Chuyện nghề FBI

Chuyện nghề FBI

Các nhân vật chính trong loạt phim này được xây dựng dựa trên các đặc vụ ngoài đời là John E. Douglas và Robert K. Ressler. Các nghiên cứu của họ đã hỗ trợ cảnh sát địa phương điều tra để loại bỏ những kẻ giết người máu lạnh.

Sau khi bắt được các đối tượng, họ thường sử dụng một chiến lược cụ thể để kẻ giết người hàng loạt tiết lộ tính cách, và các chi tiết có thể được đưa ra trong phiên tòa. Douglas và Ressler là những người lập hồ sơ tội phạm đầu tiên đã thẩm vấn một số kẻ giết người hàng loạt khét tiếng nhất trong lịch sử như Edmund Kemper, David Berkowitz, Ted Bundy, John Wayne Gacy, Donald Harvey và Gary Ridgway.

Đánh vào “cái tôi” của tội phạm

Chuyện nghề FBI ảnh 1
Tiến sĩ Mary Ellen O’Toole, cựu nhân viên FBI.

Việc thẩm vấn những kẻ giết người hàng loạt đòi hỏi nhiều năm đào tạo và bằng cấp về tâm lý học. Tuy nhiên, cũng có một số lời khuyên mà các chuyên gia đã chia sẻ sau nhiều năm nghiên cứu tâm lý của những kẻ giết người hàng loạt.

Khi phải đối mặt với một số tính cách bạo lực và phức tạp nhất, chìa khóa để một cuộc thẩm vấn hiệu quả là sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Trước khi thẩm vấn bất kỳ kẻ giết người hàng loạt nào, các đặc vụ đều phải nghiên cứu kỹ lưỡng các hồ sơ vụ án cũng như hồ sơ của từng tội phạm riêng lẻ.

Chuyện nghề FBI ảnh 2
John E. Douglas và Mark Olshaker.

Mặc dù, một số tội ác có những điểm giống nhau, nhưng không bao giờ có hai kẻ giết người hàng loạt giống hệt nhau. Trong tập “Kẻ giết người ngồi đối diện” của John E. Douglas và Mark Olshaker, nhân viên đặc vụ đã nghỉ hưu giải thích: Họ đã điều tra là rất nhiều kẻ giết người, nhưng chúng đều khác nhau. Mỗi kẻ giết người và kẻ săn mồi đều có những sự khác biệt tinh tế.

Có nhiều lý do giải thích vì sao một số kẻ giết người hàng loạt lại đồng ý nói chuyện với nhân viên FBI: Có những kẻ thật sự thích tham gia vào một nghiên cứu tâm lý của chính mình; có kẻ lại từng trong lực lượng thực thi pháp luật và thích “làm việc” với cảnh sát; một số kẻ hy vọng sẽ nhận được những ân huệ khi hợp tác với các đặc vụ; một số khác lại chỉ đơn giản là thích miêu tả những cảnh tượng khủng khiếp trong trí tưởng tượng bệnh hoạn của mình.

Chuyện nghề FBI ảnh 3
Kẻ giết người hàng loạt Richard Speck.

Một trong những cách nhanh nhất để khiến một kẻ giết người hàng loạt “mở lòng” về tội ác khủng khiếp của chúng là lựa theo bản ngã của chúng. Nhiều tên tội phạm có vấn đề về xác định “cái tôi”, khiến chúng thường xuyên lo lắng, hung hăng dữ dội và thường thực hiện hành vi tội phạm một cách cực kỳ tàn bạo. Nhiều kẻ máu lạnh đến mức có thể thực hiện những tội ác không thể tưởng tượng được và ngay tối hôm sau lại có thể bình tĩnh ngồi ăn tối với đối tác như không có gì xảy ra.

Vì vậy, làm thế nào để thuyết phục một tên tội phạm “thả lỏng” và quên đi tính cảnh giác của chúng? Các chuyên gia cho rằng, cách tối nhất là lựa theo bản ngã của chúng. Là người phụ trách Chương trình Phân tích hành vi tội phạm của Cục Điều tra liên bang, Robin Dreeke khuyên không nên không đồng ý với bất kỳ ý kiến nào của chúng và tạo điều kiện để tội phạm thể hiện tất cả, thậm chí chấp nhận mọi ý kiến của tội phạm mà không phán xét. Nếu không đồng ý, nhân viên điều tra chỉ cần hỏi: “Đó là một ý tưởng hấp dẫn / sâu sắc / kỳ lạ, liệu anh có thể giúp tôi hiểu cách mà anh đã nghĩ ra ý tưởng này?”. Với cách hành xử khéo léo như vậy, rất nhiều tội phạm đã chủ quan, quên đi cảnh giác và “tự tin” kể chi tiết tội ác của mình.

“Đi guốc trong bụng tội phạm” và nguyên tắc “hai không”

Khi nói chuyện với những kẻ giết người hàng loạt, người điều tra có thể phải hạ thấp bản thân xuống ngang mức tội lỗi của chúng để có được lòng tin của tội phạm. Richard Speck là một kẻ giết người hàng loạt, đã giết hại 7 y tá sinh viên tại Bệnh viện Cộng đồng South Chicago vào năm 1966. Hắn đã nhầm lẫn số lượng nạn nhân và một trong những y tá nạn nhân đã trốn thoát. Hai ngày sau vụ giết người, Speck đã tự cắt cổ tay và phải vào viện. Tại bệnh viện, một bác sĩ đã nhận ra hình xăm của hắn với dòng chữ “Born to Raise Hell” mà nạn nhân sống sót đã nhắc đến.

Khi Douglas và Ressler thẩm vấn, kẻ giết người không hợp tác và phớt lờ các đặc vụ. Sau đó, Douglas đã thay đổi chiến thuật và nói về Speck như thể hắn không hề có mặt tại đó. Doughlas quay đồng nghiệp và “tán róc”: “Hắn đã “khử” mất tám mạng người. Cậu có nghĩ rằng việc đó hay ho không?”. Speck bật cười và nói: “Các ông thật điên rồ. Chắc là chỉ có một ranh giới rất nhỏ giữa các ông và tôi”. Sau đó, Speck đã tỏ ra cởi mở hơn và cung cấp nhiều thông tin về tội ác của mình.

Việc lập hồ sơ hình sự giống như giải một chuỗi câu đố phức tạp. Nếu bạn muốn giải câu đố này một cách hiệu quả, các chuyên gia khuyên bạn nên đặt mình vào suy nghĩ của người kẻ săn mồi.

Nếu bạn không thoải mái với việc hình dung mình là kẻ giết người hàng loạt thì hãy tưởng tượng mình là một con sư tử trên đồng bằng Serengeti. Có một đàn linh dương và bạn đang tìm kiếm những con mồi với những dấu hiệu tinh tế của sự yếu đuối. Những kẻ săn mồi sẽ hướng sự tìm kiếm về những lỗ hổng đó để xác định con nào sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo. Đó cũng là cách nhiều kẻ giết người hàng loạt săn lùng con mồi tiềm năng của chúng trong sự hồi hộp và thích thú của một con thú rình mồi.

Chuyện nghề FBI ảnh 4
Sát nhân David Berkowitz.

Trong “Mindhunter: Inside The FBI Elite serial Crime Unit” của John E. Douglas và Mark Olshaker, Douglas viết: “Tôi phải đặt mình vào vị trí của kẻ tấn công, suy nghĩ như kẻ đó suy nghĩ, lên kế hoạch cùng hắn, để hiểu cảm giác hài lòng của kẻ giết người trong khoảnh khắc hắn thoát khỏi cuộc sống thực tại, khi những tưởng tượng bị dồn nén trở thành sự thật và cuối cùng hắn đã kiểm soát được, có thể hoàn toàn thao túng và thống trị một con người khác. Nói cách khác là phải “đi guốc” trong bụng” tội phạm”.

Ngoài ra, một nguyên tắc quan trọng nữa là nguyên tắc “Hai không”: Không thu âm, không ghi chép.

Theo kinh nghiệm, Douglas hiểu rằng, tội phạm thường co mình “thủ thế” trong các cuộc thẩm vấn được ghi âm. Vì vậy, ông thường không ghi âm cuộc thẩm vấn. Vì vậy, những gì mà người xem có thể thấy trên truyền hình trong chương trình Mindhunter cũng là những gì xảy ra ngoài thực tế đối với Douglas: Nhân viên điều tra mang một chiếc máy ghi âm vào phòng thẩm vấn, sau đó tắt máy đi. “Chúng tôi cũng làm như vậy, và đã thực sự tắt máy ghi. Bởi vì chúng tôi đang phải đối phó với những cá nhân rất hoang tưởng. Thậm chí những kẻ bị hỏi cung còn không muốn bị coi là kẻ lừa đảo”. Nếu bật máy ghi âm, tội phạm sẽ nghĩ đến những người sẽ nghe cuộn băng này, chứ không phải là người đang thẩm vấn. Còn nếu người thẩm vấn ghi chép, thì tội phạm sẽ để ý đến từng chi tiết và tự hỏi vì sao người điều tra lại ghi chép, với dụng ý gì... Như vậy, rất khó để tội phạm hoàn toàn trung thực trong cuộc thẩm vấn.

Vì thế, một trong những trở ngại khó khăn nhất khi thực hiện một cuộc thẩm vấn những kẻ giết người hàng loạt là những cuộc trò chuyện này có thể kéo dài từ 2 - 6 giờ mà người thẩm vấn không được ghi lại bất cứ điều gì. Ngoài ra còn có một tài liệu dài 57 trang cần được hoàn thành sau khi cuộc trò chuyện kết thúc để hồ sơ tội phạm có thể được xây dựng sau đó. Vì vậy, người thẩm vấn cần có một trí nhớ tuyệt vời.

Chủ động dẫn dắt

Khi thẩm vấn những kẻ giết người hàng loạt, người thẩm vấn thường không muốn dành quá nhiều thời gian để nghe những lời dối trá, nhất là khi để xây dựng một thân hồ sơ tội phạm, người điều tra cần phải là một cái nhìn sâu sắc chính xác về tâm trí và động lực của tội phạm. Mặc dù nhiều tội phạm đã được thẩm vấn trong khi chờ thi hành án tử, nhưng chúng vẫn sẽ cố gắng kiểm soát tình hình bằng cách tô điểm cho một sự kiện mà chúng thường tua đi tua lại trong tâm trí, bởi những kẻ giết người hàng loạt thường là những kẻ giả tưởng.

Mùa hè năm 1976, David Berkowitz , có biệt danh “Con trai của Sam”, đã bắn chết sáu người ở New York. Berkowitz tuyên bố rằng một con chó của người hàng xóm tên Sam chính là một ác quỷ và “ác quỷ” này đã buộc hắn phải giết người. Tuy nhiên, khi thẩm vấn tội phạm này, Douglas đã gạt bỏ được những lời hoang tưởng của Berkowitz. Khi Berkotwize kể lại câu chuyện đã thành nhàm chán, Douglas đã nói: “Này, này, David, hãy dừng những chuyện nhảm nhí đi. Con chó chẳng có gì liên quan cả”. Berkowitz bật cười và gật đầu đồng ý với Douglas. Điều đó cũng có nghĩa là cuộc thẩm vấn có thể chuyển sang nói về các yếu tố thúc đẩy thực sự đằng sau các tội ác.

Hầu hết, chúng ta đều có thể điều chỉnh cảm xúc và cảm thấy đau khổ khi chứng kiến sự đau khổ của người khác và có mong muốn làm một gì đó để giảm bớt nỗi đau khổ của người đó. Có kiểu sự đồng cảm: Đồng cảm nhận thức là khả năng biết người khác đang cảm thấy gì và đồng cảm cảm xúc là cảm nhận được những gì người khác cảm nhận.

Nhiều kẻ giết người hàng loạt hiểu sự đau khổ của một người khác và nhận ra nỗi sợ hãi của họ. Chỉ có điều, chúng cảm thấy “xúc động” hơn với hành vi săn mồi. Chính vì thế, chúng thường lợi dụng những đứa trẻ bị tách khỏi cha mẹ hoặc những cô gái trẻ đang đi bộ về nhà một mình. Một khi chúng đã hành động theo bản năng như một kẻ săn mồi, chúng gần như không thể cảm thấy tồi tệ về tội ác của chúng.

Mary Ellen O’Toole và Alisa Bowman trong cuốn sách Bản năng nguy hiểm đã viết: Một câu hỏi về sự hối hận hay cảm giác tội lỗi đối với tội phạm cũng giống như hỏi một người đàn ông cảm giác như thế nào khi mang thai. Đó là một kinh nghiệm họ chưa bao giờ có. Nếu bạn cứ hỏi một kẻ tâm thần về cảm xúc của họ (như cảm thấy thế nào về những nạn nhân đó?) thì chúng sẽ trở nên cáu kỉnh, bởi tội phạm coi cảm xúc là một thứ rắc rối, chứ không phải là thứ chúng cần có.

Ngoài ra, ngôn ngữ cơ thể cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Theo nhiều nghiên cứu, ngôn ngữ cơ thể chiếm 55% giao tiếp, do đó, trong môi trường phỏng vấn, cách người thẩm vấn thể hiện bản thân là vô cùng quan trọng. Nhiều khi họ phải tạo điều kiện để những kẻ giết người hàng loạt cảm thấy thoải mái nhất, dù có thể mất rất nhiều thời gian. Tội phạm sẽ thường được tháo còng và xích trước khi vào thẩm vấn.

Những nhân viên FBI dày dặn kinh nghiệm thường nói rằng, khi thực hiện thẩm vấn, họ thể hiện như đang có một cuộc hẹn cá nhân. Thay vì tư thế khoanh tay xa cách, họ thường giao tiếp bằng mắt, giữ giọng nói thoải mái và ngồi đưa chân về phía trước. Họ cũng tránh những từ như “giết”, “giết người” hay “hiếp dâm” vì điều này có thể đẩy kẻ giết người hàng loạt trở lại thái độ phòng thủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ