Chấm dứt “ngọn lửa” kỳ thị vì đại dịch

GD&TĐ - Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định sử dụng chữ cái Hy Lạp để gọi tên các biến chủng của virus SARS-CoV-2, nhằm tránh gây kỳ thị, phân biệt đối xử.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đối với các biến thể đang được quan tâm gần đây, B.1.1.7 (được xác định lần đầu tiên ở Vương quốc Anh) giờ đây sẽ mang tên là alpha. Trong khi đó, B.1.351 (Nam Phi) sẽ là beta, P1 (Brazil) là gamma và B.1.6172 (Ấn Độ) là delta.

Ngoài ra, WHO cũng đặt tên biến thể B.1427 / B.1429 (Mỹ) là epsilon, P2 (Brazil) là zeta, B.1525 là eta, P3 (Philippines) là theta, B.1526 (Mỹ) là iota và B.1.6171 (Ấn Độ) là kappa.

Không ít chuyên gia bày tỏ hy vọng rằng, hệ thống mới này sẽ chấm dứt tình trạng kỳ thị, khi các biến thể từng được đặt tên theo nơi chúng xuất hiện. Việc đặt tên mới cho các biến thể cũng được coi là một bước vô cùng quan trọng.

Bởi, nghiễm nhiên, sử dụng tên địa lý có thể gây phân biệt chủng tộc. Đồng thời, khiến các quốc gia có xu hướng không muốn tìm ra các biến thể mới. Lý do là vì hình ảnh quốc gia họ có thể bị tổn hại.

Ngoài ra, không có gì bảo đảm rằng, cách gọi biến thể bằng tên địa lý là chính xác. Theo các chuyên gia, các biến chủng của virus có thể dễ dàng lan truyền trước khi được phát hiện.

Đặt tên một căn bệnh theo nơi bắt nguồn đã trở thành một... “truyền thống”. Từ nhiều năm trước, Italy, Đức và Anh đã gọi bệnh giang mai là “căn bệnh của người Pháp”. Trong khi đó, Pháp gọi đây là “bệnh Neapolitan”.

Ngoài ra, một số căn bệnh được đặt tên theo quốc gia bao gồm: Sởi Đức, virus Tây sông Nin, hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (Mers), Ebola (tên một con sông ở Cộng hòa Dân chủ Congo), viêm não Nhật Bản, Zika (một khu rừng ở Uganda) và bệnh Lyme (tên một thị trấn ở Connecticut).

Tất nhiên, không ai muốn đất nước, thị trấn, dòng sông hoặc khu rừng của quốc gia mình bị kỳ thị, bởi liên quan đến một căn bệnh truyền nhiễm. Do đó, xu hướng “bền vững” trong y học hiện nay là tránh đặt tên cho các bệnh theo nơi chúng được xác định lần đầu tiên. Vì lẽ đó, khi đặt tên cho căn bệnh do SARS-CoV-2 gây ra, WHO đã gọi đây là Covid-19.

Mặc dù vậy, một bộ phận không nhỏ vẫn “thản nhiên” nói về biến thể Nam Phi, biến thể Brazil hay biến thể Ấn Độ... Song, chúng ta không nghĩ rằng, những cụm từ đó chính là hành động châm ngòi cho ngọn lửa phân biệt chủng tộc đối với người dân tại các quốc gia này.

Theo Tạp chí Nature, những tên khoa học của các biến thể đôi khi trở thành “một mớ hỗn độn”. Tại Anh, biến thể có khả năng lây truyền cao - B.1.1.7 được gọi là Kent. Ngoài ra, biến thể này có hai tên chính thức, tùy thuộc vào hệ thống. Nó được gọi là B.1.1.7 trong hệ thống danh pháp dòng Pango. Song, ở hệ thống Nexstrain, biến thể này có tên là 20I / 501Y.V1.

Với những tên khoa học khó phát âm như vậy, có lẽ, đó cũng là điều dễ hiểu khi các phương tiện truyền thông chọn cách gọi tên biến thể bằng nơi chúng được phát hiện lần đầu.

Song, thật may mắn khi hệ thống tên mới do WHO đặt được cho là dễ phát âm, dễ nhớ và quan trọng là không mang sự kỳ thị. Trước cách gọi tên mới này, hy vọng rằng, sau cùng, nạn phân biệt trong “trò chơi đổ lỗi” có thể được đưa về “trạng thái nghỉ ngơi”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ