Covid-19 lập kỷ lục đau đớn ở nhiều quốc gia khiến các hệ thống y tế chao đảo

GD&TĐ - Theo Worldometer, thế giới đã có 184.546.076 ca mắc Covid-19, gồm 323.733 ca mắc mới. Số ca tử vong do đại dịch là 3.994.035 ca, gồm 5.856 ca mới.

Những người đào mộ mặc đồ bảo vệ cá nhân (PPE) chôn cất một người trong khu đặc biệt của nghĩa địa dành cho các nạn nhân Covid-19 ở Saint Petersburg, Nga.
Những người đào mộ mặc đồ bảo vệ cá nhân (PPE) chôn cất một người trong khu đặc biệt của nghĩa địa dành cho các nạn nhân Covid-19 ở Saint Petersburg, Nga.

Tại Myanmar, Bộ Y tế báo cáo ghi nhận số ca mắc mới kỷ lục 2.318 ca và 35 ca tử vong mới vào hôm qua.

Một đợt bùng phát dịch mới đã phát triển nhanh chóng ở quốc gia nơi hệ thống y tế và các biện pháp chống Covid-19 bị sụp đổ từ cuộc chính biến ngày 1/2.

Sau khi quân đội lên nắm quyền, nhiều bác sĩ và nhân viên y tế đã đi đầu trong phong trào bất tuân dân sự, trong đó họ ngừng công việc ở các vị trí chính thức để thể hiện sự phản đối với chính phủ quân sự.

Tại Bangladesh, chính phủ đã ra lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài 1 tuần nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 nhưng các bệnh viện tại thành phố Khlna không thể đối phó với số bệnh nhân tăng lên trong tình trạng thiếu cơ sở vật chất, vật tư y tế, đặc biệt là oxy.

Hôm thứ 5, thành phố Khulna ghi nhận 46 ca tử vong vì Covid-19 trong khi các đợt bùng phát trước đó, số người chết hàng ngày chưa bao giờ lên tới 2 con số. Hầu hết mọi người ở thành phố 680.000 dân này cho biết con số thực tế cao hơn nhiều khi các nghĩa trang không thể đối phó với số lượng người chết ở các thành phố lân cận như Satkhira.

Bangladesh đã ghi nhận 935.000 ca mắc và 14.900 ca tử vong trong vòng 15 tháng qua.

Nga hôm qua báo cáo 25.142 ca mắc mới trong ngày sau một tuần ghi nhận số ca tử vong kỷ lục do sự hoành hành của biến thể Delta. Đây là con số cao nhất kể từ ngày 2/1.

Kỷ lục tử vong do Covid-19 xác lập tại Nga được ghi nhận trong 5 ngày liên tiếp đã tăng lên 697 vào thứ 7 trước khi giảm xuống 663 người vào chủ nhật tại Nga.

Trước tình hình nhiều người hoài nghi về vắc xin và chỉ có 16% trong số 146 triệu dân Nga được tiêm chủng, Tổng thống Putin đang kêu gọi người dân đi tiêm và “lắng nghe các chuyên gia” hơn là tin đồn.

Iran đang chống chọi với đợt bùng phát dịch lớn trong khu vực và có thể sắp trải qua làn sóng lây nhiễm thứ 5. Tổng thống Hassa Rouhani nói với lực lượng đặc nhiệm chống virus của Iran và cảnh báo người dân hãy cẩn thận vì “biến thể Delta đã lây lan” ở các tỉnh phía Nam.

Fiji đã trải qua cả năm mà không ghi nhận bất kỳ ca mắc Covid-19 nào trong cộng đồng cho tới khi Delta xuất hiện vào tháng 4. Nhà chức trách ở đây đã ghi nhận 522 ca vào thứ 7 vừa qua – cao nhất từ trước đến nay. Họ cho biết có 2 ca tử vong mới và cảnh báo sẽ có thêm người chết vì đại dịch khi virus corona lấn át hệ thống y tế của quốc gia Nam Thái Bình Dương này.

Tại Luxembourg, Thủ tướng Xavier Bettel phải nhập viện hôm qua sau 1 tuần dương tính với Covid-19. Ông Bettel, 48 tuổi phải nhập viện như một biện pháp phòng ngừa.

Châu Phi đang trở thành “mắt bão” Covid-19 của thế giới. Mặc dù tưởng như đã thoát khỏi đại dịch Covid-19 nhưng trong 6 tuần nay, số ca mắc đã tăng lên do biến thể Delta. Số người chết tăng 15% ở 38 quốc gia, lên gần 3.000 người trong cùng thời kỳ.

Nam Phi là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất châu lục và đã công bố 24.000 ca mắc vào thứ 6 tuần trước. Thứ trưởng Y tế Joe Phaahla cho biết: “Chúng ta đang thực sự đứng trước làn sóng lây nhiễm thứ 3”.

Tại Nam Mỹ, Brazil phải chịu hơn 500.000 ca tử vong do Covid-19 và hàng nghìn người đã xuống đường lần nữa vào thứ 7 để phản đối Tổng thống Jair Bolsonaro – người đang đối mặt với cuộc điều tra về một thỏa thuận vắc xin bị cáo buộc là tham nhũng. Chính phủ Brazil đang bị chỉ trích về cách chống dịch khiến số người chết tăng cao.

Tại Mỹ, bang Vermont đang tuyên bố là nơi an toàn nhất thế giới khi tiêm chủng một phần cho 80% người dân đủ điều kiện.

Theo CNA/Worldometer

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hủ tục nên bỏ

GD&TĐ - Lễ hội đâm trâu của người Ca Dong là một tập tục có từ ngàn xưa của những bộ tộc tựa lưng vào dãy Trường Sơn...