“Cấm cửa” lao động tay nghề thấp: Nước Anh đối mặt khủng hoảng thị trường nhân lực

“Cấm cửa” lao động tay nghề thấp: Nước Anh đối mặt khủng hoảng thị trường nhân lực

Chính phủ của ông Boris Johnson kêu gọi các doanh nhân chuẩn bị cho những thay đổi và thoát khỏi sự phụ thuộc vào lao động nước ngoài có tay nghề thấp với mức lương thấp. Trong bối cảnh ấy, giới doanh nhân Anh dự đoán sẽ có một cuộc khủng hoảng nhân lực sâu sắc ở đất nước này.

Đóng cửa với những lao động có tay nghề thấp

Ngày 19/2, Bộ trưởng Nội vụ Anh PritiPatel trình bày chi tiết về đề án cải cách di cư như đã hứa.

“Ngày hôm nay là một thời khắc lịch sử cho cả nước. Chúng tôi bãi bỏ chế độ di cư tự do, giành lại quyền kiểm soát biên giới và thực hiện mong muốn của người dân bằng cách đưa ra một hệ thống di cư dựa trên những điểm mới ở Vương quốc Anh.

Nó được xây dựng nhằm giảm số lượng người di cư”, Priti Patel tuyên bố. Bà Priti Patel nhấn mạnh: Đây là ý chí của những người đã bỏ phiếu cho Brexit và Đảng Bảo thủ.

Dự kiến các quy tắc mới sẽ được áp dụng cho công dân của các nước EU và công dân từ các nước ngoài khác.

Để có thể làm việc tại Vương quốc Anh, ứng viên sẽ phải đạt 70 điểm. Chẳng hạn, người có tay nghề cao, nói tiếng Anh thông thạo và được mời đến làm việc tại Anh sẽ nhận được 50 điểm. 20 điểm khác có thể nhận được với các ứng cử viên về khoa học chính xác (nếu mức độ này là cần thiết cho công việc), nộp đơn xin việc trong một khu vực thiếu nhân viên, hoặc nộp đơn xin một mức lương tương đối cạnh tranh (25,6 nghìn bảng so với mức trung bình ở nước Anh là 27 nghìn bảng/năm).

Theo kế hoạch, từ ngày 1/1/2021, biên giới Vương quốc Anh sẽ hoàn toàn đóng cửa đối với lao động phổ thông.

Những ứng viên đủ điều kiện sẽ được coi là một chuyên gia ít nhất với một nền giáo dục phổ thông hoàn chỉnh (tốt nghiệp trung học). Với các đối tượng công nhân tự làm việc mà không có nơi làm việc cụ thể (như thợ khóa và thợ xây dựng), để đến được nước Anh đều phải… “đặt hàng”.

Lính biên phòng sẽ không chấp nhận thẻ căn cước (tài liệu nội bộ) của Pháp và Ý, vì một số cư dân của các quốc gia ngoài EU đã giả mạo chúng và sử dụng để vào Anh.

Tuy nhiên, cũng có những nhượng bộ nhất định, ví dụ, hàng năm, chỉ tiêu về số lượng chuyên gia đủ điều kiện đến Anh làm việc có thể thay đổi.

“Tất cả quy định mới nhằm xây dựng lại hệ thống nhập cư của chúng tôi, để những người thông minh nhất, giỏi nhất có kỹ năng nhất đến với chúng tôi. Đối với những người lao động được trả lương thấp, có tay nghề thấp sẽ không còn “cửa” để đến với chúng tôi”- bà Priti Patel giải thích.

Theo bà Priti Patel, các doanh nghiệp cần thích nghi với điều kiện mới, tìm kiếm nhân sự giữa những người Anh và 3,2 triệu công dân EU đã xin giấy phép cư trú tại Vương quốc Anh. Bộ trưởng Priti Patel cũng cho rằng, vào thời điểm hiện tại, Anh có khoảng 8 triệu người trong độ tuổi từ 16 đến 64 là những người “không tích cực trong hoạt động kinh tế” và họ có thể được dạy các kỹ năng cần thiết để có chỗ đứng trên thị trường lao động.

Làn sóng phản đối dữ dội

Kế hoạch của chính quyền đã bị phe đối lập và nhiều chính trị gia Anh chỉ trích nặng nề. Đảng viên Công Đảng nổi tiếng Diane Abbott khẳng định: “Rõ ràng, Chính phủ đã không nghĩ về những tác động tiêu cực của chính sách này đối với nền kinh tế và những gì người di cư đã sống và làm việc ở đây”.

Đại diện của Đảng Dân chủ Tự do Christine Jardinegọi các đề xuất của chính quyền dựa trên chính sách bài ngoại. Bộ trưởng đầu tiên của Scotland và là lãnh đạo Đảng Quốc gia Scotland Nikola Sturgeon cho rằng, các biện pháp được đề xuất sẽ tàn phá nền kinh tế khu vực.

Đại diện của hệ thống chăm sóc sức khỏe và các lĩnh vực kinh doanh khác nhau của Anh bày tỏ lo lắng về các biện pháp được đề xuất.

“Công việc mà Chính phủ coi là “không có kỹ năng” của người lao động rất quan trọng đối với sự thịnh vượng và tăng trưởng của nền kinh tế. Các sáng kiến được đề xuất sẽ đóng lại cánh cửa vào Anh đối với những người làm những công việc xã hội cần thiết”-Tom Hadley, một trong những lãnh đạo của Liên đoàn Việc làm (một tổ chức phi chính phủ hợp nhất các nhân sự cấp cao) cho biết. Ông Tom Hadley nhấn mạnh rằng, Vương quốc Anh đang cần lắm những người lao động chăm sóc người già, xây nhà và hỗ trợ nền kinh tế của đất nước.

Quả là như vậy. Ở các nước phát triển nói chung và Anh nói riêng, những công việc nặng nhọc, độc hại, có thu nhập thấp, thậm chí bẩn thỉu không mấy hấp dẫn người bản xứ. Những công việc này đa phần do những người nhập cư từ những nước có thu nhập thấp đảm nhiệm.

Giờ đây, “gánh nặng” này đặt lên vai người bản xứ là việc bất đắc dĩ. Sự thiếu hụt lao động phổ thông do đề xuất của Chính phủ sẽ là bài toán khó cho nước Anh và đặc biệt cho các doanh nghiệp Anh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quảng bá di sản

GD&TĐ - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã được hơn 10 năm (6/12/2012).