Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Trung Quốc chấp nhận nhượng bộ?

GD&TĐ - Trung Quốc đã gửi một văn bản trả lời các yêu cầu về cải cách thương mại từ phía Mỹ, ba nguồn tin từ chính phủ Mỹ tiết lộ với Reuters hôm 14/11 (theo giờ Washington) - một động thái có thể kích hoạt các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa các nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Các thông tin mới nhất cho thấy dường như Trung Quốc đã chấp nhận thỏa thuận trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. (Ảnh minh họa của Shutterstock)
Các thông tin mới nhất cho thấy dường như Trung Quốc đã chấp nhận thỏa thuận trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. (Ảnh minh họa của Shutterstock)

Không thay đổi, khỏi đàm phán

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt thuế quan đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD, nhằm gây áp lực buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ những yêu sách của Mỹ về việc phải thay đổi các điều khoản thương mại giữa hai nước. Trung Quốc đã đáp trả bằng cách áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của Mỹ.

Tổng thống Mỹ đã nhiều lần lên án Bắc Kinh về việc đánh cắp công nghệ, trợ cấp công nghiệp, dựng rào cản để gây khó dễ cho các doanh nghiệp Mỹ muốn thâm nhập thị trường Trung Quốc, cuối cùng (đồng thời cũng quan trọng nhất) là thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc.

Ba nguồn tin chính phủ Mỹ nói với Reuters hôm 14/11 rằng, Trung Quốc đã gửi một văn bản hồi đáp những đòi hỏi của Mỹ về các vấn đề nêu trên, cũng như một số vấn đề khác liên quan trong mối quan hệ hai nước. Các nguồn tin không cung cấp thêm chi tiết về nội dung phản hồi. Nguồn tin cũng không nói rõ Trung Quốc nhượng bộ một phần hay sẽ đáp ứng các yêu cầu thay đổi về thương mại mà ông Trump đặt ra cho Bắc Kinh.

Một phái đoàn Mỹ do Bộ trưởng Tài chính David Malpass dẫn đầu đã có cuộc thảo luận các vấn đề thương mại với một phái đoàn Trung Quốc, thông qua hội nghị trực tuyến hôm 13/11, theo tiết lộ vào hôm 14/11 của một phát ngôn viên Bộ Tài chính Mỹ.

Chính phủ Mỹ đã tuyên bố sẽ không bắt đầu đàm phán về thương mại cho đến khi thấy các đề xuất cụ thể từ Trung Quốc để giải quyết các mối quan tâm của Nhà Trắng.

Áp lực gia tăng

Vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 tới đây, ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ có cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20, diễn ra tại Argentina. Giới quan sát cũng như những nhà hoạt động thương mại hai nước (thậm chí là cả thế giới) rất kỳ vọng cuộc gặp này, như là một khởi đầu hứa hẹn sẽ tháo gỡ những nút thắt trong mối quan hệ thương mại của hai nền kinh tế đứng đầu thế giới.

Hồi đầu tháng này, sau một cuộc trò chuyện qua điện thoại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói sẽ cân nhắc việc thỏa thuận với Trung Quốc về thương mại, nhưng cũng sẵn sàng áp dụng các mức thuế mới cao hơn đối với hàng hóa Trung Quốc, nếu các đàm phán không có tiến bộ hoặc Trung Quốc không thay đổi.

Thuế quan trị giá 200 tỷ USD được áp lên hàng hóa nhập vào Mỹ từ Trung Quốc hiện đang chịu mức 10% (áp dụng từ tháng 7/2018) và sẽ chính thức tăng lên 25% kể từ 1/1/2019, theo một quyết định áp thuế bổ sung được đưa ra hồi tháng trước của ông Trump. Tổng thống Mỹ cũng đe dọa sẽ áp đặt thuế nhập khẩu đối với tất cả hàng hóa còn lại được nhập khẩu từ Trung Quốc, trị giá khoảng 267 tỷ USD, nếu Bắc Kinh không giải quyết được các yêu cầu về thương mại của Mỹ.

Các thống kê mới nhất cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại rõ rệt, thị trường chứng khoán suy giảm, các công ty lớn nhỏ đều bốc hơi lợi nhuận, trong khi những tập đoàn đa quốc gia bắt đầu tìm kiếm những quốc gia khác thuận tiện hơn để sản xuất và đáp ứng yêu cầu về quy định để được nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ.

Cây gậy và củ cà rốt của ông Trump

Trong cuộc chiến thương mại ngày càng khốc liệt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này, tất nhiên doanh nghiệp và nông dân Mỹ cũng chịu ảnh hưởng lớn, tuy nhiên không gây tác động đối với tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đối tượng chịu ảnh hưởng lớn và trực tiếp nhất là các nông dân Mỹ, hiện đã nhận khá nhiều sự hỗ trợ từ chính quyền liên bang, từ nguồn vốn hỗ trợ, cho đến tìm kiếm thị trường mới thay thế thị trường Trung Quốc. Dẫu vậy, tất cả đều mong chờ tình hình được bình thường trở lại, theo một cách mà các yêu cầu về thương mại của Mỹ phải được đáp ứng.

Triển vọng tích cực đã bắt đầu xuất hiện sau những quyết định cứng rắn của ông Trump, cũng như những chỉ trích gay gắt từ phía Bắc Kinh. Sau cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo hồi đầu tháng này, các cuộc đàm phán đã được nối lại, chấm dứt một thời gian gián đoạn ba tháng đã chứng kiến các quan hệ xấu đi khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào chính trị trong nước của Mỹ và tìm cách làm suy yếu vị thế ông Trump, như một cách để Bắc Kinh đáp trả các lệnh trừng phạt thương mại từ Washington.

Tuy vậy, yêu cầu của Mỹ vẫn trước sau như một. Như đã nói ở trên, sau cuộc điện đàm với ông Tập Cận Bình, ông Donald Trump dù để ngỏ khả năng sẽ cân nhắc việc thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, nhưng cũng sẵn sàng áp dụng các mức thuế cao hơn nếu các cuộc đàm phán không tiến bộ hoặc Bắc Kinh không thay đổi (về thương mại).

Hôm 13/11, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng đã tuyên bố Bắc Kinh cần thay đổi hành vi của mình để tránh một cuộc chiến tranh lạnh mới với Hoa Kỳ, như một sự khẳng định lại quan điểm của Nhà Trắng về cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế; trong đó, Mỹ sẵn sàng xem xét các thỏa thuận nếu đối phương thiện chí, ngược lại, họ cũng chuẩn bị cho khả năng sẽ để sự đối đầu lên đến cao trào trong một cuộc chiến mà Washington khởi xướng và vẫn đang chủ động hoàn toàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ