Anh: Âm nhạc đang biến mất khỏi chương trình GD trung học

GD&TĐ - Âm nhạc có thể biến mất khỏi chương trình giảng dạy ở các nhà trường trung học của Anh, khi mà các nghiên cứu đang chỉ ra rằng số trường cung cấp môn học ở cấp độ A đang giảm mạnh và ngày càng ít HS tham gia khóa học GCSE.

HS học cách chơi guitar trong một giờ học âm nhạc ở trường trung học tại London
HS học cách chơi guitar trong một giờ học âm nhạc ở trường trung học tại London

Những con số thê thảm

Một cuộc khảo sát của ĐH Sussex cho thấy, số trường học cung cấp âm nhạc cho HS theo tiêu chuẩn A-level (Văn bằng tiêu chuẩn để được xét tuyển vào ĐH tại Anh, vốn rất khắt khe trong các điều kiện để đạt được và thường đây sẽ là điểm cộng lớn để các trường ĐH hàng đầu quan tâm đến khi xem xét hồ sơ của ứng cử viên tuyển sinh) đã giảm hơn 15% trong hai năm qua. Bức tranh thậm chí còn tồi tệ hơn đối với công nghệ âm nhạc A-level, đã giảm 32% so với cùng kỳ.

Nghiên cứu cũng cho thấy số lượng HS tham gia đầu vào khóa học GCSE (viết tắt tiếng Anh của Chứng chỉ tổng quát về giáo dục trung học, là một tập hợp các kỳ thi được thực hiện ở Anh, xứ Wales, Bắc Ireland và các lãnh thổ khác của Anh; HS theo học thường ở độ tuổi từ 15 - 16 tuổi và được cấp chứng chỉ sau hai năm học, nếu đạt được kết quả theo yêu cầu) giảm 10% kể từ năm 2016, với ít trường cung cấp tùy chọn hơn và một số trường chỉ cung cấp ngoài giờ học.

Cuộc khảo sát được ĐH Sussex tiến hành tại 500 trường học ở Anh, cho thấy âm nhạc đang dần biến mất với tốc độ đáng lo ngại, dường như không còn là một môn học bắt buộc ở cấp trung học như lâu nay. Mới chỉ trong năm học 2012 - 2013, âm nhạc còn là môn học bắt buộc đối với trẻ từ 13 đến 14 tuổi ở 84% các trường được mời tham gia khảo sát. Kết quả mới nhất mà ĐH Sussex thu được cho thấy hiện nay môn âm nhạc là bắt buộc chỉ ở con số 47,5% số trường.

Trong số các trường tham gia trả lời khảo sát, 18% số trường không cung cấp chứng chỉ âm nhạc GCSE; ở một số trường, môn học chỉ được dạy như một “ngày trải nghiệm và làm phong phú thêm kiến thức cho HS”, với mỗi năm một lần. Đội ngũ nhân lực trong các phòng ban âm nhạc đã giảm gần 36% ở tất cả các trường tham gia trả lời khảo sát, với 70% các chuyên gia âm nhạc còn hoạt động buộc phải giảng dạy môn học khác ngoài chuyên môn của họ để lấp đầy thời gian trống.

Hệ lụy từ việc thiếu hụt tài chính?

Tác giả chính của báo cáo kết quả khảo sát, Duncan Mackrill, một giảng viên cao cấp tại ĐH Sussex, cho biết: “Vị trí của môn âm nhạc trong chương trình GD trung học tiếp tục được cân bằng hoặc biến mất một cách nhanh chóng trong một số lượng đáng kể các trường học. Nếu không có sự thay đổi để yêu cầu một chương trình giảng dạy cân bằng ở tất cả các trường học, chúng ta có nguy cơ thiếu vắng âm nhạc trong GD và ở nhiều trường hợp, người học có thể sẽ phải trả thêm tiền nếu muốn được học âm nhạc”.

Gần sáu trong số 10 trường đồng ý trả lời nội dung khảo sát liên quan đến chuyên môn sâu cho biết việc quảng cáo của chính phủ về bộ môn tú tài Anh (E bacc) đối với các môn học có ảnh hưởng tiêu cực đến các nghiên cứu âm nhạc tại trường của họ. Chỉ 2,5% cho biết nó có tác động tích cực đến âm nhạc. Dường như đây cũng là con số ít ỏi những trường vẫn coi trọng môn âm nhạc trong chương trình giảng dạy. 

Trong một báo cáo riêng, Hiệp hội Chính quyền địa phương (LGA), đại diện cho 370 hội đồng ở Anh và xứ Wales, cho biết các bài học âm nhạc ở trường học sẽ bị đe dọa nếu chính phủ không chi trả cho giáo viên.

Cũng theo LGA, các hội đồng đang phải đối mặt với một khoản thiếu hụt trong kinh phí hỗ trợ trị giá 3,9 tỷ bảng trong năm học 2019 - 2020, không có ngân sách cho việc tăng thêm 1 - 2,5% tiền lương cho giáo viên âm nhạc, mà đang do các hội đồng chi trả trực tiếp, với ước tính cần tới 5,5 triệu bảng.

Anntoinette Bramble, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trẻ em và Thanh thiếu niên của LGA, cho biết: “Chính quyền địa phương đã chịu áp lực tài chính lớn, với nhiều dịch vụ được mở rộng. Nếu chi phí bổ sung này không được chính phủ hỗ trợ, các hội đồng sẽ bị đặt vào tình thế rất khó khăn khi buộc phải cắt giảm một số loại hình cung cấp GD nhất định, bao gồm cả dạy âm nhạc, để cân bằng chi tiêu”.

Theo The Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2024.

Thái Nguyên khai mạc năm du lịch 2024

GD&TĐ - Ngày 25/4, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.