Ainu - dân tộc thiểu số thầm lặng ở Nhật

GD&TĐ - Người Ainu là cư dân sớm nhất của Hokkaido, hòn đảo phía Bắc của Nhật. Họ có một nền văn hóa đặc sắc và những tập tục lâu đời nhưng hầu như du khách không biết nhiều về họ.

Lễ hội Marimo của người Ainu diễn ra hàng năm.
Lễ hội Marimo của người Ainu diễn ra hàng năm.

Bị kỳ thị

Ainu, một dân tộc bản địa hiện sống phần lớn ở Hokkaido, đảo cực Bắc của Nhật, một thời gian dài được các nhà nhân loại học quan tâm tìm hiểu do văn hóa, ngôn ngữ độc đáo và đặc điểm thể chất của họ. Ainu có một lịch sử gian nan, với nguồn gốc khá mờ mịt, nhưng một số học giả tin rằng, họ là hậu duệ của một bộ tộc từng sinh sống ở miền Bắc châu Á. 

Người Ainu gọi Hokkaido là “Ainu Moshiri” (Đất của người Ainu). Nghề nghiệp khởi thủy của họ là săn bắn, câu cá, cũng như nhiều dân tộc bản địa khác trên thế giới. Họ sống chủ yếu dọc theo bờ biển phía Nam ấm áp của Hokkaido và giao thương với người Nhật.

Thức ăn được tìm kiếm, đánh bắt ở sông hoặc săn bắn, bao gồm cá hồi, hươu và gấu. Quần áo của họ được làm bằng da động vật, da cá, hoặc dệt bằng vỏ cây hay sợi cây tầm ma.

Họ đối xử tốt với gấu vì tin linh hồn của con vật, mà họ tôn thờ như một thần linh, sẽ luôn mang lại may mắn cho cộng đồng. Họ bắt những con gấu khi chúng còn nhỏ và nuôi dưỡng như một thành viên trong gia đình. Sau một thời gian, gấu được thả vào thiên nhiên. 

Sau cuộc duy tân thời Minh Trị vào năm năm 1869, người Nhật xâm chiếm hòn đảo cực Bắc này, kéo theo những người từ đất liền di cư đến. Từ đó, nảy sinh các hành vi phân biệt đối xử. Việc thực hiện đạo luật về thổ dân cũ ở Hokkaido năm 1899, trong đó khẳng định Nhật Bản không hề có sắc dân thiểu số nào cả, đã buộc những người Ainu phải chuyển từ những vùng đất truyền thống của họ đến khu vực núi đồi cằn cỗi ở trung tâm đảo. Trong một thời gian dài, họ bị áp bức, coi thường và phân biệt đối xử. 

Theo GS Kunihiko Yoshida, thuộc ĐH Hokkaido, đây là một câu chuyện buồn. Bị buộc rời khỏi nơi sinh sống, người Ainu không còn đánh bắt cá hồi trên sông và săn hươu nai trên đất đai của mình nữa. Họ phải làm nông nghiệp, nhận tên Nhật, nói ngôn ngữ Nhật và dần dần tự tước bỏ văn hóa, phong tục truyền thống.

Ngày nay, phần lớn những người được xác nhận thuộc dân tộc Ainu vẫn sống tại các khu vực này, mặc dù vậy số lượng chính xác thì không rõ (chỉ ước lượng khoảng 25.000 người). Điều này là do vấn đề phân biệt chủng tộc ở Nhật Bản dẫn tới việc những người có nguồn gốc Ainu phải che giấu thân phận của mình, đồng thời có xu hướng kết hôn với người Nhật Bản nhằm giảm bớt sự phân biệt đối xử cho con cháu của họ. Kết quả là hiện nay có rất nhiều người Ainu không còn phân biệt rõ với người Nhật Bản. 

Được công nhận, nhưng chưa đủ

Người Ainu cũng nổi bật trên vũ đài chính trị quốc gia, với nhà hoạt động Kayano Shigeru được bầu vào Quốc hội Nhật Bản năm 1994, nơi ông phục vụ 5 nhiệm kỳ. Bộ truyện tranh nổi tiếng, Golden Kamuy, đã đưa văn hóa Ainu trở thành tiêu điểm quốc gia trong vài năm gần đây.

Gần đây, người Ainu được tôn trọng nhiều hơn. Vào tháng 4/2019, chính phủ chính thức công nhận Ainu là một dân tộc bản xứ của Nhật, đồng thời khuyến khích mọi người chấm dứt phân biệt đối xử với họ. Điều này đã dẫn đến sự đánh giá tích cực hơn về văn hóa của người Ainu, khôi phục lòng kiêu hãnh của họ về ngôn ngữ và di sản dân tộc. 

Nằm cách trung tâm thành phố Sapporo, thủ phủ của Hokkaido khoảng 40 phút đi xe hơi, Sapporo Pirka Kotan, hay còn gọi là Trung tâm quảng bá văn hóa Ainu, được khai trương vào năm 2003 nhằm giới thiệu đến du khách Nhật Bản và người nước ngoài về văn hóa Ainu và truyền bá thông điệp của họ ra thế giới. Tại đây, du khách có thể ghé các bảo tàng, nơi bảo quản, trưng bày đồ tạo tác, quần áo và vật dụng truyền thống.

Trung tâm cũng là nơi tổ chức hội thảo về nghề thêu, chế tác nhạc cụ, biểu diễn múa và âm nhạc truyền thống Ainu. Du khách có thể tham gia các hội thảo về nghệ thuật thêu Ainu hoặc học cách làm nhạc cụ Ainu truyền thống mukkuri (một cây đàn hạc bằng tre). Bằng cách tổ chức các sự kiện, các thành viên của cộng đồng có thể giúp cho thế giới hiểu rõ hơn về lịch sử và thân phận của họ.

“Nếu tôi nói với mọi người về quyền lợi của người Ainu, sẽ ít có ai quan tâm. Nhưng khi mọi người nhìn thấy điệu nhảy hoặc xem trình diễn âm nhạc của chúng tôi, họ sẽ thích thú và mong muốn tìm hiểu thêm về chúng tôi”, Ryoko Tahara, một nhà hoạt động người Ainu, Chủ tịch Hiệp hội Phụ nữ Ainu nói. 

Niềm tự hào của người Ainu có thể được nhìn thấy tại các sự kiện như lễ hội Marimo hằng năm tại hồ Akan và lễ hội Shakushain ở Shizunai. Ngoài ra, còn có một nhóm gồm 40 thành viên thuộc Dự án nghệ thuật Ainu, chia sẻ văn hóa thông qua ban nhạc hợp nhất rock - Ainu và  quảng bá nghệ thuật thủ công. Các nhà hàng như Kerapirka ở Sapporo phục vụ thức ăn Ainu truyền thống và hoạt động như một trung tâm của cộng đồng địa phương.

Bước tiến mới nhất cho cộng đồng này là Symbolic Space for Ethnic Harmony (Không gian tượng trưng cho sự hòa hợp dân tộc) ở Shiraoi, Hokkaido, một khu phức hợp mới hiện đang được chính phủ xây dựng để giới thiệu văn hóa Ainu. Được hình thành từ một Bảo tàng Quốc gia Ainu, Công viên Quốc gia về Hòa hợp Dân tộc và một cơ sở tưởng niệm, cơ sở này đã được lên kế hoạch khai trương vào tháng 4/2020 nhân Thế vận hội, nhưng đã bị trì hoãn do dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, sự công nhận gần đây của chính phủ đối với người Ainu là chưa đủ. Dự luật Ainu mới không cung cấp cho người bản địa Nhật Bản những quyền rõ ràng. “Người Ainu vẫn không thể câu được cá hồi và các đập đang được xây dựng sẽ nhấn chìm các địa điểm thiêng liêng của họ” - ông Yoshida nói - “Không có quyền tự quyết, không có quyền lợi tập thể và không có sự bồi thường, sự công nhận hiện nay chỉ mang tính tượng trưng, ​không có ý nghĩa lắm. Điều cần hơn cho người Ainu là chính phủ nên xác định đầy đủ các quyền lợi, nghĩa vụ của họ theo pháp luật”.

Theo BBC

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...
Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".