COVID-19 tới 6h sáng 2/5: Thế giới trên 3,2 triệu người chết, Ấn Độ lây nhiễm kinh hoàng

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 12.000 ca tử vong và trên 780.000 ca nhiễm mới, nâng tổng ca bệnh vượt 3,2 triệu người.

Ấn Độ tiếp tục lây nhiễm kinh hoàng với gần 400.000 ca mắc mới và gần 3.700 người chết trong ngày 1/5.

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 2/5 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 152.775.253 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.205.333 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 781.236 và 12.230 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 130.692.972 người, 18.813.969 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 111.026 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (392.562 ca), Brazil (60.013 ca) và Mỹ (40.900); Ấn Độ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 3.688 ca), tiếp theo là Brazil (2.150 ca) và Mỹ (624 ca)

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 33.144.874 triệu người, trong đó có 590.679 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 19.549.656  ca nhiễm, bao gồm 215.523 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 14725.975 ca bệnh và 406.437 ca tử vong.

Tính theo tỷ lệ dân số, Hungary là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 287 người tử vong. Tiếp đến là CH Séc với 273 người và Bosnia-Herzegovina với 255 người/100.000 dân.

Chú thích ảnh
Cảnh sát tuần tra trên khu phố bị phong toả ở New Delhi ngày 20/4/2021. Ảnh: Getty Images.

Ấn Độ gần 400.000 ca nhiễm mới; phong toả thủ đô thêm 1 tuần

Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận gần 400.000 ca nhiễm mới. Trước đó, trong ngày 1/5, Ấn Độ đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới vượt ngưỡng 400.000 ca mắc COVID-19 trong một ngày, với 401.993 ca nhiễm mới. 

Tại thủ đô New Delhi, lệnh phong tỏa sẽ được gia hạn thêm một tuần do số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh. Đợt phong tỏa hiện tại dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 3/5. Tuy nhiên, số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục tăng nhanh ở thành phố 20 triệu dân này đã buộc nhà chức trách phải kéo dài tình trạng phong tỏa.

Chú thích ảnh

Người thân khóc thương bệnh nhân qua đời do COVID-19 tại khu hỏa táng ở New Delhi, Ấn Độ ngày 27/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN.

Theo số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ, trong cùng ngày 1/5 riêng New Delhi ghi nhận thêm 27.000 ca mắc COVID-19 và 375 ca tử vong. Tuy nhiên, với kết quả xét nghiệm cho thấy tỷ lệ dương tính gần 33%, các chuyên gia cho rằng số ca mắc thực tế ở thành phố này có thể cao hơn. 

Hiện các bệnh viện ở Delhi đang đối mặt với tình trạng thiếu oxy nghiêm trọng và thậm chí nhiều người phải lên mạng xã hội để tìm kiếm nguồn cung oxy y tế. Nhiều bệnh nhân đã tử vong trong thời gian qua sau khi oxy cạn kiệt ở một số bệnh viện. Số ca tử vong gia tăng hằng ngày đã gây ra tình trạng quá tải cho các lò hỏa táng trên khắp thành phố. Cảnh sát Delhi đã yêu cầu cơ quan dịch vụ công ích tìm thêm các địa điểm hỏa táng.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tới khu hỏa táng ở New Delhi, Ấn Độ ngày 27/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN.

Cuba trải qua tháng dịch bệnh tồi tệ nhất

Tháng 4 đã khép lại và với Cuba, đây là tháng mà nước này trải qua tình hình dịch bệnh nghiêm trọng nhất với tổng cộng 30.431 ca nhiễm, tăng 4.655 ca so với tháng trước, trong khi số ca tử vong đã tăng gấp 2 lần lên 219 ca.  

Theo báo cáo ngày 30/4 của Bộ Y tế công cộng Cuba, nước này đã ghi nhận 1.046 ca nhiễm mới và 12 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua. Tính đến nay, Cuba ghi nhận tổng cộng 106.707 ca nhiễm và 644 ca tử vong. Thủ đô La Habana hiện là tâm dịch COVID-19 với tỷ lệ lây nhiễm 440,1/100.000 người - mức cao nhất trên cả nước. 

Kể từ tháng 1, Cuba phải ứng phó với làn sóng dịch bệnh mới và tình hình diễn biến phức tạp hiện nay đã khiến giới chức nước này ban bố các biện pháp phòng dịch như đóng cửa nhiều nơi công cộng, hạn chế di chuyển và yêu cầu xét nghiệm và cách ly với những người nhập cảnh. 

Tại thủ đô La Habana, Bộ Y tế Cuba đang chuẩn bị triển khai chương trình tiêm chủng hàng loạt vào tháng 5, trong đó sử dụng 2 loại vaccine tiềm năng nội địa Soberana-02 và Abdala.

Chú thích ảnh
Cảnh sát gác tại một khu vực bị phong tỏa sau khi phát hiện ca mắc COVID-19 tại La Habana, Cuba, ngày 29/4/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN.

Argentina gia hạn giới nghiêm

Tại Nam Mỹ, Tổng thống Argentina Alberto ngày 30/4 đã quyết định gia hạn lệnh giới nghiêm ban đêm tại thủ đô Buenos Aires thêm 3 tuần. Theo đó, lệnh giới nghiêm đang được thực hiện từ 20h ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau, sẽ có hiệu lực đến ngày 21/5. Nhà lãnh đạo Argentina cho biết ông đang tìm cách bắt buộc chính quyền các địa phương đóng cửa trường học để ứng phó với dịch bệnh hiện nay. 

Trước đó 2 tuần, ông Fernandez đã quyết định đóng cửa các trường học tại thủ đô và các tỉnh thành lân cận, tuy nhiên, quyết định này đã vấp phải sự phản đối của Thị trưởng thủ đô Horacio Rodriguez Larreta, người đã khiếu nại lên tòa án ngăn cản quyết định này. Theo đó, đến nay các trường học vẫn mở cửa đón học sinh trong khi chờ phán quyết của tòa án. 

Tổng thống Fernandez cảnh báo ông sẽ trình 1 dự luật lên Quốc hội để trao cho ông và chính quyền các bang quyền lực lớn hơn trong việc thực thi các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Nhà lãnh đạo Argentina nhận định thời gian vài tuần tới đây có thể rất khó khăn với hệ thống y tế của Argentina, đặc biệt là các phòng chăm sóc tích cực (ICU). 

Chú thích ảnh
Chôn cất thi thể bệnh nhân COVID-19 tại một nghĩa địa ở bang Amazonas, Brazil, ngày 13/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN.

Argentina đã có hơn 5.300 bệnh nhân được điều trị tại các phòng chăm sóc đặc biệt, chiếm khoảng 68,4% tổng số phòng ICU của nước này.  Tính đến nay, Argentina ghi nhận gần 3 triệu ca nhiễm và hơn 63.000 ca tử vong do COVID-19 và là quốc gia chịu ảnh hưởng dịch bệnh thứ 2 tại Nam Mỹ, sau Brazil - nước có tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 14,66 triệu ca nhiễm và 404.287 ca tử vong.

WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine ngừa COVID-19 của Moderna

Ngày 30/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa vaccine ngừa COVID-19 của hãng Moderna vào danh mục sử dụng khẩn cấp.

Động thái này giúp nhiều nước không thể tự đánh giá hiệu quả của vaccine Moderna có thể tiếp cận vaccine này nhanh nhất có thể và cho phép cơ chế chia sẻ vaccine COVAX của Liên hợp quốc và các đối tác khác phân bổ vaccine Moderna cho những nước nghèo hơn./.

Tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe, Cuba vừa trải qua tháng dịch bệnh tồi tệ nhất với tổng cộng 30.431 ca mắc trong tháng 4, tăng 4.655 ca so với tháng trước, trong khi số ca tử vong đã tăng gấp 2 lần lên 219 ca. Tính đến nay, Cuba ghi nhận tổng cộng 106.707 ca nhiễm và 644 ca tử vong. Thủ đô La Habana hiện là tâm dịch COVID-19 với tỷ lệ lây nhiễm 440,1/100.000 người - mức cao nhất trên cả nước.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 12/4/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN.

Châu Âu - Bồ Đào Nha mở lại biên giới

Ở châu Âu, Bồ Đào Nha mở cửa lại biên giới và bước vào giai đoạn cuối nới lỏng phong tỏa từ ngày 1/5. Theo đó, bên cạnh việc nới lỏng quy định kiểm soát biên giới, Bồ Đào Nha cho phép các quán cà phê, nhà hàng và địa điểm văn hóa kéo dài thời gian hoạt động, đặc biệt vào dịp cuối tuần.

Đám cưới và các sự kiện tập trung đông người cũng được phép diễn ra, kể cả các sự kiện thể thao. Trong khi đó, lệnh tình trạng khẩn cấp quốc gia được dỡ bỏ, thay vào đó là "tình hình thiên tai, dịch bệnh" và vẫn áp dụng một số biện pháp phòng dịch.

Chú thích ảnh
Hành khách chờ làm thủ tục tại sân bay quốc tế Los Angeles, Mỹ, ngày 24/4/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN.

Campuchia: Khẩn trương tiêm phòng cho "Khu vực Đỏ"

Ngày 1/5, lực lượng quân y Campuchia sáng cùng ngày đã bắt đầu chiến dịch tiêm phòng quy mô lớn cho khoảng 500.000 người ở nơi có mức độ lây nhiễm COVID-19 cao hay còn gọi là "Khu vực Đỏ" thuộc thủ đô Phnom Penh.

Chú thích ảnh
Cảnh sát phong tỏa một tuyến phố để phòng dịch COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 15/4/2021. Ảnh: THX/ TTXVN.

Bộ Quốc phòng Campuchia chuẩn bị sẵn sàng 500.000 liều vaccine Sinovac và 400.000 liều Sinopharm trong kho dự trữ. Theo Tướng Tea Banh, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia, chỉ trong một tháng, quân đội nước này sẽ hoàn thành chiến dịch tiêm phòng COVID-19 cho người dân "Khu vực Đỏ".

Tính đến nay, Campuchia đã nhận được tổng cộng hơn 4 triệu liều vaccine phòng COVID-19 gồm ba loại là Sinovac, Sinopharm (do Trung Quốc sản xuất) và AstraZeneca (do Ấn Độ sản xuất).

Cùng ngày 1/5, Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo xác nhận thêm 388 ca mắc mới COVID-19, giảm khoảng 50% so với một ngày trước đó.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 15/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN.

Thái Lan trải qua ngày có số ca tử vong cao nhất 

Ngày 1/5, Bộ Y tế Thái Lan thông báo nước này ghi nhận thêm 21 ca tử vong do COVID-19 - mức tăng trong 1 ngày cao nhất từ trước tới nay. Cũng trong 24 giờ qua, nước này có thêm 1.891 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 lên tới 67.022 ca, bao gồm 224 ca tử vong. 

Thái Lan đang phải ứng phó với làn sóng dịch bệnh thứ 3. Đây là đợt dịch lây lan mạnh nhất tại nước này sau hơn 1 năm thành công kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Đợt dịch bùng phát có liên quan đến biến thể lây nhiễm nhanh B.1.1.7, chiếm tới 50% tổng số ca nhiễm và tử vong. 

Trong khi đó, từ ngày 1/5, người dân Thái Lan đã có thể đăng ký tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 theo chương trình tiêm chủng quốc gia. Đối tượng ưu tiên tiêm chủng gồm 16 triệu người trên 60 tuổi có hoặc không có bệnh lý nền như tiểu đường.

Theo kế hoạch, chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đại trà của Thái Lan sẽ bắt đầu từ tháng 6 khi nước này có được lô vaccine AstraZeneca gồm 61 triệu mũi sản xuất trong nước. Thái Lan đặt mục tiêu đến cuối năm 2021 tiêm chủng cho 70% dân số.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 26/4/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Malaysia cân nhắc kéo dài lệnh hạn chế di chuyển

Ngày 1/5, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cho biết nước này đang cân nhắc kéo dài Lệnh Hạn chế di chuyển (MCO) tại các bang có số ca mắc mới COVID-19 tăng đột biến. 

Thủ tướng Malaysia cũng kêu gọi người dân luôn tuân thủ các quy định phòng dịch và tránh đến những nơi đông người để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

Theo số liệu của Bộ Y tế Malaysia, trong ngày 2/5, nước này có 2.881 ca mắc mới COVID-19, chủ yếu ở bang Selangor. Số ca mắc mới theo ngày tại quốc gia Đông Nam Á này đã trở lại mức trên 2.000 ca từ ngày 15/4 đến nay. Các ổ dịch mới vừa được phát hiện tại khu vực dân cư, trường học, mà không phải công sở như giai đoạn dịch bệnh trước đây. 

Chú thích ảnh
Lô vaccine phòng COVID-19 Sputnik V đầu tiên được chuyển tới sân bay ở Manila, Philippines, ngày 1/5/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN.

Philippines tiếp nhận lô vaccine Sputnik V đầu tiên

Cùng ngày 1/5, Philippines tiếp nhận lô vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V đầu tiên từ Nga.

Theo Bộ Y tế Philippines, 15.000 liều vaccine Sputnik V sẽ được sử dụng ở 4 thành phố thuộc vùng thủ đô Manila, tâm dịch COVID-19 ở nước này. Lô vaccine này theo kế hoạch đến Philippines vào ngày 25/4 vừa qua, song đã bị chậm bàn giao do vấn đề hậu cần. Hiện Philippines đang đàm phán mua thêm 20 triệu liều vaccine Sputnik V để giúp đạt mục tiêu tiêm phòng COVID-19 cho 70 triệu người trưởng thành trong năm nay.

Cho đến nay, Philippines đã nhận được 4,04 triệu liều vaccine COVID-19, trong đó hơn 86% là vaccine của hãng Sinovac Biotech (Trung Quốc) và số còn lại là vaccine AstraZeneca (Anh-Thụy Điển) thông qua cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX. Tính đến ngày 27/4, hơn 1,8 triệu liều vaccine đã được tiêm cho người dân nước này.

Với 1,05 triệu ca mắc COVID-19 và 17.354 ca tử vong, Philippines là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh ở khu vực châu Á.

Chú thích ảnh
Khu vực điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN.

Lào: Tình hình dịch tạm lắng

Tình hình dịch COVID-19 tại Lào đang có chiều hướng tạm lắng khi số ca mắc mới duy trì ở mức hai chữ số trong 5 ngày qua.

Thông cáo báo chí của Bộ Y tế Lào chiều 1/5 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 64 ca mắc mới COVID-19 tại 4/18 tỉnh, thành trên cả nước, giảm cả về số ca mắc lẫn số tỉnh có ca mắc.

Diễn biến này cho thấy các biện pháp phòng dịch của Chính phủ Lào cùng sự tuân thủ của người dân đã bước đầu đem lại hiệu quả, dù tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp và khó lường. Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục là địa phương phát hiện nhiều ca mắc mới COVID-19 nhất với 49 ca, tiếp đó là tỉnh Champasak, Oudomsay và Salavan.

Tính tới chiều 1/5, toàn bộ 18/18 tỉnh, thành của Lào vẫn đang áp dụng lệnh phong tỏa cho tới ít nhất là ngày 5/5. Tới nay, Lào có tổng cộng 821 ca mắc COVID-19, trong đó có tới 773 ca mới phát hiện từ đầu tháng 4 đến nay, cao hơn 20 lần so với số ca bệnh của nước này trong năm 2020.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hủ tục nên bỏ

GD&TĐ - Lễ hội đâm trâu của người Ca Dong là một tập tục có từ ngàn xưa của những bộ tộc tựa lưng vào dãy Trường Sơn...