Giải quyết tranh chấp nhiều thập kỷ về biển Caspian

GD&TĐ - 5 quốc gia có bờ biển trên biển Caspian đã cùng thống nhất một công thức để phân chia nguồn nước trong đất liền lớn nhất thế giới, cũng như các nguồn tài nguyên dầu và khí khổng lồ tiềm tàng của thế giới.

Lãnh đạo các quốc gia tham gia ký Công ước về tình trạng pháp lý của biển Caspian
Lãnh đạo các quốc gia tham gia ký Công ước về tình trạng pháp lý của biển Caspian

Công ước công bằng

Các nhà lãnh đạo của Nga, Iran, Kazakhstan, Azerbaijan và Turkmenistan đã ký Công ước về tình trạng pháp lý của biển Caspian, mà điện Kremlin từng tuyên bố là một công ước “phản ánh sự cân bằng lợi ích” của các quốc gia có bờ biển ở Caspian.

Có đặc điểm là nhiều đầm lầy và độ mặn thấp hơn nước biển, trước đây, biển Caspian được Iran và Liên Xô coi như một cái hồ, với biên giới phân chia gọn gàng lãnh thổ của hai nước. Nhưng khi Liên Xô tan rã, các quốc gia ven biển mới nổi lên đều tìm kiếm vùng lãnh thổ Caspian của riêng mình, hoặc một cách tiếp cận mới để quản lý biển, nhằm phân loại biển này như một hải phận quốc tế, với các vùng lãnh thổ và khu vực trung lập, mặc dù “biển” này không có lối thoát ra các đại dương của thế giới.

Công ước này được ký kết tại một cuộc họp thượng đỉnh ở Kazakhstan vào cuối tuần qua, thống nhất coi bề mặt biển như hải phận quốc tế, còn đáy biển được phân chia thành các vùng lãnh thổ.

Trước đây, vốn có lực lượng hải quân chính hoạt động trên biển Caspian, Nga kịch liệt phản đối việc tách Caspian thành các lãnh thổ quốc gia, khiến hải quân nước này sẽ bị hạn chế ở một góc phía Tây Bắc. Chính từ hạm đội trên biển Caspian, Nga đã phóng tên lửa bay qua biển để tấn công Syria. Theo thỏa thuận mới này, không một quốc gia nào không có bờ biển trên Caspian được phép triển khai các tàu quân sự trên vùng biển này.

Hy vọng cho đường ống dẫn dầu

Thời kỳ hậu Xô Viết, với hy vọng giữ vững các tuyến thương mại Bắc - Nam của hệ thống đường sắt và đường ống của Liên Xô, Nga luôn phản đối thương mại năng lượng Đông - Tây thông qua các đường ống ngầm. Những năm 1990, các công ty dầu mỏ đã đề xuất các đường ống xuyên Caspian để đưa năng lượng của Trung Á vào thị trường, nhưng tình trạng pháp lý phức tạp của vùng biển này khiến các đề xuất bị sa lầy trong những cuộc đàm phán trong nhiều thập kỷ.

Thỏa thuận mới đây của các nước có bờ biển trên biển Caspian có khả năng mở hy vọng cho các đường ống dẫn dầu và khí đốt ngầm. Theo đề xuất, một đường ống dẫn dầu của Exxon xuyên Caspian có thể giảm xuất khẩu từ mỏ dầu Kashagan ở Kazakhstan.

Bắt đầu từ khi ông Clinton nhận chức Tổng thống, Mỹ đã thúc đẩy thương mại, khai thác năng lượng và vận chuyển trên biển qua Azerbaijan và Georgia, một tuyến đường được gọi là Hành lang phía Nam. Chiến lược ngoại giao đã làm giảm các giao dịch của các công ty dầu mỏ của Mỹ ở khu vực Caspian.

Chính quyền của Tổng thống George W. Bush cũng nỗ lực nhằm đưa sức mạnh quân sự đằng sau chính sách bằng cách mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đến Gruzia. Đây cũng là bối cảnh cho một cuộc chiến tranh giữa Gruzia và Nga năm 2008, cho thấy sự quan tâm cực kỳ nghiêm túc của Nga trong vấn đề kiểm soát khu vực này.

Mặc dù thỏa thuận mới đạt được đã giải quyết tình trạng bề mặt biển Caspian và tạo ra một công thức để phân chia các nguồn tài nguyên dưới biển, nhưng việc phân định các biên giới mới vẫn có thể gây ra tranh chấp.

Nga, Kazakhstan và Azerbaijan đã phân chia đáy biển ở phía Bắc, nhưng Iran, Turkmenistan và Azerbaijan vẫn tranh chấp về các mỏ dầu mỏ ở phần phía Nam của biển, cho thấy tương lai còn khá nhiều vấn đề cần giải quyết ở vùng biển vốn xưa nay rất phức tạp này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ