Cả làng thành góa phụ vì con đường tử thần

Hàng loạt vụ tai nạn chết người trên cao tốc 44, con đường nối liền miền bắc và miền nam Ấn Độ, đã biến biến ngôi làng gần đó thành làng góa phụ.

Đường cao tốc 44, con đường tử thần, nối liền miền bắc và miền nam Ấn Độ. Ảnh: BBC
Đường cao tốc 44, con đường tử thần, nối liền miền bắc và miền nam Ấn Độ. Ảnh: BBC

Làng Peddakunta, thuộc huyện Mahbubnagar của bang Telangana, nằm tiếp giáp với đường tránh cao tốc. Peddakunta còn có tên gọi khác là "ngôi làng của những góa phụ đường cao tốc".

35 ngôi nhà mục nát trong làng là nơi sinh sống của các hộ dân. Sau khi 37 người đàn ông qua đời và ba người khác bỏ đi tìm cuộc sống mới, hiện trong làng chỉ còn một nam giới trưởng thành.

Số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ ra rằng cứ 4 phút lại có một người chết vì tai nạn giao thông ở Ấn Độ, nhưng con số này vẫn chưa là gì so với trường hợp của làng Peddakunta.

Lời nguyền của các vị thần

"Không còn bóng đàn ông nào ở đó. Cơ quan hành chính của làng nằm phía bên kia đường cao tốc. Mọi người đều phải qua đường khi có việc cần và nhiều người đã không quay trở lại", cụ Mohammed Dastagir, 65 tuổi, chủ hàng thuốc lá gần con đường dẫn đến làng góa phụ, cho hay.

"Vụ việc gây sốc nhất xảy ra cách đây vài tháng khi một người dân của ngôi làng gần đó đến văn phòng chính quyền nộp đơn khiếu nại về tình hình tai nạn giao thông và cũng mất mạng trên đường quay về", cụ kể.

Peddakunta còn có tên gọi khác là

Peddakunta còn có tên gọi khác là "ngôi làng của những góa phụ đường cao tốc". Ảnh: BBC

Con trai của Korra Sakini, 44 tuổi, qua đời cách đây ba năm vì tai nạn trên đường 44. Vài tháng sau, cũng tại vị trí tử thần đó, nơi đường dẫn từ làng ra giao với cung đường tránh đông đúc, chồng cô qua đời.

"Chúng tôi được phát nửa cân gạo để ăn. Tôi không có tiền, không gia đình, không việc làm và không biết sống để làm gì. Các vị thần đã nguyền rủa chúng tôi. Không có nam giới nào trong làng sống được lâu. Con đường cao tốc này chỉ là phương tiện mang theo số phận của chúng tôi mà thôi", Sakini nói.

Nhiều phụ nữ trong làng như Sakini đều cam chịu chờ đợi cái chết. Sau khi báo chí đưa tin, nhiều quan chức chính phủ đã đến đây, nhưng dân làng chưa nhận được một rupee nào.

Bất lực

Khi cung đường tránh được xây dựng cách đây gần 10 năm, phương án mở một làn đường tiện lợi đã được thông qua để người đi bộ có thể sang bên kia đường mà không phải băng qua đường cao tốc. 

Tuy nhiên, kế hoạch này đến nay vẫn chưa thành hiện thực và người dân vẫn phải băng qua 4 làn đường nếu muốn đi nhận tiền trợ cấp hàng tháng hay đi làm ở những làng lân cận.

Thariya Korra là người đàn ông duy nhất trong làng còn sống. Sau khi vợ qua đời vì tai nạn như bao trường hợp khác ở Peddakunta, anh một mình nuôi nấng cậu con trai 5 tuổi.

"Đường cao tốc xuất hiện trước, nhưng nó không mang lại sự giàu có nào mà chỉ gây ra cái chết. Sau này, một nhà máy được xây dựng. Chúng tôi được hứa hẹn sẽ có nước sạch, trung tâm chăm sóc sức khỏe và việc làm. Nhưng không có gì cả", anh nói.

Thariya Korra là người đàn ông duy nhất còn sống trong làng. Ảnh: BBC

Thariya Korra là người đàn ông duy nhất còn sống trong làng. Ảnh: BBC

Làng Peddakunta là một trong những làng nghèo nhất của huyện Mahbubnagar. Nghiện rượu và mù chữ còn khiến tình cảnh của người dân nơi đây càng trở nên khó khăn hơn.

Anchan, 7 tuổi, là một trong 5 đứa trẻ của làng này được đến trường.

"Chúng tôi rất sợ khi các con về nhà muộn. Chúng tôi có quá nhiều nỗi buồn trong khi không có bất kỳ điều gì để vui mừng", mẹ cậu bé nói.

Nhiều phụ nữ trong làng đã buộc phải làm gái mại dâm để kiếm tiền, thậm chí chỉ để đổi lấy đồ ăn.

"Chúng tôi có thể làm gì đây? Sau khi đàn ông trong làng đều chết hết, chúng tôi gần như bất lực. Đàn ông từ làng khác đã đến đây để tìm chúng tôi", một người phụ nữ tên Korra Panni tâm sự.

Bà Nenavath Rukya cũng mất cả chồng, ba con trai và con rể trên đường cao tốc. Không thể tránh được những con mắt dòm ngó của đàn ông làng bên, bà đã đưa con dâu về nhà bố mẹ đẻ.

"Chúng tôi còn muốn đưa tất cả bọn trẻ đến các khu nhà tập thể của chính phủ để chúng có thể sống bình thường", bà nói.

Theo vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ