Chiến lược cũ lung lay

GD&TĐ - Do sự hoành hành của biến chủng Delta siêu lây nhiễm có tốc độ lây lan cao gấp nhiều lần so với virus gốc, kế hoạch tái mở cửa của nhiều nước đang bị đảo lộn.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Bên cạnh đó, chiến lược chống dịch hướng tới mục tiêu “sạch bóng Covid-19” vốn thu được thành công cũng đang bị biến chủng này thách thức.

Theo các chuyên gia của Đại học Hồng Kông, trong vòng một năm rưỡi kể từ khi Covid-19 bùng phát đầu tiên ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), nhiều quốc gia châu Á đã duy trì khá hiệu quả chiến lược chống dịch vô cùng khắt khe như xét nghiệm quy mô lớn và cách ly diện rộng ngay khi một vài ca nhiễm xuất hiện.

Đây là cách thức được coi là cực đoan để bảo đảm không có ca nhiễm nào trên phạm vi toàn quốc.

Cách tiếp cận hướng tới mục tiêu “sạch bóng Covid-19” như trên rõ ràng đã thu được thành công trong nhiều tháng tại một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Việt Nam hay Australia và New Zealand tại châu Đại Dương.

Tuy nhiên, bối cảnh đó là khi các nước chỉ phải đối phó với các ca nhiễm loại virus gốc, vốn có khả năng lây lan hạn chế nên các đợt bùng phát thường dễ dàng được dập tắt.

Khi biến chủng Delta có nguồn gốc từ Ấn Độ xuất hiện và nhanh chóng lan ra khắp thế giới thì các hình mẫu chống dịch đã không thể duy trì hiệu quả. Tốc độ lây nhiễm cao hơn tới 60% - 200% so với virus gốc của biến chủng Delta đang thách thức cách tiếp cận “sạch bóng Covid-19” ở hầu hết các nước.

Trong đó nghiêm trọng nhất là khu vực Đông Nam Á, khi gần như tất cả các quốc gia đều đang chìm trong sự tấn công khốc liệt của biến chủng này.

Theo các chuyên gia, sự hiệu quả của các chính sách chống dịch khắt khe để đưa số ca nhiễm về 0 đã không còn tác dụng với biến chủng Delta. Do đó, các nước châu Á vốn triển khai chính sách này đang buộc phải thay đổi tương tự như các nước Âu Mỹ là đẩy mạnh tiêm chủng để chung sống với virus, thay vì tìm mọi cách để quét sạch chúng. Nói cách khác, biến chủng mới đang khiến chiến lược này trở nên bất khả thi.

Trung Quốc vốn rất thành công với chiến lược trên khi hầu hết các thành phố đều có số ca nhiễm bằng 0 trong nhiều tháng kể từ sau khi khống chế được ổ dịch Vũ Hán. Nhưng nay, quốc gia đông dân nhất thế giới này đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới.

Bắt đầu từ thành phố Nam Kinh, biến chủng Delta đã lây sang nhiều địa phương khác và riêng ngày 10/8, Trung Quốc đã ghi nhận thêm 143 ca nhiễm mới, cao nhất trong 7 tháng qua.

Cũng trong ngày 10/8, Australia ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục tại thành phố Sydney với 66 ca. Đây là con số quá nhỏ so với các ổ dịch khác nhưng với biến chủng Delta thì giới chuyên gia dự báo đó là mối đe dọa thực sự với Australia.

Thủ tướng Scott Morrison cho biết, Sydney đang phải vật lộn với biến chủng và hy vọng sẽ trở lại bình thường vào cuối năm nay, khi tất cả công dân trên 16 tuổi đều được tiêm vắc-xin.

Như vậy, biến chủng Delta đang làm thay đổi cách tiếp cận chống dịch tại hầu hết các nước, từ truy cùng diệt tận virus sang chung sống với virus bằng tiêm chủng vắc-xin toàn dân. Quốc gia Đông Nam Á đang gặt hái thành công nhất với chiến lược mới này là Singapore trong bối cảnh các nước láng giềng chìm trong đại dịch.

Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung cho biết, đến đầu tháng 9 sẽ có 80% dân số đảo quốc được tiêm hai liều vắc-xin và sẵn sàng chuyển sang một xã hội sống chung bền vững với Covid-19. Qua đó, Singapore đang dần trở thành hình mẫu chống dịch mới bằng chính sách vắc-xin khi chiến lược “sạch bóng virus” không còn khả thi như trước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2024.

Thái Nguyên khai mạc năm du lịch 2024

GD&TĐ - Ngày 25/4, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.