Giáo dục Iran: sự kết hợp hài hòa giữa tôn giáo và khoa học

GD&TĐ - Nước cộng hòa Hồi giáo Iran là một quốc gia truyền thống được xây dựng theo luật tôn giáo Sharia. Tuy nhiên, ở đây phụ nữ vẫn được học tập bình đẳng với nam giới, nhà nước bảo đảm quyền giáo dục của họ.

Giáo dục Iran: sự kết hợp hài hòa giữa tôn giáo và khoa học

Các khoa học chính xác được quan tâm đặc biệt. Tất cả các trường công đều miễn phí. Trường tư chiếm 8% tổng số trường phổ thông và được thành lập chủ yếu cho trẻ em tài năng.

Hàng năm, Iran chi cho hoạt động giáo dục, khoa học và nghiên cứu 20% ngân sách. Đây là một trong những chỉ số cao nhất thế giới. Ở đây việc nghiên cứu tôn giáo và các khoa học chính xác được kết hợp một cách hài hòa. Lãnh đạo nhà nước Hồi giáo coi các khoa học chính xác và tự nhiên là bắt buộc đối với việc hình thành thế giới quan của mỗi con người có học vấn.

Theo thống kê năm 2015, hơn 87% dân số người lớn ở Iran biết chữ. Sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, số người biết chữ thường xuyên tăng lên và dao động theo nhóm tuổi và vùng cư trú. Sau cách mạng, nam và nữ đều có quyền bình đẳng về giáo dục, kể cả giáo dục đại học. Trước cách mạng, tỉ lệ biết chữ của phụ nữ đạt dưới 35%, hiện nay là 50%.

Nhà trẻ tư, tiếng Ba Tư (farsi) và lịch sử Hồi giáo

Sau cuộc cải cách năm 2012, Iran áp dụng hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm. Hệ thống giáo dục phổ thông do Bộ giáo dục quản lý. Trẻ em từ 5 tuổi vào học các lớp mẫu giáo,98% số nhà trẻ thuộc về tư nhân. Gửi con vào nhà trẻ công rất khó vì không đủ chỗ.

Các trường phổ thông ở Iran nhận học sinh vào học từ 6 tuổi. 8 lớp đầu tiên là bắt buộc. Mỗi giai đoạn học tập kết thúc bằng một kỳ thi quốc gia. Học sinh vào học tiểu học (Dabestan) từ năm 6 - 11 tuổi. Sau đó các em thi quốc gia để nhận chứng chỉ tiểu học. Từ 11 - 14 tuổi, các em vào học trung học bậc thấp (Rahnamayi).

Học sinh tiểu học và trung học bậc thấp học các môn khoa học chính xác (vật lý, toán) và khoa học tự nhiên (sinh vật, hóa học); các môn nhân văn (tiếng Ba Tư và văn học, địa lý, lịch sử); thần học (lịch sử Hồi giáo, kinh Coran, tiếng Ả rập). Ngoài ra, còn có môn thể dục. Chương trình học tập như nhau đối với nam và nữ sinh, nhưng các em học riêng.

Cắt may, giáo dục tiền quốc phòng và ngoại ngữ

Ở trung học bậc thấp, các nữ sinh bắt đầu được dạy nữ công, cơ sở ẩm thực, cắt may. Các nam sinh được dạy môn giáo dục tiền quốc phòng, cơ học và khoa học kỹ thuật. Ở giai đoạn này, ban giám hiệu nhà trường tổ chức các tiết học thực hành tại các xí nghiệp, kinh phí do gia đình đài thọ. Ở trung học bậc thấp, học sinh bắt đầu học ngoại ngữ theo tự chọn.

Học sinh vào học trung học bậc cao (Dabirestan) từ năm 14 -17 tuổi. Ở tuổi này, đa số học sinh đã xác định nghề nghiệp tương lai. Tùy theo kế hoạch, các em tự chọn một trong hai ban- lý thuyết hoặc ứng dụng - để học tiếp. Những học sinh chọn ban lý thuyết sẽ vào học đại học sau khi tốt nghiệp phổ thông.

Các trường phổ thông ở Iran nhận học sinh vào học từ 6 tuổi. 8 lớp đầu tiên là bắt buộc. Học sinh vào học tiểu học (Dabestan) từ năm 6 tuổi - 11 tuổi. Từ 11 - 14 tuổi, các em vào học trung học bậc thấp (Rahnamayi). Học sinh vào học trung học bậc cao (Dabirestan) từ năm 14-17 tuổi. Ở tuổi này, đa số học sinh đã xác định nghề nghiệp tương lai. Mỗi giai đoạn học tập kết thúc bằng một kỳ thi quốc gia. 

Chương trình năm thứ nhất trung học bậc cao thống nhất đối với tất cả học sinh. Từ năm thứ hai, các em bắt đầu học các môn chuyên môn. Cuối cấp, các em tham dự một kỳ thi thống nhất gồm các môn: tiếng Ba Tư, Vật lý, toán, Hồi giáo, hóa học và sinh học.

Chương trình ban ứng dụng hướng tới đào tạo các cán bộ chuyên môn hẹp – chủ yếu là các thợ lành nghề và nhân viên tương lai của các ngành công nghiệp, thương mại, nông nghiệp. Sau khi tốt nghiệp trường trung học bậc cao, những học sinh chọn ban ứng dụng được học thêm 2 năm theo chương trình nâng cao trình độ chuyên môn. Học sinh tốt nghiệp nhận bằng tốt nghiệp THPT.

Nghỉ tết vào tháng ba và ngồi tù vì trốn học

Thông thường, mỗi lớp học có khoảng 20 học sinh. Tất cả học sinh đều mặc đồng phục. Với các nữ sinh đó là khăn trùm đầu truyền thống hijab của người Hồi giáo: bộ trang phục gồm khăn và áo sơ mi dài tới đầu gối, bắt buộc ống tay áo dài. Khăn trùm đầu của nữ sinh có thể màu trắng, đen, hồng hay xanh da trời. Đồng phục học sinh nam gồm áo sơ mi trắng dài tay, áo gilê thẫm màu và quần dài.

Tuần học bắt đầu vào thứ bảy và kéo dài tới thứ tư. Tiết học bắt đầu lúc 7 giờ 30, mỗi ngày học 6 tiết (ở trung học bậc thấp, mỗi tuần học sinh học 24 tiết). Theo lịch Iran, năm học bắt đầu từ ngày 23/9, kỳ nghỉ hè bắt đầu từ tháng 6 đến cuối tháng 9, còn nghỉ tết từ 21/3 - 1/ 4. Các trường phổ thông Iran sử dụng thang điểm 20. Những bậc bố mẹ hay người đỡ đầu thiếu sự kiểm tra hay cố ý cản trở quá trình học tập của con cái sẽ bị phạt tiền, thậm chí ngồi tù từ 1 - 3 năm.

440 trường đại học, 60% sinh viên nữ và luật tôn giáo

Hệ thống giáo dục đại học ở Iran rất phát triển. Trình độ kiến thức của sinh viên đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Các đại học y trực thuộc Bộ y tế. Các trường còn lại chịu sự quản lý của Bộ khoa học, nghiên cứu và công nghệ. Iran có mô hình học tập từ xa cả tập trung và tại chức, do Đại học Payame Noor thực hiện. Hiện nay, tại các chi nhánh của trường này có hơn 1 triệu học sinh học tập.

Năm học ở Iran chia thành hai kỳ. Sinh viên các trường đại học phải đóng học phí từ 1.000 - 9.000 USD cho một năm học. Đắt nhất là giáo dục sau đại học. Ở một số trường đại học, sinh viên phải trả 1.000 USD/1 tháng (kể cả tiền ký túc xá). Để vào đại học các thí sinh phải tham dự một kỳ thi chung. Trường đại học uy tín nhất là Đại học quốc gia Teheran, thành lập năm 1934. Theo số liệu năm 2017, trường này chiếm vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng các trường đại học xuất sắc nhất ở vùng Cận Đông. Trường có 16 khoa và 40 trung tâm nghiên cứu khoa học.

Iran hiện có 440 trường đại học, trong đó 80 trường công, 115 trường Hồi giáo, 25 trường thương mại và 120 chi nhánh đại học từ xa thuộc Đại học Payame Noor, 28 trường y, 50 trường cao đẳng và 40 trường đại học công nghệ. Ở các trường Hồi giáo và chủng viện, nam và nữ học riêng, ở các trường khác – học chung. Theo thống kê năm 2017, phụ nữ chiếm 60% tổng số sinh viên.

Đối với người nước ngoài Bộ văn hóa Iran thành lập Trung tâm hỗ trợ học tiếng Ba Tư. Năm 2014, sinh viên nước ngoài chiếm 49% tổng số sinh viên, họ đến từ 42 nước khác nhau trên thế giới. Nhiều trường giảng dạy bằng tiếng Anh. Mỗi năm có 161.000 sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng đại học. Hiện nay Iran có gần 1,5 triệu sinh viên đang học tại các trường đại học. Trong khi đó có 49.000 sinh viên Iran học ở nước ngoài.

Các trường Hồi giáo “Medrese” có một ý nghĩa đặc biệt, nơi học sinh học thần học, triết học và luật tôn giáo. Điều thú vị là ngay cả giáo dục tôn giáo cũng không thể bỏ qua môn vật lý lý thuyết.

Theo Báo Nga

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ