tiên được ghi nhận mắc bệnh là ở Trung Quốc. Do đó, nhiều khả năng là virus có nguồn gốc từ Trung Quốc”.

Và, trong khi dấu vết của Covid-19 được tìm thấy trên bao bì thực phẩm đông lạnh, các nhà khoa học cho rằng, nguy cơ lây nhiễm là rất thấp.

Trước bối cảnh thiệt hại về người và kinh tế bởi đại dịch ngày càng tăng, Bắc Kinh được cho là đang muốn bảo vệ danh tiếng, cả trong và ngoài nước. Kể từ khi phục hồi sau sự tàn phá của đợt bùng phát đầu tiên, Trung Quốc đã tìm cách củng cố vị thế bằng viện trợ y tế.

Quốc gia này cũng đang quảng cáo một số loại vắc-xin trong giai đoạn phát triển cuối cùng như một phần đóng góp cho “lợi ích toàn cầu”, cung cấp trợ giúp về sản xuất và tài trợ tiêm chủng.

Song, sự bất bình của nhiều quốc gia khi Trung Quốc được coi là nơi khiến dịch bùng phát có thể khiến Bắc Kinh gặp nhiều thách thức. Có lẽ, những bất bình này khiến Trung Quốc thậm chí khó đối phó hơn Covid-19. Bởi, tình hình hiện tại đã làm “lu mờ” mọi nỗ lực trong việc cứu vãn hình ảnh của Trung Quốc.

Việc Trung Quốc phủ nhận về nguồn gốc của virus ở Vũ Hán có thể đáng tin hơn, nếu nước này hỗ trợ cuộc điều tra độc lập về Covid-19.

Hiểu được nguồn gốc của Covid-19 là vô cùng quan trọng đối với những bước tiếp theo trong việc ngăn chặn đại dịch. Đáng tiếc là, hiện tại, Bắc Kinh dường như tập trung hơn vào việc đổ lỗi khi căn bệnh bùng phát, hơn là tìm hiểu nguyên nhân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện nay, tình hình an ninh mạng tại Việt Nam đang trở nên phức tạp hơn thể hiện qua số lượng đáng báo động là 13.900 vụ tấn công mạng được ghi nhận vào năm 2023.

'Giải mã' mục tiêu của mã độc Ransomware

GD&TĐ - Ransomware là một loại virus được mã hóa có nguy cơ gây tổn thương hệ thống mạng toàn cầu; cứ 11 giây, một tổ chức là mục tiêu của mã độc Ransomware.