Cách viết chữ M “bán đứng” kẻ bắt cóc trẻ em

GD&TĐ - Năm 1956, một vụ bắt cóc trẻ em nhằm vào gia đình thuộc tầng lớp trung lưu tại Long Island, New York, Mỹ làm dấy lên nỗi sợ hãi khắp đất nước.

Sân trước nhà, nơi Peter Weinberger, bị bắt cóc.
Sân trước nhà, nơi Peter Weinberger, bị bắt cóc.

Thông tin duy nhất có được là mảnh giấy đòi tiền chuộc của kẻ bắt cóc. Nhờ manh mối ít ỏi này, cơ quan điều tra đã phát hiện ra cách viết chữ “m” bất thường và truy ra tội phạm.

Nỗi sợ hãi bắt đầu

Đối với người dân Long Island, New York, đó là “tội ác thế kỷ” khi bé trai một tháng tuổi Peter Weinberger bị bắt cóc gần nhà riêng vào ngày 4/7/1956. Sự việc giống như một quả bom kích nổ, gieo rắc nỗi sợ hãi cho các ông bố bà mẹ trên khắp nước Mỹ. Một khi tên bắt cóc chưa bị tống vào tù, phụ huynh tại Long Island và cả đất nước phải nâng cao cảnh giác đối với sự an toàn của con cái.

Điều đặc biệt, đứa trẻ bị bắt cóc không xuất thân từ gia đình khá giả. Bố mẹ em thuộc tầng lớp trung lưu, sống tại vùng ngoại ô Long Island, nơi mọi người không mảy may nghĩ rằng sẽ bị tội phạm tống tiền nhắm tới. Sau khi vụ việc xảy ra, nước Mỹ đặt trong tình trạng mất an toàn. Mọi người đều khóa cửa nhà. Không ai còn chủ quan về xuất thân của mình nữa.

Chiều ngày 4/7/1956, Betty Weinberger quấn con trai Peter mới một tháng tuổi trong chăn, đặt cậu bé vào xe đẩy trước sân nhà ở khu Westbury, Long Island. Trong khi em bé ngủ, bà mẹ quay vào nhà khoảng 10 phút.

Khi Betty trở ra để kiểm tra tình hình của con thì thấy tấm màn chống muỗi bị lật tung. Bên trong chiếc nôi chỉ còn lại một mảnh giấy với nội dung kẻ bắt cóc xin lỗi về hành động của mình nhưng hắn đang rất cần tiền. Hắn yêu cầu gia đình em bé giao nộp tiền chuộc là 2.000 USD (khoảng 46 triệu đồng).

Kẻ bắt cóc hứa sẽ đưa em bé về nhà an toàn vào ngày hôm sau nếu yêu cầu của hắn ta được đáp ứng. Bất chấp lời de dọa của kẻ bắt cóc rằng “sẽ giết đứa bé nếu gia đình hành động sai lầm”, Betty đã gọi cho Sở Cảnh sát hạt Nassau.

Bố của bé Peter, ông Morris Weinberger đã yêu cầu các tờ báo không đưa tin về vụ bắt cóc để thuận lợi cho quá trình điều tra của cảnh sát. Tất cả các tờ báo in vào thời điểm đấy đều chấp nhận lời thỉnh cầu, trừ tờ New York Daily News.

Bà Betty Weinberger suy sụp khi phát biểu trên sóng truyền hình.
Bà Betty Weinberger suy sụp khi phát biểu trên sóng truyền hình.

“Giăng lưới” kẻ bắt cóc

Trên trang nhất số ra ngay sau ngày diễn ra vụ bắt cóc, New York Daily News tổng thuật lại tình tiết vụ án, thậm chí tiết lộ địa điểm kẻ bắt cóc hẹn giao nộp tiền chuộc. Phóng viên các báo đã chờ sẵn và “xới tung” điểm hẹn.

Họ còn cử người túc trực tại nhà của Weinberger để dự trù trường hợp kẻ bắt cóc quay lại đột nhập. Cảnh sát đã yêu cầu phóng viên rời khỏi điểm hẹn, chỉ cho một nhiếp ảnh gia và một phóng viên ở lại.

Vào 9 giờ 55 phút sáng ngày 5/7, cảnh sát đặt hai gói tiền chuộc giả dưới gốc cây ở khu vực hẹn chuộc. Bên trong các gói là giấy trắng bọc giấy bạc. Cảnh sát trưởng Stuyvesant Pinnell cho biết tổ điều tra đã được tập huấn và không rời mắt khỏi gói hàng. Một khi gói hàng biến mất, mọi người sẽ hành động.

10 phút sau, một chiếc taxi được điều khiển bởi người phụ nữ lạ mặt đi qua điểm hẹn ba lần. Một lát sau, chiếc xe khác màu đỏ do một người phụ nữ cầm lái tiến gần tới gói hàng nhưng vội rời đi ngay khi thấy một cậu bé lạ mặt đi qua. Không ai khác xuất hiện. Vì nhiều lý do, cảnh sát đã không theo dõi hai chiếc xe.

Biết rằng việc “nhử” kẻ bắt cóc lộ diện không thành công, cảnh sát chuyển sang phương án hai là tổ chức họp báo. Trên các phương tiện truyền hình, đài phát thanh, Betty Weinberger tuyên bố: “Tôi là mẹ của Peter Weinberger. Tôi sẵn sàng hợp tác dưới mọi hình thức. Điều tôi quan tâm nhất là sự an toàn của con trai. Cháu mới chỉ bốn tuần tuổi”.

Lần khác, Betty lên sóng truyền hình để kêu gọi kẻ bắt cóc pha sữa theo công thức cho em bé. Theo lời cảnh sát, đó là công thức rởm. Tuy nhiên, nếu kẻ bắt cóc cố gắng pha sữa theo công thức, hắn phải mua nguyên liệu ở nhà thuốc. Những người bán hàng sẽ phát hiện và báo tin cho cảnh sát.

Đến ngày 10/7, sáu ngày sau vụ việc, kẻ bắt cóc gọi điện đến nhà Weinberger qua hai lần khác nhau. Hắn chỉ dẫn gia đình đến nơi chuộc tiền thứ hai. Nhưng hắn ta tiếp tục không xuất hiện tại hai địa điểm. Ở lần hẹn thứ 2, hắn đánh rơi một túi vải màu xanh bên lề đường. Trong chiếc túi có một mảnh giấy viết tay, được nghi ngờ là của kẻ bắt cóc, hướng dẫn gia đình Weinberger nơi tìm bé Peter nếu mọi chuyện suôn sẻ.

Tờ ghi chú thứ hai được các chuyên gia về chữ viết kiểm tra. Họ kết luận rằng nó và tờ ghi chú đòi tiền chuộc đầu tiên được viết bởi cùng một người.

Đối chiếu thư đòi tiền chuộc (trái) với cách viết chữ của LaMacro (phải).
Đối chiếu thư đòi tiền chuộc (trái) với cách viết chữ của LaMacro (phải).

FBI vào cuộc

Ngày 11/7, sau thời gian chờ đợi 7 ngày theo quy định, Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã vào cuộc. Manh mối duy nhất khi đó là hai mẩu giấy đòi tiền chuộc. Các chuyên gia về chữ viết tay từ Phòng thí nghiệm FBI tại Washington DC đã đến New York điều tra.

Nhóm bắt đầu từ việc kiểm tra số lượng chữ viết tay do Cục Phương tiện Cơ giới bang New York cung cấp. Số này được thu thập từ các văn phòng quản chế, bang, liên bang, trường học, nhà máy.

Trong quá trình phân tích, FBI nhận thấy kẻ bắt cóc có thói quen viết chữ “m” nghiêng nên trông gần giống chữ “z”. Họ bắt đầu chú ý đến cách viết chữ “m” trong các văn bản thu thập được. Ngoài ra, các điều tra viên cũng tổng hợp các đặc điểm từ 16 chữ cái của kẻ bắt cóc. Những chuyên gia về chữ viết tay đã mở khóa học cấp tốc để hướng dẫn một số điều tra viên khác, nhằm đẩy nhanh quá trình điều tra.

Đồng thời, họ bắt chước cách viết của kẻ bắt cóc để viết một bức thiệp chúc mừng sinh nhật từ 16 chữ cái. Những người thuộc diện tình nghi được yêu cầu ngồi chép tay nội dung bức thiệp nhưng không ai có kiểu viết chữ tương tự.

Sau khi loại bỏ gần hai triệu mẫu viết tay, ngày 22/8/1956, FBI phát hiện tại Văn phòng Quản chế Mỹ ở thành phố Brooklyn ghi nhận một bản chữ viết giống với mẫu chữ trong thư đòi tiền chuộc. Bản chữ viết này nằm trong hồ sơ quản chế công dân Angelo LaMarca, 31 tuổi. Hắn ta từng bị bắt giữ vì hành vi bán rượu lậu.

Theo điều tra, LaMarca là nhân viên điều phối taxi, tài xế xe tải. Hắn sống cùng vợ và hai con tại Plainview, New York. LaMarca đang ở trong tình cảnh túng quẫn khi không trả được tiền nhà, còn nhiều hóa đơn chưa thanh toán và bị đe dọa bởi một kẻ cho vay nặng lãi. Hắn ta còn nợ 1.800 USD (khoảng 41 triệu đồng).

Ngày 4/7, hắn ta lái xe xung quanh Westbury, cách nhà 11 km, cố gắng nghĩ cách để xoay sở được số tiền mình cần. Hắn ta nhìn thấy ở sân trước của gia đình Betty, bà mẹ đặt con trai trong xe nôi rồi quay vào nhà. Trong phút bốc đồng, LaMarca viết vội tờ giấy đòi tiền chuộc rồi bế bé Peter đi mất.

Sự thật bi thảm

LaMacro bị bắt vào ngày 23/8 vì tội bắt cóc và giết người.
LaMacro bị bắt vào ngày 23/8 vì tội bắt cóc và giết người.

Ngày 23/8/1956, LaMarco bị bắt tại nhà riêng. Ban đầu, hắn ta phủ nhận tội ác song đành phải thừa nhận khi cảnh sát chỉ ra bằng chứng từ chữ viết tay.

Hắn ta khai rằng đã đến điểm hẹn ngay sau ngày bắt cóc nhưng do thấy đông phóng viên, hắn hoảng sợ bỏ chạy. LaMarco vội lái xe rời đi nhưng bỏ mặc bé Peter còn sống trong một bụi cây rậm rạp gần đường cao tốc.

Các đặc vụ FBI và Cảnh sát hạt Nassau đã tổ chức khám xét khu vực này và phát hiện một bọc tã. Bên trong là xác của bé Peter đang phân hủy. Cuộc điều tra thương tâm chính thức khép lại.

Trở ngược lại thời gian Betty lên sóng truyền hình, khẩn nài kẻ bắt cóc hãy bảo vệ an toàn cho con trai cô mà không hay biết rằng em bé đã bị bỏ rơi. Sau sự kiện ấy, rất nhiều người gọi điện cho Betty để trục lợi. Họ giả làm kẻ bắt cóc, đòi tiền chuộc nhưng đến khi được hỏi về cách thức bắt cóc, họ liền dập máy.

Cuộc gọi từ những kẻ vô lương tâm hết gieo hy vọng rồi lại đẩy gia đình Weinberger vào tuyệt vọng. Trong khi đó, kẻ bắt cóc lại hành động táng tận lương tâm khi vứt bỏ đứa trẻ mới chỉ một tháng tuổi ở bụi cây.

Thời điểm phát hiện ra cái chết của con trai, Betty cho biết: “Chúng tôi đã cầu nguyện con trai mình vẫn sống khỏe mạnh, đang được ai đó chăm sóc ở đâu đó ngoài kia. Chúng tôi không tin bất cứ điều gì cho đến khi nghe tin đau lòng từ cơ quan điều tra. Chúng tôi không thể diễn tả cảm xúc của mình vào thời điểm hiện tại.

Vì LaMarca phạm tội trong bang, không vi phạm quy chế bắt cóc liên bang nên hắn ta được giao lại cho chính quyền hạt Nassau để xét xử. Cuối năm 1956, LaMarca bị tuyên án tử hình về tội bắt cóc và giết người. Gần Năm 1958, bản án được thi hành tại nhà tù Sing Sing.

Sửa đổi điều luật

Vụ bắt cóc bé Peter đã làm thay đổi luật bắt cóc tại Mỹ. Trước đây, luật quy định 7 ngày sau vụ bắt cóc, FBI sẽ tham gia hỗ trợ điều tra. Tuy nhiên, trong vụ án của bé Peter, thời gian 7 ngày là quá dài.

Sau vụ án này, Tổng thống Mỹ Eisenhower đã ký điều luật mới, rút ngắn thời gian chờ tham gia điều tra của FBI trong các vụ bắt cóc từ 7 ngày xuống còn 24 giờ.

Đến năm 1990, luật này tiếp tục được thay đổi. Theo đó, tất cả cơ quan thực thi pháp luật phải ngay lập tức hành động trong trường hợp trẻ em mất tích mà không cần chờ đợi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ