Afghanistan: Chiến tranh phá hủy giấc mơ học tập

GD&TĐ - Một báo cáo từ Quỹ khẩn cấp trẻ em quốc tế của Liên hợp quốc (UNICEF) mô tả rằng, hiện có khoảng 25 triệu trẻ em, trong độ tuổi từ 6 - 15, tại các khu vực đang diễn ra xung đột ở 22 quốc gia khác nhau trên thế giới, bị tước bỏ quyền được giáo dục. Trong số này, Afghanistan là nước có tình hình giáo dục đáng lo ngại nhất.

Dù chính phủ đã rất nỗ lực, nhưng đối với nhiều trẻ em Afghanistan hiện nay, việc được đi học chỉ là ước mơ. Ảnh: Tolo News
Dù chính phủ đã rất nỗ lực, nhưng đối với nhiều trẻ em Afghanistan hiện nay, việc được đi học chỉ là ước mơ. Ảnh: Tolo News

Trường học - mục tiêu của các cuộc xung đột

Ở quốc gia Trung Á này, hàng thập kỷ chiến tranh liên miên không chỉ phá hủy hệ thống cơ sở hạ tầng, mà cũng làm sụp đổ nền tảng kinh tế lẫn văn hóa, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến giáo dục, kể cả đối với những khu vực do chính phủ nắm giữ. Tại những khu vực thường xuyên có giao tranh và bạo lực, đi học là niềm mơ ước xa vời của trẻ em.

Hầu như không trường học nào còn nguyên vẹn hoặc hoạt động bình thường. Cùng với bệnh viện và các trụ sở công quyền, trường học thường xuyên bị tấn công, vì quân nổi dậy coi đó là những biểu tượng của chính phủ. Tấn công trường học, bắt cóc giáo viên và học sinh, đó là một trong những chiến lược của các lực lượng đối lập để gây áp lực đối với chính quyền - một chiến lược tàn ác nhưng rất hiệu quả, đặc biệt là ở những vùng nông thôn và vùng núi hẻo lánh. Các cuộc tấn công phá hủy trường học không chỉ đến từ các lực lượng nổi dậy, mà đôi khi nó còn đến từ quân chính phủ, khi trường học trở thành căn cứ trú ẩn của phiến quân.

Trong khi Bộ Giáo dục Afghanistan báo cáo về số liệu 400 trường học mới nhất ở các khu vực khác nhau trên cả nước bị đóng cửa trong thời gian qua, người ta có thể nghĩ đến hàng chục trường học khác thuộc những khu vực ngoài tầm kiểm soát của chính phủ. Như một sự thừa nhận rằng đó là tài sản quốc gia đã bị mất, đồng thời cũng không nắm được số phận hiện tại của chúng, báo cáo từ Bộ Giáo dục phớt lờ các trường học này.

Chấp nhận con số 400 trường học bị đóng cửa trong thời gian qua, đồng thời đặt giả thuyết rằng trung bình mỗi trường chỉ có 400 học sinh theo học, thì việc đóng cửa các trường này có nghĩa là gần 160.000 trẻ em Afghanistan bị từ chối giáo dục - quyền cơ bản nhất của con người.Sự hiện diện của các tay súng, dù là quân chính phủ hay các nhóm vũ trang nổi dậy, ở trong hoặc xung quanh trường học, không chỉ khiến cuộc sống của trẻ em và giáo viên gặp nguy hiểm mà còn buộc các gia đình ngăn chặn con cái họ đến trường.

Cần thay đổi cách tiếp cận

Mặc dù chính phủ Afghanistan luôn khẳng định các trường học là khu vực an toàn và không sử dụng các công trình phục vụ giáo dục cho các đề xuất quân sự, nhưng xem ra đó chỉ là những mong muốn và nỗ lực, nhằm tạo niềm tin cũng như uy tín của chính quyền trung ương. Đó là lý do tại sao các trường học tiếp tục là mục tiêu chính trong những khu vực xung đột.

Một thực tế rõ ràng là chính phủ và các đồng minh quốc tế (cụ thể là liên quân do Mỹ đứng đầu) đang loay hoay giữa việc vừa đẩy lùi các tay súng nổi dậy, vừa thực hiện lời hứa an sinh xã hội cho người dân. Công bằng mà nói, đã có nhiều cố gắng đáng ghi nhận từ Kabul để cải thiện tình hình, trong đó phải kể đến các dự án trị giá hàng triệu đô la đã được cung cấp cho ngành giáo dục, thế nhưng với nhiều trẻ em Afghanistan hiện nay, được đi học vẫn chỉ là ước mơ, thậm chí còn là hành trình đầy hiểm nguy, đe dọa đến tính mạng.

Bốn thập kỷ xung đột kéo dài đã phá hủy hệ thống giáo dục, đồng thời thúc đẩy văn hóa thờ ơ đối với giáo dục và trường học giữa những người dân Afghanistan.Ngoài một cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này, thiên tai, rào cản địa lý, nền kinh tế yếu kém và văn hóa bảo thủ là những yếu tố khác làm giảm số lượng trẻ em đi học.

Trong khi đó, Bộ Giáo dục, thay vì giải quyết các thách thức hoặc sử dụng các sáng kiến mới có thể phục vụ giáo dục trẻ em ở các vùng xung đột, lại ưu tiên tập trung vào việc lên kế hoạch xây dựng các trường học mới, trong đó phần nhiều lại là những trường thể chất, ở các khu vực khác nhau của đất nước.

Bất chấp lời hứa xây dựng những ngôi trường mới này (trong đó hầu hết là lời hứa “treo” và chưa từng được triển khai trên thực tế), câu hỏi đặt ra là những trường học như vậy sẽ hiệu quả và khả thi đến mức nào đối với các cộng đồng sống trong khu vực không an toàn, ngay cả khi chúng được xây dựng?Tỷ lệ nhập học tại trường không thể được cải thiện bằng cách xây dựng công trình trường học, nếu an ninh, kinh tế và tư duy chưa sẵn sàng để gắn kết văn hóa học đường và giáo dục cho trẻ em.

Xem xét tất cả các trở ngại cho giáo dục ở quốc gia này, các chuyên gia quốc tế đưa ra lời khuyên rằng, Bộ Giáo dục Afganistan nên xây dựng một hệ thống giáo dục tốt hơn, có tính khả thi và thích ứng cho mọi người dân ở tất cả các tỉnh.Các hành động thực dụng nên được chính phủ thực hiện, để tuyên bố các trường học là khu vực an toàn, cũng như cam kết chính trị giữa chính phủ và quân nổi dậy để bảo vệ giáo dục.

Theo Tolo News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ