Du học Anh, lợi và thiệt thời “Brexit”

GD&TĐ - Người dân Anh đã chọn phương án rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu dân ý mang tính lịch sử, kéo theo sự xuống giá của đồng bảng Anh. Tuy nhiên không phải với ai đó cũng là tin tồi, du học sinh có thể tiết kiệm kha khá từ sự kiện này…  

Du học Anh, lợi và thiệt thời “Brexit”

Lợi từ tỉ giá tiền tệ

Khi giá trị của đồng bảng Anh rơi xuống mức thấp kỉ lục so với đồng USD ngay sau khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố, du học sinh nước ngoài tại Anh dôi ra ngay một khoản tương đối từ biến động tỉ giá này. Zhang Lei, Giám đốc Tiandao Edu, Công ty tư vấn du học mỗi năm đưa từ 300 - 400 du học sinh Trung Quốc sang Anh, cho biết đã tư vấn ngay với khách hàng chuẩn bị du học rằng đây là thời điểm tốt để đổi tiền nhân dân tệ sang đồng bảng Anh và “có thể tiết kiệm được một số tiền đáng kể”. Ví dụ, với mức học phí hàng năm 20.000 bảng Anh, tương đương 198.000 tệ cách đây một tuần - thì giờ đây chỉ tương đương 177.000 tệ. Nghĩa là một du học sinh tiết kiệm được khoảng 3.000 USD.

Chien Yili sẽ theo học tại ĐH Glasgow mùa thu này. Cô đến Anh đầu mùa hè này để bắt đầu khóa học tiếng. Yili dự định sẽ đổi khoản tiền nhân dân tệ trong tài khoản sang bảng Anh ngay khi có thể. “Tôi có thể tiết kiệm ít nhất 10.000 tệ do tỉ giá giảm” - Yili cho biết - “Tôi nghĩ rằng mình sẽ hưởng lợi trong ngắn hạn, việc mua sắm chi dùng tại Anh sẽ rẻ hơn”.

Theo tính toán của Lei, học phí cao học chuyên ngành thương mại 1 năm khoảng 17.000 - 20.000 bảng, cộng với sinh hoạt phí từ 8.000 - 10.000 bảng. Như vậy du học sinh Trung Quốc có thể tiết kiệm 265.000 tệ nhờ vào thay đổi tỉ giá.

Đối với những người còn đắn đo du học Anh thì “sự kiện” đồng bảng Anh giảm giá có vai trò “kích cầu tâm lí” khá quan trọng. Deng xin được học bổng cho năm đầu du học tại Anh nhưng gia đình đang lo phải chi trả học phí cho những năm còn lại. Deng cho biết bố mẹ “rất vui mừng” sau sự kiện Brexit và không còn lăn tăn về chuyện cho con gái du học Anh quốc.

Bất lợi đi kèm

Xét về lợi ích kinh tế thì “Brexit” có lợi cho du học sinh nước ngoài đến Anh. Tuy nhiên, sự kiện này cũng mang lại nhiều bất lợi cho du học sinh và thậm chí khiến họ phải cân nhắc du học tại Anh.

Một bất lợi rõ nhất là khả năng du lịch quanh châu Âu sẽ không thuận lợi trong thời gian tới đối với du học sinh khi mà Anh không còn là thành viên EU.

Đối với các trường đại học, nếu rời Liên minh châu Âu (EU), giáo dục Anh sẽ đối mặt khủng hoảng từ nguy cơ mất đội ngũ giảng viên nước ngoài, lượng sinh viên quốc tế giảm và không còn được nhận hỗ trợ tài chính. Mỗi năm, Anh được EU hỗ trợ hơn 15% chi phí cho công tác nghiên cứu. Do vậy, tách khỏi EU sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các trường trong việc đảm bảo nguồn đầu tư cho giảng dạy và nghiên cứu.

Sinh viên các nước EU sẽ chịu thiệt thòi rất lớn khi du học Anh. Hiện nay, khoảng 125.000 người trong khối EU đang theo học tại Anh. Họ đóng học phí tương tự sinh viên bản địa là 9.000 bảng một năm. Trong khi đó, sinh viên quốc tế phải đóng 15.000 - 25.000 bảng một năm. Việc Anh thuộc Liên minh giúp du học sinh các nước EU khác tiết kiệm từ 18.000 bảng đến 48.000 bảng trong toàn khóa học. Và đương nhiên, Brexit, ưu đãi này sẽ không còn.

Cùng với sự rớt giá của đồng bảng Anh, giá trị đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng giảm. Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thì có lúc tỉ giá 1 USD chỉ ăn 6,638 tệ - tỉ giá USD/nhân dân tệ cao nhất trong 5 năm rưỡi qua. Tuy nhiên, đồng nhân dân tệ giảm giá so với USD không mạnh bằng đồng bảng Anh và theo các chuyên gia kinh tế dự báo thì cho tới cuối năm nay du học sinh Trung Quốc vẫn có thể hưởng lợi từ tỉ giá.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ