Đại học đầu tàu: Hướng phát triển mới của giáo dục châu Á

GD&TĐ - Bước vào thời đại giáo dục mới, một số chuyên gia giáo dục tại châu Á cũng như các chuyên gia quốc tế cho rằng đã đến lúc giáo dục châu Á thoát ra khỏi khái niệm Đại học đẳng cấp quốc tế mà thay vào đó nên tập trung tạo ra những trường đại học dẫn đầu, vừa đảm bảo về chất lượng tổng thể vừa tiên phong trong các hoạt động giáo dục của quốc gia, được gọi với cái tên là Đại học đầu tàu.

Đại học đầu tàu: Hướng phát triển mới của giáo dục châu Á

Cuộc chạy đua vô nghĩa

Dù không có những tiêu chuẩn như tại châu Âu hay Bắc Mỹ, nhưng khái niệm trường đại học đẳng cấp quốc tế cùng những yếu tố đi kèm như các bảng xếp hạng đại học, lại chính là mục tiêu theo đuổi của các nhà quản lý giáo dục cũng như các cuộc cải cách giáo dục đại học tại khu vực châu Á. Theo đó, dù là cường quốc giáo dục như Singapore, Nhật Bản hay các quốc gia ở nhóm đang phát triển giáo dục tại khu vực Nam Á, Trung Đông thì việc chú trọng vào năng lực nghiên cứu, các chương trình hợp tác khoa học quốc tế, thu hút học sinh nước ngoài…được ưu tiên hàng đầu.

Đáng chú ý, đây không hẳn là thế mạnh của những trường đại học này mà xuất phát từ việc đó chính là những tiêu chuẩn quốc tế để đánh giá mức độ danh giá của một trung tâm đào tạo, nghiên cứu giáo dục sau trung học hoặc sau đại học. Theo đó, kết quả nghiên cứu khoa học và tầm ảnh hưởng của nó đến sự phát triển toàn cầu, dù là những khái niệm mới, nhưng lại có tỉ trọng lớn trong việc quyết định một ngôi trường có mang “đẳng cấp toàn cầu” hay không, ít nhất là theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục châu Á.

Dựa trên quan điểm ấy, cuộc chạy đua cải thiện tập trung các yếu tố này trở nên quyết liệt giữa các trường đại học, còn những yếu tố như chất lượng đào tạo, đóng góp cho cộng đồng, sự chuyển động của xã hội hay phát triển kinh tế khu vực… dần trở thành các yếu tố phụ, không còn được chú trọng. “Cuộc chạy đua để trở thành trường đại học đẳng cấp quốc tế khiến cho các hoạt động nghiên cứu vĩ mô được đầu tư trong khi các yếu tố cốt lõi của giáo dục như chất lượng đào tạo, đóng góp của nhà trường đến sự phát triển của đất nước về kinh tế lẫn xã hội… trở nên mờ nhạt”, John Aubrey Douglass, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Giáo dục đại học trực thuộc Đại học California, Berkeley, Mỹ cho biết.

Cuộc chạy đua trở thành đại học đẳng cấp quốc tế thực sự bùng nổ vào những năm 2003, khi khái niệm này bắt đầu được nhắc đến trên một số diễn đàn và ấn phẩm uy tín về giáo dục. Khi đó, với việc không có những ngôi trường nằm ở thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng quốc tế, đồng nghĩa không có trường mang đẳng cấp thế giới, đã khiến các nhà lãnh đạo giáo dục châu Á xác định việc xây dựng những trường đại học nghiên cứu ở cấp độ quốc tế đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế cạnh tranh lúc bấy giờ.

Định hướng này được đa số các chuyên gia giáo dục đồng tình và ngay cả Ngân hàng Quốc tế cũng nhìn nhận đó là một chiến lược đúng đắn. Tuy nhiên, do chỉ là một khái niệm mơ hồ và nhận thức không đầy đủ mà hầu hết các quốc gia châu Á khi ấy chỉ tập trung chú trọng một số lĩnh vực nhất định để tạo sức mạnh cho mình trong việc trở thành trường đại học quốc tế trong thời gian ngắn, điều lẽ ra cần một sự phát triển toàn diện cùng một lộ trình nâng cao chất lượng dài hạn.

Và cứ thế những mục tiêu phải lọt vào top 100 hay 25 ở các bảng xếp hạng giáo dục quốc tế trở nên quá sức với các trường đại học này và họ phải tìm con đường để có thể hoàn thành mục tiêu một cách nhanh nhất.  Các yếu tố như vai trò quốc gia của trường đại học nhằm tạo ra sự ổn định và phát triển của xã hội, đào tạo đội ngũ lãnh đạo làm nền tảng phát triển tương lai của đất nước, vốn không được đưa vào thang điểm cho việc đánh giá chất lượng giáo dục quốc tế, bị các trường loại bỏ trong các kế hoạch phát triển giáo dục. 

Mô hình trường đại học đầu tàu

Sau một thời gian dài chạy theo danh hiệu trường đại học đẳng cấp thế giới thì dù có sự xuất hiện ngày càng nhiều các trường đại học châu Á trong nhóm trường dẫn đầu ở các bảng đánh giá chất lượng đại học uy tín vẫn còn đó một khoảng cách giữa một trường đại học đẳng cấp quốc tế châu Á và một ngôi trường tương tự tại châu Âu hay Bắc Mỹ.

Sự khác biệt này được Douglass nêu rõ trong quyển Mô hình đại học đầu tàu - sự thay đổi từ bảng xếp hạng quốc tế sang các yếu tố mang tính quốc gia. Theo đó, thì việc chỉ chạy theo các tiêu chuẩn dùng để xác định chất lượng giáo dục quốc tế mà bỏ qua các đóng góp cho quốc gia đã khiến một trường đại học đẳng cấp quốc tế tại châu Á trở thành một mô hình hư danh, không thể so sánh với các trường đại học phương Tây nếu đánh giá trên tổng thể các yếu tố liên quan đến học thuật lẫn kinh tế, xã hội.

Mô hình trường đại học đầu tàu, tức là một ngôi trường không chỉ đảm bảo các yếu tố quốc tế như nghiên cứu, đào tạo du học sinh mà còn phải thể hiện vai trò tiên phong, chủ động của mình trong việc đáp ứng nhu cầu của quốc gia về các lĩnh vực liên quan như kinh tế, xã hội. Và bên cạnh các hoạt động đẩy mạnh tiềm lực cạnh tranh quốc tế mà những trường đại học đẳng cấp quốc tế đang theo đuổi thì cần phải chú trong đến các lĩnh vực bao gồm hệ thống tổ chức giáo dục quốc gia, các hoạt động nghiên cứu về xã hội và dịch vụ cộng đồng và sự tham gia vào hoạt động kinh tế quốc gia cũng như những thế hệ sinh viên được nhà trường đào tạo.

Với các trường đại học hàng đầu tại các quốc gia, vốn có sức ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều so với những trường còn lại, một điều dễ dàng nhận thấy trong nền giáo dục tại châu Á, thì đây sẽ là những trường đóng vai trò đi đầu trong việc định hướng và xây dựng các mạng lưới để cùng đẩy mạnh trách nhiệm của giáo dục đại học đối với quốc gia. Qua thời gian, những ngôi trường này sẽ trở thành những trường đại học đầu tàu, không chỉ là đại diện của quốc gia trong các bảng xếp hạng quốc tế mà còn đóng vai trò định hướng sự phát triển của giáo dục trong nước.

“Những trường đại học hàng đầu này luôn có tầm quan trọng và sức ảnh hưởng đến các sự thay đổi về kinh tế, xã hội của quốc gia, nhưng do cuộc chạy đua trở thành ngôi trường mang đẳng cấp quốc tế đã khiến vai trò của chúng trong sự dịch chuyển kinh tế, xã hội của một quốc gia ngày càng thu nhỏ và rất mờ nhạt. Trong khi đó lại không có một áp lực từ bên ngoài hay sự thúc đẩy bên trong nào để tạo sự thay đổi nên việc trở thành một ‘đầu tàu’ không nằm trong lộ trình phát triển của những trường đại học hiện nay”, Douglass cho biết.

Tuy cần chuyển từ mô hình đại học đẳng cấp quốc tế sang đại học đầu tàu nhưng trên thực tế thì hai khái niệm này hoàn toàn có thể tồn tại và phát triển cùng với nhau. Nói cách khác thì đại học đầu tàu quốc gia sẽ được xác định như một giai đoạn đầu tiên trước khi thực hiện tham vọng bước đến đẳng cấp quốc tế. Như vậy, với một mô hình tiêu chuẩn thì việc trở thành một đại học đầu tàu sẽ là con đường và điều kiện để trở thành một trường đại học đẳng cấp quốc tế và một khi chưa trở thành đại học đầu tàu thì một trường đại học khó có thể đạt được đẳng cấp quốc tế đúng nghĩa. Đây là một quá trình tiêu tốn nhiều thời gian nhưng đó cũng chính là cách mà các trường đại học nghiên cứu hàng đầu thế giới tại Mỹ đang đi theo để trở thành một trường đại học có thể đáp ứng được nhu cầu và trách nhiệm đào tạo, nghiên cứu, phát triển xã hội quốc gia lại có những yếu tố cạnh tranh trên bản đồ giáo dục đại học quốc tế.

Bị cuốn vào cuộc đua để lấy về danh hiệu đại học quốc tế, nền giáo dục của nhiều quốc gia châu Á với vẻ bề ngoài vô cùng hào nhoáng, có nhiều trường đại học xếp trong nhóm dẫn đầu, nhiều công trình nghiên cứu có sức ảnh hưởng trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, khi đánh giá về chất lượng giảng dạy và những yếu tố khác bên cạnh những tiêu chuẩn dùng để xếp hạng giáo dục thì những ngôi trường này lại đang cho thấy nhiều khiếm khuyết quan trọng.

Không thể hiện vai trò với sự phát triển và chuyển dịch của kinh tế xã hội trong nước và đôi khi không chú trọng đến quá trình đào tạo học viên nội địa, một số ngôi trường mang danh xưng quốc tế này lại bị đánh giá thấp bởi chuyên gia trong nước và quốc tế khi đi vào phân tích chuyên sâu.Do đó, đây chính là thời điểm để mô hình giáo dục đầu tàu, vốn chú trọng hoàn thành quá trình phát triển giáo dục nội địa và thể hiện trách nhiệm với quốc gia, trước khi bước vào môi trường cạnh tranh mang tính toàn cầu, được tập trung phát triển và nhân rộng tại khu vực phát triển giáo dục rất nhanh nhưng chưa thật sự toàn diện và đồng đều như châu Á.

Theo University World News, East West Center, eJournals.bc.edu, cshe.berkeley.edu, The Chronicle of Higher Education

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ