Cuộc gặp thực dụng

GD&TĐ - Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có một cuộc gặp rất thực dụng hôm 16/6. Hai bên đã đạt được một số bước tiến cho dù vẫn khá cảnh giác với bên kia.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cuộc gặp kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ, ít hơn so với các cố vấn của ông Biden chờ đợi. Hai người không họp báo chung sau đó – cho thấy giữa họ thực sự còn nhiều khác biệt.

Mỗi nhà lãnh đạo họp báo riêng, trong đó phía Nga cho phép phóng viên cả hai nước tham dự, còn phía Mỹ chỉ cho phóng viên Mỹ dự. Rõ ràng không khí chung là sự căng thẳng gia tăng hơn nhiều giữa hai bên với hàng loạt động thái gần đây.

Do vậy dù là gặp mặt đối mặt lần đầu tiên trên cương vị lãnh đạo Mỹ của ông Biden, song đã không có sự vui vẻ thoải mái như cuộc gặp năm 2018 của người tiền nhiệm Donald Trump với Tổng thống Nga tại Helsinki, khi đó ông Putin tặng ông Trump một quả bóng đá và hai người có một bữa ăn chung.

Trong họp báo, ông Putin gọi ông Biden là một đối tác xây dựng, lão luyện, và cho biết họ “nói chung một tiếng nói”, nhưng không có tình bạn mà chỉ có cuộc đối thoại “thực dụng” về lợi ích của hai nước.

Ông nói rằng cuộc gặp không có sự thù địch và cho thấy mong muốn của hai bên nhằm hiểu biết lẫn nhau. Ông cũng cho biết, khó mà nói rằng liệu quan hệ với Mỹ có được cải thiện, song có một tia hy vọng về sự tin tưởng lẫn nhau. Hai bên không mời nhau các chuyến viếng thăm.

Còn ông Biden cho biết, ông đã “nói với ông Putin rằng chúng ta cần một số quy định cơ bản trên đường mà tất cả chúng ta có thể tuân thủ”, và ông đã làm được những gì ông định khi đến với cuộc gặp. Theo ông, không có gì thay thế cho đối thoại trực tiếp, và ông đã nói với ông Putin rằng chương trình nghị sự của ông không phải là chống lại Nga, mà vì lợi ích của người dân Mỹ.

Hai nhà lãnh đạo đã dành nhiều thời gian thảo luận về kiểm soát vũ khí và tấn công mạng, và Tổng thống Mỹ nói rằng “cơ sở hạ tầng quan trọng nên là giới hạn cuối cùng”. Bình luận mạnh mẽ nhất của ông Biden có lẽ là cảnh báo rằng Nga sẽ đối mặt với hậu quả tồi tệ nếu nhân vật đối lập ở Nga Alexei Navalny chết trong nhà tù Nga.

Cả hai nhà lãnh đạo đều nói Nga và Mỹ có trách nhiệm chung về ổn định hạt nhân, và sẽ tiến hành đàm phán về những thay đổi có thể với hiệp định hạn chế vũ khí New Start. Đây có lẽ là một thỏa thuận rất cơ bản giữa hai nhà lãnh đạo.

Từ tháng Hai, Nga và Mỹ đã kéo dài hiệp ước New Start thêm 5 năm, hiệp ước này giới hạn số đầu đạn hạt nhân chiến lược mà mỗi bên có thể triển khai và giới hạn số tên lửa tàu ngầm, tên lửa mặt đất cũng như số máy bay chiến đấu mang chúng.

Hai nhà lãnh đạo cũng đồng ý đối thoại về an ninh mạng, đồng ý đưa đại sứ mỗi nước trở lại nhiệm sở. Hồi tháng 3, tiến trình quan hệ xuống dốc chưa từng thấy khi ông Biden nói ông nghĩ Tổng thống Putin là “kẻ sát nhân”, khiến Nga triệu hồi đại sứ tại Mỹ Anatoly Antonov về để tham vấn.

Mỹ cũng triệu hồi đại sứ của họ vào tháng Tư. Việc nhất trí đưa đại sứ trở lại cho thấy những gì đã thỏa thuận lần này sẽ được hai bên tiếp tục đối thoại và triển khai.

Tuy nhiên, ông Putin thể hiện rõ thái độ không muốn thỏa hiệp trong hàng loạt vấn đề, khi ông bác bỏ quan ngại của Mỹ về Navalny, nói rằng Navalny đã phớt lờ luật pháp và biết rõ điều gì xảy ra nếu nhân vật này từ Đức trở về Nga sau khi điều trị do cáo buộc Nga đầu độc mình.

Về việc Nga tăng cường hiện diện quân sự ở gần biên giới phía Đông của Ukraine, ông Putin cáo buộc Kiev đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn với phiến quân thân Nga ở miền Đông nước này. Về an ninh mạng, ông nói Nga cũng là mục tiêu của nhiều cuộc tấn công mạng xuất phát từ Mỹ…

Kết quả cụ thể từ cuộc gặp không nhiều, song ít nhất khi đối thoại trực tiếp là hai bên đã muốn vực dậy mối quan hệ đang rất xấu và không để nó xấu hơn trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ mới. Hai bên đều biết mối quan hệ Nga – Mỹ rất quan trọng với nhau.

Ông Biden nói rằng ông và Tổng thống Nga chưa có mối quan hệ cá nhân như cách nhiều nhà lãnh đạo thế giới có với nhau, nhưng cuộc gặp này là “vì lợi ích bản thân và khẳng định lại lợi ích bản thân”. Ông Biden đã truyền tải được những thông điệp “cảnh báo” Nga mà dư luận Mỹ mong đợi.

Với bên ngoài, trong khi quan hệ Mỹ - Trung xấu đi, Trung Quốc đang nổi lên cạnh tranh ngôi vị số 1 với Mỹ, hợp tác Nga – Trung vẫn tương đối ổn định, thì việc Mỹ cải thiện các liên kết với Nga sẽ khiến Nga ít bị đẩy về phía Trung Quốc hơn.

Ngoài ra, việc ông Biden đến gặp nhà lãnh đạo Nga sau cuộc họp G7 ngụ ý rằng, ông mang theo cả những thông điệp và mong muốn từ các cường quốc thế giới với nước Nga. Mỹ đã làm lành với các đồng minh sau những hành xử bất ổn thời ông Trump và Nga cần phải nhớ rằng Mỹ không còn rạn nứt với châu Âu nữa – họ sẽ trở lại là những đồng minh mạnh mẽ.

Còn với ông Putin, cuộc gặp được xem là một điểm nhấn nổi bật với dư luận trong nước. Cuộc gặp cho thấy Nga là một bên quan trọng trên chính trường thế giới mà Mỹ không thể bỏ qua. Hơn nữa trong đối thoại, ông Putin cũng tỏ thái độ rất mạnh mẽ, đầy tính chủ quyền trước những cáo buộc của người đồng cấp Mỹ.

Ông không để Nga bị “tấn công” bởi những cáo buộc một chiều, mà cũng chỉ ra được nước Mỹ cũng có nhiều vấn đề cần đối mặt, như bạo lực với người da đen, bất ổn trong bầu cử, Mỹ cũng tấn công mạng nhằm vào Nga… 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện nay, tình hình an ninh mạng tại Việt Nam đang trở nên phức tạp hơn thể hiện qua số lượng đáng báo động là 13.900 vụ tấn công mạng được ghi nhận vào năm 2023.

'Giải mã' mục tiêu của mã độc Ransomware

GD&TĐ - Ransomware là một loại virus được mã hóa có nguy cơ gây tổn thương hệ thống mạng toàn cầu; cứ 11 giây, một tổ chức là mục tiêu của mã độc Ransomware.