Bầu cử châu Âu: Cuộc biểu dương sức mạnh của chủ nghĩa dân túy?

GD&TĐ - Trong nhiều tuần, những người theo chủ nghĩa dân túy cực hữu ở châu Âu đã rầm rộ biểu dương lực lượng ở khắp lục địa và thể hiện mình như một mặt trận thống nhất sẽ ghi điểm đột phá lớn trong cuộc bầu cử tuần này ở Nghị viện châu Âu.

Lá cờ châu Âu đang bay theo một hướng
Lá cờ châu Âu đang bay theo một hướng

Lực lượng dân túy tập hợp

Cái bắt tay gần đây nhất của các nhóm dân túy đã diễn ra cuối tuần qua ở Milan, khi mà nhà dân túy Italia Matteo Salvini gặp gỡ biểu tượng cực hữu của Pháp Marine Le Pen cùng gần một chục nhà lãnh đạo dân túy khác. Họ kỳ vọng đánh bại Liên minh châu Âu, thông qua vấn đề người di cư và Hồi giáo, họ cũng hứa hẹn bình minh của một kỷ nguyên dân tộc mới.

Nhưng điều này cũng nói lên những gì mà các nhà dân túy lảng tránh: Vụ bê bối nổ ra ở Áo dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ liên minh quốc gia sau khi phó chủ tịch phe cực hữu bị bắt gặp trong một video với một người phụ nữ tự xưng là một nhà đầu tư Nga.

Vụ bê bối đã làm rung chuyển Áo. Nhà lãnh đạo của Đảng Tự do cực hữu này phải nhanh chóng từ chức và các cuộc bầu cử mới đã được kêu gọi tiến hành trong tháng 9. Mặc dù vậy, chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử Quốc hội châu Âu, khắp châu Âu đang gợn lên làn sóng cho rằng Nga cũng có mối quan hệ sâu sắc với nhiều đảng dân túy khác.

Tom Tugendhat, một nhà lập pháp Đảng Bảo thủ ở Anh, tỏ ý băn khoăn rằng liệu có bao nhiêu trong số các phong trào dân tộc này sẽ có lợi cho Nga. Vẫn còn quá sớm để biết liệu vụ bê bối của Áo có ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu hay không, khi mà các cuộc bầu cử này đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hình tiến trình của Liên minh châu Âu trong 5 năm tới, đặc biệt là khi các nhà lãnh đạo chính thống đang phải vật lộn để giành lại sự ủng hộ của các cử tri.

Cơ hội mở rộng quyền lực dân túy

Nhiều người theo chủ nghĩa dân túy cực hữu coi cuộc bầu cử là một phong vũ biểu để đo sự tức giận và chia rẽ ở châu Âu, đồng thời cũng là cơ hội tốt nhất của họ trong nhiều năm để mở rộng quyền lực ở Brussels, nơi đặt trụ sở của Liên minh châu Âu. Những người theo chủ nghĩa dân túy dự kiến sẽ không

giành được số lượng lớn nhất trong số 751 ghế của Nghị viện, chứ chưa nói đến đa số, nhưng các nhà phân tích dự đoán một cuộc đột phá bầu cử lớn chắc chắn sẽ phá vỡ chính trường châu Âu.

Mujtaba Rahman, Giám đốc điều hành châu Âu cho Tập đoàn Eurasia nhận định, đây là lần đầu tiên, người ta thấy đại diện dân túy có ý nghĩa ở cấp độ châu Âu, vì vậy, ít nhất có nguy cơ một nhóm nổi dậy dân túy cố gắng chiếm lấy hoặc làm tê liệt các thể chế từ bên trong khả năng hành động của châu Âu.

Trước cuộc bầu cử, Nga không phải là một vấn đề lớn, nhưng quả thực, mối quan hệ chặt chẽ giữa Đảng Tự do Áo với Nga đã trở thành điều đáng lưu ý. Ông Salvini, lãnh đạo Liên đoàn dân túy ở Italia, từ lâu đã thẳng thắn khen ngợi Tổng thống Vladimir V. Putin và từng mặc áo phông Putin tại một cuộc họp của Nghị viện châu Âu. Bà Le Pen cũng rất ủng hộ Nga; đảng cực hữu của bà đã từng nhận được khoản vay từ một ngân hàng nhà nước Nga.

Trong nhiều năm, ông Putin đã xây dựng mối quan hệ với các đảng cực đoan ở châu Âu với tư cách là đồng minh. Nhiều đảng chính ở châu Âu luôn cảnh giác hoặc không tin tưởng hoàn toàn đối với ông Putin, trong khi nhiều nhà lãnh đạo dân túy lại kêu gọi quan hệ chặt chẽ hơn với Nga.

Sự phân chia trong chính trường châu Âu

Chính trường châu Âu đã bị phân nhỏ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, và sự tức giận dân túy ngày càng sâu sắc sau khi dòng người di cư từ châu Phi và Trung Đông tấn công vào lục địa này, khuấy động lại một số xung lực từ xa xưa, cũng là những hình ảnh xấu xí nhất của lục địa.

Chủ nghĩa bài Do Thái đang trỗi dậy; phong trào chống tinh hoa và chống nhập cư này càng nóng. Các phong trào dân tộc và chủ nghĩa độc tài đang đạt được tầm ảnh hưởng, trong khi các đảng phát xít mới một thời bị gạt ra bên lề lại bắt đầu có tiếng nói hơn.Tuy nhiên, nếu những người theo chủ nghĩa dân túy đã tuyên bố sẽ phá vỡ Liên minh châu Âu, thì họ cũng đã làm dịu đi chương trình nghị sự của mình để lấy lòng công chúng.

Các cuộc thăm dò tại các quốc gia thành viên, trừ Anh, cho thấy các cử tri, nếu không hài lòng với hoàn cảnh hiện tại của họ, thì cũng chỉ mong muốn những sự thay đổi, chứ không phải phá hủy liên minh. Đó là lý do tại sao các nhà lãnh đạo như ông Salvini và bà Le Pen nói về việc thay đổi Liên minh châu Âu từ bên trong.

Những người theo chủ nghĩa dân túy cực hữu đổ lỗi cho các quan chức từ xa ở Brussels về các vấn đề nóng bỏng như di cư, khủng bố và Hồi giáo. Họ kêu gọi trao quyền lực nhiều hơn cho chính phủ quốc gia và hy vọng cuộc bầu cử sẽ giúp cả Brussels và cho họ thêm đòn bẩy cho nền chính trị trong nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ