AUKUS và nguy cơ bất ổn khu vực

GD&TĐ - AUKUS được công bố hôm 16/9 trong sự bất ngờ của nhiều nước và nhiều tổ chức khu vực, khi họ không hề được tham vấn về sự ra đời của liên minh này.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nhiều chuyên gia cho rằng, hiệp ước thành lập liên minh chiến lược AUKUS giữa Australia với Anh và Mỹ, với thoả thuận hỗ trợ Australia phát triển hạm đội tàu ngầm hạt nhân, đã tạo ra những tác động vượt ra ngoài khu vực châu Á – Thái Bình Dương và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về chiến lược.

Người ta nhìn nhận rằng, AUKUS được hình thành với mục đích chiến lược là kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc nói chung, và với nhiều người, đây còn là cách để kiềm chế những hành động hung hăng của Trung Quốc nói riêng.

AUKUS sẽ có ảnh hưởng đến sự cân bằng chiến lược trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhưng rõ ràng đang khiến các quốc gia trong và ngoài khu vực lo ngại.

Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob bày tỏ lo ngại rằng liên minh quốc phòng mới sẽ kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ông đã cùng với các nhà chức trách Indonesia gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc xây dựng quân đội và ảnh hưởng của hiệp ước AUKUS đối với sự ổn định khu vực.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tuyên bố, bất kỳ tàu ngầm hạt nhân nào do Australia mua sẽ không được phép hoạt động trong vùng biển của quốc gia này. Lập trường của bà nhất quán với chính sách phi hạt nhân lâu đời của New Zealand.

Alexey Muraviev, Phó giáo sư nghiên cứu chiến lược và an ninh quốc gia tại Đại học Curtin, nói với tờ The National: “AUKUS sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực. Hiện tại, có bốn cường quốc quân sự lớn có khả năng tàu ngầm hạt nhân ở châu Á – Thái Bình Dương: Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ. Úc sẽ là cường quốc thứ năm với khả năng đó. Đó là một sự phát triển đáng kể”.

Sau khi có thông tin về thoả thuận, Trung Quốc đã nói về nguy cơ của một cuộc chạy đua vũ trang và sẽ đáp trả. Sức mạnh hải quân của Trung Quốc đã và đang phát triển với một tốc độ đáng kinh ngạc trong thập kỷ qua và giờ đây họ có thể tìm cách đẩy nhanh hơn – các nhà phân tích cho biết.

Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Hoa Kỳ, Hải quân Trung Quốc đã vượt qua Hải quân Mỹ về quy mô vào năm ngoái, đạt sức mạnh từ 360 tàu chiến có khả năng chiến đấu so với 297 tàu của Hoa Kỳ.

Giáo sư Muraviev cho biết: Trung Quốc có năng lực tàu ngầm hạt nhân, khả năng tác chiến chống tàu ngầm. Họ có thể xem xét việc rời khỏi cam kết không liên kết và hình thành liên minh của riêng họ.

Nga có thể trở thành một phần của liên minh này. Hai nước vẫn nói rằng họ chưa sẵn sàng để bắt đầu một liên minh quân sự chính thức, nhưng đó là trước khi tuyên bố AUKUS hôm 16/9.

Trang CNA cho rằng, hầu hết các nước Đông Nam Á công khai thể hiện không hài lòng với AUKUS, nhưng một số nước theo đuổi quan điểm cứng rắn trong khu vực có thể chấp nhận thoả thuận này vì nó giúp kiềm chế các hành vi gây hấn của Trung Quốc.

Rõ ràng họ e ngại về việc cán cân quyền lực nghiêng về Trung Quốc thời gian gần đây, đặc biệt khi nước này tăng cường các hoạt động quân sự trên Biển Đông, ban hành các luật lệ gây tranh cãi như luật Hải cảnh, An toàn hàng hải nhằm tạo sự mập mờ cố ý để hợp pháp hoá yêu sách đường lưỡi bò trên Biển Đông và bắt nạt các nước khác.

CNA cho rằng, Nhật Bản, Hàn Quốc theo đuổi cách tiếp cận này, bằng chứng là sự im lặng của hai nước này trước việc thành lập AUKUS.

Trong khi đó, các thành viên ASEAN hoan nghênh sự tham gia của Mỹ trong khu vực vì hoà bình, ổn định, phát triển nhưng họ hiểu rằng bất kỳ xung đột nào giữa Mỹ - Trung có thể gây thảm hoạ với mình, nhất là trong cuộc cạnh tranh quyền lực gay gắt giữa hai cường quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện nay, tình hình an ninh mạng tại Việt Nam đang trở nên phức tạp hơn thể hiện qua số lượng đáng báo động là 13.900 vụ tấn công mạng được ghi nhận vào năm 2023.

'Giải mã' mục tiêu của mã độc Ransomware

GD&TĐ - Ransomware là một loại virus được mã hóa có nguy cơ gây tổn thương hệ thống mạng toàn cầu; cứ 11 giây, một tổ chức là mục tiêu của mã độc Ransomware.